Theo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP-Hong Kong), Mỹ đang tích cực tìm cách tận dụng vai trò nòng cốt của mình để thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nhằm kìm hãm sự phát triển của các dự án Vành đai và Con đường của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông, Sừng châu Phi và phía đông Địa Trung Hải.
Vào ngày 13/8 vừa qua, Ngoại trưởng UAE Anwar Gargash đã công bố bộ khung hiệp định ba bên lịch sử dưới sự hậu thuẫn của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Bộ khung này có đề cập tới kế hoạch xây dựng một liên minh an ninh hàng hải.
Sau khi được triển khai, bộ khung này sẽ thiết lập một "tam giác chiến lược", chủ yếu nhằm chống lại các mối đe dọa của Iran đối với các hoạt động hàng hải đi qua hai điểm “nút cổ chai” của khu vực: Eo biển Hormuz và Eo biển Bab El-Mandeb giữa Yemen và vùng Sừng châu Phi, trên đường từ Ấn Độ Dương đến kênh đào Suez.
Cùng với eo biển Malacca, các vùng biển này tạo thành ba tuyến hàng hải chiến lược quan trọng nhất đối với lợi ích địa chính trị của Trung Quốc. Bắc Kinh đã mô tả việc tiếp cận không bị cản trở vào ba tuyến đường thủy là "vấn đề sinh tử" đối với nền kinh tế nước này.
Ông Samuel Ramani, nhà bình luận về các vấn đề Trung Đông kiêm nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Đại học Oxford, cho biết: “Thỏa thuận Israel-UAE một phần nhằm chính thức hóa hợp tác về an ninh hàng hải và chống lại các mối đe dọa đối với các tuyến đường hàng hải quan trọng”.
“Còn quá sớm để nói trước về tương lai của sự hợp tác ba bên này nhưng đã xuất hiện những lo ngại từ Bắc Kinh về ý nghĩa của hiệp định đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Ramani nói.
Tuy nhiên, có ý nghĩa hơn cả tuyến đường vận tải hàng hải, ông cho biết Trung Quốc nghi ngờ "những điều khoản ngầm" có thể đã được Jared Kushner, cố vấn cấp cao và con rể của Tổng thống Trump, thêm vào thỏa thuận Mỹ-Israel-UAE.
UAE "đu dây" giữa Mỹ và Trung Quốc
Kelsey Broderick, nhà phân tích Trung Quốc của Eurasia Group, một công ty tư vấn rủi ro địa chính trị có trụ sở tại New York, cho biết: “Tất cả các bên có thể hiểu rằng Mỹ đang hứa hẹn hợp tác kinh tế ba bên để kiềm tỏa Trung Quốc. Tuy nhiên, có vẻ như phía Mỹ không yêu cầu Israel và UAE cần thực thi các biện pháp cụ thể đối đầu Trung Quốc như một phần của bản thỏa thuận”.
Ông Ramani thì nói: “Mỹ chắc chắn đang quan tâm đến mối quan hệ Trung Quốc-UAE hơn bao giờ hết”.
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của cả UAE và Israel. Các cảng tại UAE trung chuyển khoảng 60% tổng sản lượng thương mại hàng hải về hướng Tây của Trung Quốc và UAE chiếm 28% thương mại phi dầu mỏ của Trung Quốc tại Trung Đông, quốc gia này cũng là nguồn cung cấp dầu chính cho nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới.
UAE là nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 công ty Trung Quốc kinh doanh trên khắp thế giới Ả Rập và châu Phi, và khoảng 200.000 công dân Trung Quốc đang sinh sống, khiến Dubai có biệt danh là “Hong Kong ở phía Đông”. Hầu hết các công ty Trung Quốc đặt trụ sở tại khu vực tự do Jebel Ali, khu vực nằm dưới sự quản lý của tập đoàn DP World, nhà điều hành cảng container hàng đầu ở Bán đảo Ả Rập và Nam Á và trực thuộc chính quyền Dubai.
Cảng Jebel Ali của Dubai. Ảnh: SCMP
Ở láng giềng Abu Dhabi, tiểu vương quốc lớn nhất trong số bảy tiểu vương quốc của UAE và là nơi nắm quyền lực chính trị, Cosco Shipping Ports đã thành lập trung tâm Trung Đông tại cảng Khalifa - cách trụ sở chính Jebel Ali 25 km về phía Nam. Tận dụng hình thức liên doanh với hãng tàu hàng đầu Châu Âu, Công ty Vận tải biển Địa Trung Hải (MSC) có trụ sở tại Geneva, các tập đoàn vận tải hàng hải hàng đầu Trung Quốc đã tăng sản lượng hàng hóa lưu thông qua cảng Khalifa lên 82% trong vòng nửa năm.
