UAV Azerbaijan "gieo rắc kinh hoàng" ở Karabakh, nhưng vì sao xung đột vẫn chưa kết thúc?

Hoài Giang |

Máy bay không người lái (UAV), thứ vũ khí từng được coi là một "viên đạn bạc" giúp giải quyết xung đột, nay đã trở thành một "liều độc dược"?

UAV, "điểm nhấn" quan trọng trong xung đột Azerbaijan - Armenia

Các tin tức miêu tả sự khủng khiếp trong xung đột giữa Azerbaijan và Armenia tại khu vực Nagorno-Karabakh vẫn đang được cập nhật hàng giờ. Khi những nỗ lực ngoại giao nhằm thực thi ngừng bắn chấm dứt, cả hai phía đã tăng cường độ xung đột lên gấp đôi trước đó.

Từ các cuộc tấn công bằng pháo binh, rocket, đụng độ giờ đã diễn ra giữa bộ binh hai phía trong các chiến hào. Một làn sóng lính tình nguyện hưởng ứng lời kêu gọi từ cả hai chính phủ đang đổ xô ra tiền tuyến.

UAV Azerbaijan gieo rắc kinh hoàng ở Karabakh, nhưng vì sao xung đột vẫn chưa kết thúc? - Ảnh 1.

Binh sĩ người Armenia đứng gác trong chiến hào ở Nagorno-Karabakh (Ảnh: AP).

Cuộc chiến tiêu hao này làm nổi bật một thực tế quan trọng không nên bỏ qua và đã trở thành một đặc điểm của xung đột Nagorno-Karabakh là phía Azerbaijan sử dụng máy bay không người lái (UAV) ở một cường độ chưa từng có.

"Treo mình" trên chiến trường và gieo rắc cái chết theo mệnh lệnh, việc UAV tham chiến đã làm thay đổi lý thuyết quân sự thông thường.

Nhưng một nhận thức sai lầm đang bao trùm khi cho rằng chúng có thể đưa một cuộc xung đột bế tắc, một cuộc chiến bất đối xứng đến gần một kết thúc nhanh chóng, thắng lợi và tương đối ít đổ máu.

Bộ Quốc phòng Azerbaijan công bố video diệt 4 xe tăng T-72 Armenia hôm 24/10.

Sử dụng UAV trong xung đột là "con dao hai lưỡi"

Từ Châu Phi đến Afghanistan, người Mỹ đã sử dụng rộng rãi thứ vũ khí hiệu quả và đắt tiền này để tiến hành từ xa các vụ ám sát.

Tận dụng các loại UAV rẻ tiền và dễ chế tạo, ác nhóm vũ trang như Hezbollah ở Lebanon và Houthi ở Yemen đã biến chúng trở thành một loại hỏa lực mới - "bom bay". Thứ vũ khí có thể đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách xa mà không gây nguy hiểm cho người điều khiển.

Nhưng xung đột ở Nagorno-Karabakh thì khác. Azerbaijan đã triển khai các loại UAV tấn công Thổ Nhĩ Kỳ và UAV tự sát do Israel như một phần của lực lượng không quân nhằm mục đích đánh mạnh vào tâm lý của đối phương.

UAV đang đại diện cho một xu hướng mới và nguy hiểm - một quốc gia nhỏ có được chúng với số lượng lớn và triển khai như một "sự mở rộng" của không quân có thể tăng đáng kể sức mạnh và loại bỏ một số giới hạn đối với các tham vọng quân sự.

Như đã xảy ra với vũ khí mạng, UAV đã chấm dứt cái gọi là "sự độc quyền" của các quốc gia giàu có trong việc sử dụng bạo lực để truy lùng kẻ địch.

Đối với không quân của các quốc gia chỉ sở hữu một số ít máy bay chiến đấu như Azerbaijan, UAV rẻ tiền đã làm thay đổi một cách nguy hiểm nhận thức rằng khả năng quân sự của họ là hạn chế.

UAV cũng không làm giảm rủi ro leo thang xung đột. Trên thực tế, cuộc xung đột đang trở thành cuộc "chiến tranh không người lái" đầu tiên.

Tuy nhiên nghịch lý là việc UAV "tung hoành" ở Nagorno-Karabakh lại là nguyên nhân khiến con số những người tình nguyện ngày càng tăng ở phía Armenia.

UAV Azerbaijan gieo rắc kinh hoàng ở Karabakh, nhưng vì sao xung đột vẫn chưa kết thúc? - Ảnh 3.

Một xe bus chở người tình nguyện tới tham chiến ở Nagorno-Karabakh (Nguồn: ArmenPress).

Việc Baku sử dụng "không quân không người lái" cũng có thể đã đưa Yeveran đến gần hơn với "gót chân Achilles" của họ.

Tại sao lại như vậy?

Mặc dù việc sử dụng UAV tương đối có hiệu quả trên chiến trường, nhưng vận hành nó trong một cuộc xung đột toàn diện giữa quân đội hai quốc gia đã mang lại một số kết quả bất ngờ.

