Nhiều thông tin xuất hiện gần đây cho thấy, Nga đang đẩy mạnh nỗ lực hoàn thiện và đưa máy bay tác chiến không người lái (UCAV) khổng lồ mới của mình vào sử dụng sớm hơn dự kiến.
Cụ thể, UCAV S-70 Okhotnik (biệt danh “Thợ Săn”) sẽ được biên chế cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga vào năm 2024, sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.
Điều đó đồng nghĩa với việc S-70 Okhotnik có khả năng sẽ trở thành máy bay chiến đấu không người lái hiện đại đầu tiên trên thế giới dùng cho chiến tranh thông thường quy mô lớn được đưa vào biên chế.
Truyền thông Nga lần đầu tiên phát hiện ra dòng UCAV này vào tháng 1/2019 khi nó đang thực hiện các cuộc thử nghiệm tại Nhà máy Hàng không Chkalov có trụ sở ở Novosibirsk.
Nhìn bề ngoài, S-70 Okhotnik giống như một chiếc boomerang, có cửa hút khí lớn ngay trước nửa trên của máy bay và một đuôi động cơ được che kín.
Okhotnik do Cục Thiết kế Sukhoi danh tiếng chế tạo. Đây cũng là nhà sản xuất các máy bay chiến đấu của Nga từ thời Chiến tranh Lạnh cũng như các chiến đấu cơ Su-35 Flanker-E và Su-57 hiện nay.
Những bức ảnh tiết lộ trước đây về chiếc UCAV mới của Nga cho thấy "Thợ Săn" S-70 Okhotnik có một số chi tiết riêng biệt: Kích thước khá lớn và thiết bị hạ cánh tương đối cứng cũng như phần động cơ không quá tàng hình (có vẻ giống với Saturn AL-41 sử dụng cho Su-57).
Người Nga từ lâu đã có sở trường thiết kế các máy bay có thể hoạt động ở các phi trường dã chiến với tải trọng lớn. Do dó, thiết kế hạ cánh cứng này cho thấy S-70 Okhotnik có thể mang theo tải trọng vũ khí và/hoặc cảm biến đáng kể.
Okhotnik bay bên cạnh tiêm kích Sukhoi Su-57. Ảnh: TASS
Với trọng tải 20 tấn, Okhotnik nặng tương đương với tiêm kích hai động cơ F-15 Eagle của Mỹ. UCAV được thiết kế để mang theo khoảng 6.000 kg đạn, gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất, chứa trong một khoang vũ khí bên trong thân máy bay.
Tầm hoạt động của S-70 Okhotnik là 6.000 km và tốc độ tối đa có thể lên tới gần 1.000 km/h.
Okhotnik ban đầu được mô tả là một máy bay không người lái tự hành có khả năng thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ máy bay chiến đấu có người lái.
Những nỗ lực của Mỹ nhằm phát triển một “người bạn đường trung thành” có thể hoạt động song hành cùng với các máy bay chiến đấu có người lái được cho là động lực chính để Nga đi đến quyết định chế tạo Okhotnik.
Okhotnik có thể thực hiện những sứ mệnh không kích tấn công các mục tiêu quan trọng của đối phương, trong đó có các hệ thống phòng không, trung tâm chỉ huy cùng nhiều dạng mục tiêu trọng yếu khác.
Nga đang cố gắng bắt kịp phương Tây trong lĩnh vực chế tạo các hệ thống vũ khí tự động. Xe chiến đấu bộ binh không người lái Uran-9 mà Moscow triển khai ở Syria là một ví dụ như vậy.
Uran-9 đã chứng tỏ là phương tiện hoạt động không tốt trong điều kiện tác chiến thực tế dù người Nga cũng rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu.
Mỹ mặc dù đã sử dụng các máy bay không người lái vũ trang kể từ sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 nhưng đã tạm dừng phát triển các máy bay không người lái cỡ lớn, được trang bị vũ khí mạnh mẽ như Okhotnik.
UAV MQ-9 Reaper của Mỹ đi vào hoạt động từ những năm 2010 nhưng nó chỉ được tối ưu hóa để sử dụng trong các cuộc xung đột cường độ thấp và chống lại quân nổi dậy. Nếu phải đối phó với các hệ thống phòng không hiện đại, Reaper có thể sẽ bị bắn hạ hàng loạt.