Kamran Bokhari, Giám đốc phân tích tại Trung tâm Chính sách Toàn cầu (CGP), cho biết các động thái gần đây của Abu Dhabi ít liên quan tới Israel mà hướng tới “nỗ lực kiểm soát khoảng trống an ninh khu vực” của UAE. “Nó liên quan đến nỗ lực của UAE trong việc đảm nhận phụ trách vấn đề ngoại giao khối Ả Rập nhằm quản lý các lợi ích an ninh khu vực vào thời điểm không rõ động cơ của phía Mỹ và khi Thổ Nhĩ Kỳ đang thúc đẩy nỗ lực vươn lên vị trí bá chủ ở Trung Đông”, ông Bokhari đã viết trong một bài phân tích do CGP, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, công bố gần đây.
Cho đến nay, UAE đã được nhận được sự bảo trợ an ninh của Mỹ nhưng “chiếc ô này ngày càng trở nên không đáng tin cậy khi Washington đang rời xa các vấn đề an ninh nóng trong khu vực”, ông Bokhari nói. “Abu Dhabi biết rằng chiến lược của Mỹ tại Trung Đông ngày càng phụ thuộc vào những nước lớn có tầm ảnh hưởng trong khu vực. Điều này đang thúc đẩy hành động của các tiểu vương quốc”.
Ben Scott, Giám đốc an ninh và Dự án trật tự dựa trên quy tắc tại Viện Lowy có trụ sở tại Sydney (Australia), cho biết do giới chức Abu Dhabi cảm thấy ngày càng nghi ngờ về sự quyết tâm và khả năng duy trì tầm ảnh hưởng của Washington nên họ đã tăng cường củng cố quan hệ với Trung Quốc. Điều này càng làm sâu sắc thêm sự phân hóa lợi ích trong khu vực giữa Mỹ và UAE.
Abu Dhabi đã không đồng thuận với chính sách của Washington về "việc gây áp lực tối đa" đối với Iran, mà họ lo ngại có thể gây ra một cuộc chiến tàn khốc, trong đó các cơ sở sản xuất dầu, cảng và các khu vực tự do của nước này sẽ trở thành mục tiêu tấn công. Nước này cũng không song hành với Mỹ trong cuộc chiến ở Syria, mà UAE đã nỗ lực gắn kết vai trò của Liên đoàn Ả Rập. Cả hai quyết định này đều nhằm chống lại sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ và giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế của Tổng thống Bashar al-Assad vào Iran.
“Abu Dhabi cần thay đổi để có thể đồng điệu hơn với chính sách đối ngoại của nước Mỹ. Tuy vậy, hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Mỹ cũng hầu như không tìm được tiếng nói chung trong đa số các vấn đề của chính sách đối ngoại. Thực tế là một trong những điểm trong thỏa thuận ba bên là chống lại Trung Quốc chỉ làm tăng thêm khó khăn cho UAE”, ông Scott đã viết trong một báo cáo do Viện Lowy công bố.
Ông cho biết việc UAE quyết định “bình thường hóa” quan hệ với Israel là do nước này cần tăng cường sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ và cải thiện hình ảnh của nước mình với chính quyền mới sau cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới.
“UAE đã trải qua một chặng đường dài để khôi phục vị thế của mình đối với Washington và có lẽ đã cho nước mình nhiều cơ hội hơn để tiến gần với Trung Quốc. Nhưng việc cân bằng quan hệ đối đầu Mỹ- Trung sẽ vẫn là một thách thức lớn, ngay cả đối với một chính quyền tiểu vương nổi danh khôn khéo và nguồn lực dồi dào”, ông Scott nói.
Ảnh hưởng của TQ với Israel
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, kim ngạch xuất khẩu của Israel sang Trung Quốc gần như tăng gấp 4 lần từ năm 2009 đến 2018, đạt 4,79 tỷ USD. Nhập khẩu của nước này tăng hơn gấp đôi lên 10,46 tỷ USD vào năm 2018, khiến Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai sau Mỹ.