Mặc dù, UAV có thể đem đến những cái chết bất ngờ, nhưng chúng lại là con mồi dễ dàng cho các hệ thống phòng không tầm ngắn.

Số UAV mà Armenia tuyên bố đã bị bắn hạ dự kiến ​​sẽ tăng lên trong những tuần tới. Khi các lực lượng của họ vượt qua cú sốc ban đầu do UAV gây ra, hiệu quả của máy bay không người lái sẽ giảm, mặc dù không hoàn toàn "vô dụng".

Phóng sự của ANNA News cho thấy các tổ hợp phòng không tầm ngắn của phía Armenia sẵn sàng tiêu diệt UAV (Nguồn: ANNA News/Youtube).

Tăng - thiết giáp đã "hết thời"?

Các câu hỏi về vai trò của lực lượng tăng - thiết giáp trong chiến tranh tương lai cũng được đặt ra do số lượng lớn cơ giới của cả hai phía bị thiệt hại nặng trong xung đột.

Mối đe dọa từ UAV rõ ràng đã làm tăng nhu cầu về các hệ thống tác chiến điện tử và phòng không tầm ngắn cho các đội hình tăng - thiết giáp, tuy nhiên công tác huấn luyện và chiến thuật kém đã góp phần không nhỏ trong các tổn thất nói trên.

Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, điều này đã được mô tả trong đoạn phim một đoàn xe tăng Azerbaijan từ từ băng qua bãi đất trống theo đội hình trước khi bị pháo binh Armenia tiêu diệt một cách dễ dàng.

Lực lượng Armenia đăng tải đoạn video xe bọc thép Azerbaijan trúng đạn hôm 27/9 (Nguồn: Sputnik).

Kết luận

Nhìn toàn cảnh cuộc xung đột đang diễn ra ở Nagorno-Karabakh, chúng ta có thể thấy một số điểm nhấn quan trọng:

Đầu tiên, việc UAV được cung cấp rộng rãi cho cuộc xung đột, đặc biệt là từ phía Thổ Nhĩ Kỳ có thể không chỉ nhằm mục đích kinh tế mà còn là "công cụ ngoại giao" để thiết lập một "kiến trúc an ninh mới" của Ankara.

Mặc dù Israel đã được cả Armenia và người dân nước này yêu cầu giảm thiểu cung cấp vũ khí với Azerbaijan, nhưng có lẽ điều tương tự cũng đã xảy ra với Tel Aviv khi nguồn lợi thương mại đi đôi với nỗ lực hạn chế tham vọng nếu có của Tehran.

Do đó, ít có khả năng Israel sẽ ngừng cung cấp vũ khí cho Azerbaijan.

Những sự phát triển này báo hiệu xu thế cạnh tranh chiến lược ngày càng trở nên phức tạp ở Trung Đông.

Thứ hai, cần tập trung vào sự phát triển của khái niệm "chiến tranh không người lái". Bước tiếp theo có lẽ là sự ra đời của các "bầy" UAV có thể vô hiệu hóa các hệ thống phòng không.

Mặc dù giải pháp này chưa xuất hiện trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, vì chúng chưa có sẵn trên thị trường. Tuy nhiên các nguyên mẫu CH-901 của Trung Quốc và Coyote của Mỹ đang chuyển từ giai đoạn thử nghiệm sang sản xuất.

Cuối cùng, mặc dù hiệu quả của UAV trong các cuộc xung đột từ Syria tới Caucasus là không thể phủ nhận, nhưng chúng vẫn không có khả năng trở thành một lực lượng quyết định trong chiến tranh.

Nói cách khác, để kết thúc cuộc chiến vẫn cần "những chiếc ủng lính trên mặt đất".

Tuy nhiên, không nên chỉ nhìn vấn đề này qua lăng kính chiến thuật. Ở Nagorno-Karabakh, việc sử dụng UAV đã đặt ra nhiều câu hỏi, bao gồm giá trị tuyên truyền của chúng, cũng như các khía cạnh đạo đức và pháp lý của hình thức chiến tranh này.

Khái niệm "phủ bụi" từ thời Chiến tranh Lạnh cho rằng sự phát triển công nghệ quân sự sẽ làm giảm chiến tranh cùng niềm tin rằng "các cuộc tấn công chính xác" có thể mang lại một chiến thắng nhanh chóng và ít đổ máu là hoàn toàn sai lầm.

Đã quá nhiều lần, những phát triển trong khoa học quân sự được coi là một "viên đạn bạc", đã trở thành một "liều độc dược".

UAV Azerbaijan gieo rắc kinh hoàng ở Karabakh, nhưng vì sao xung đột vẫn chưa kết thúc? - Ảnh 8.

Một bản đồ miêu tả khác biệt trong tuyên bố của Azerbaijan (xanh) và Armenia (đỏ) về chiến tuyến hiện tại ở Nagorno-Karabakh. Khu vực Syunik-Zangilan nằm ở góc tây nam của bản đồ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại