UAE đang nỗ lực phục hồi và trồng mới rừng ngập mặn ven biển nhằm chống biến đổi khí hậu. Ảnh: REUTERS
Rừng ngập mặn ở vùng nhiệt đới là các hệ sinh thái phức tạp với nhiều cây ngập mặn phát triển mạnh trong điều kiện nước mặn, bùn lầy và nóng. Chúng giúp bảo vệ các cộng đồng ven biển trước các cơn bão và lũ lụt, đồng thời là nơi sinh sống của nhiều loài, trong đó có những loài động vật đang bị đe dọa. Rừng ngập mặn cũng có thể góp phần quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ khả năng hấp thu carbon.
Nhà khoa học Hamad al-Jailani làm việc tại Cơ quan Môi trường của thủ đô Abu Dhabi cho biết loài cây mắm, có tên khoa học Avicennia Marina, rất đặc biệt bởi chúng có khả năng chống chịu rất cao với điều kiện sống khắc nghiệt như độ mặn và nhiệt độ rất cao. Ông Hamad al-Jailani nhấn mạnh điều này rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu khi nhiệt độ trên toàn thế giới tăng hoặc thiếu tính ổn định.
Theo Chính phủ UAE, vương quốc này đã trồng các cây ngập mặn kể từ đầu những năm 1970 và hiện có 60 triệu cây trên diện tích hơn 180 km2, hấp thu 43.000 tấn CO2/năm. UAE có kế hoạch trồng thêm 100 triệu cây vào năm 2030. UAE dự kiến tổ chức Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) vào tháng 12 tới.
Theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, diện tích rừng ngập mặn toàn cầu đã giảm 3,4% trong giai đoạn 1996-2020, nhưng ổn định trong những năm gần đây. Các rừng ngập mặn lâu năm hấp thu nhiều lượng carbon hơn trong khi LHQ cho biết tỷ lệ thành công của các dự án phục hồi rừng ngập mặn do con người trồng là rất thấp. Các nhà khoa học cho rằng nhiệm vụ trọng tâm là duy trì tỷ lệ sống sót của cây ngập mặn hơn là số lượng cây trồng.