Trong khi đó, China Harbour Engineering Co (CHEC) thuộc sở hữu nhà nước đang phát triển cảng thương mại thứ hai tại thị trấn Ashdod ở Israel. Hoạt động đầu tư của Trung Quốc nằm trong kế hoạch cải cách của chính phủ Israel nhằm mở rộng và tư nhân hóa các cảng của nước này. Các công ty Trung Quốc được cho là sẽ là ứng cử viên sáng giá trong việc đua tranh cổ phần tại các cảng Haifa và Ashdod.
Mối quan tâm của Trung Quốc càng được đẩy mạnh bởi tối hậu thư gần đây của Ngoại trưởng Pompeo với Israel. Cụ thể, trong chuyến thăm tới Jerusalem vào tháng 5 - chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Pompeo kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát - ông Pompeo nhắc lại cảnh báo rằng Washington sẽ giảm lượng thông tin tình báo chia sẻ với Israel nếu nước này cho phép Trung Quốc giữ vai trò quan trọng trong các dự án cơ sở hạ tầng tại nước này.
Ngay sau đó, chính phủ Israel đã triển khai một cuộc rà soát đối với các khoản đầu tư của Trung Quốc. Nước này từ chối nhà đấu thầu dù đã được xác nhận trước đó từ tập đoàn do nhà tài phiệt Li Ka-shing thành lập trong dự án xây dựng nhà máy khử muối Sorek-2 trị giá 1,5 tỷ USD. Theo các báo cáo gần đây, Israel cũng đã đồng ý loại bỏ thiết bị của Trung Quốc khỏi mạng internet không dây 5G.
Dubai - "Hồng Kông phía Đông". Ảnh: SCMP
Tuy nhiên Mỹ, đang trong quá trình rút các lực lượng binh lính khỏi Trung Đông, đã đặt ra điều kiện khó hơn nhiều cho Israel và UAE để đổi lại sự hỗ trợ kiềm chế các đối thủ cạnh tranh trong khu vực là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ muốn Abu Dhabi và Jerusalem cùng với hành động để chống lại Bắc Kinh. Bà Broderick nói: “Có vẻ như Washington đang cố gắng thuyết phục một số quốc gia Trung Đông lựa chọn đứng về phía Trung Quốc hoặc Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng các khoản đầu tư trong khu vực”.
Washington đang cố gắng ngăn cản Bắc Kinh tham gia xây dựng một mạng lưới rộng lớn các cảng và khu công nghiệp tự do trải dài từ Nam Á đến Bán đảo Ả Rập và Sừng châu Phi. Trung Quốc đang tiến rất gần đến việc kết nối mạng lưới cơ sở quân sự và thương mại “chuỗi ngọc trai” của mình ở Ấn Độ Dương với một mạng lưới đang xây dựng dọc theo bờ biển tại đông Địa Trung Hải.
Theo hợp đồng thuê 25 năm được ký vào năm ngoái, tập đoàn Cảng Quốc tế Thượng Hải sẽ bắt đầu triển khai hoạt động vào năm tới tại một bến cảng container mới mà công ty đang phát triển tại cảng thương mại duy nhất của Israel là Haifa.
Bất chấp những tuyên bố của ông Pompeo rằng Trung Quốc có thể sử dụng bến cảng này để do thám Hải quân Mỹ, lực lượng thường xuyên lui tới cảng. Phía Israel đã bác bỏ yêu cầu của ngoại trưởng Mỹ về việc hủy hợp đồng thuê Haifa của đối tác Trung Quốc. Bà Broderick nói rằng, Israel đang phải đối mặt với sức ép lớn nhất của Mỹ nhưng bà nghi ngờ Israel sẽ áp dụng các hành động chống lại các dự án Vành đai và con đường ở mức độ tương tự như Mỹ, trừ khi hợp tác an ninh Trung Quốc-Iran gia tăng đáng kể.
"Nhà đầu tư thiên thần"
Trung Quốc và Nga gần đây đã dẫn đầu phe phản đối đề xuất của Mỹ về việc gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận bán vũ khí cho Iran của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, hiện sẽ hết hạn vào ngày 18 tháng 10 tới.
Kể từ năm 2012, CHEC cũng đã làm việc để cải tạo cảng Tripoli ở phía bắc Lebanon, khu vực tự nhận là một trung tâm hậu cần cho Syria. Tập đoàn cảng biển Cosco có trụ sở tại Hồng Kông đã khai trương dịch vụ chuyên chở container chính đến cảng Tripoli vào cuối năm ngoái. Cosco và các hãng tàu đối tác sẽ bổ sung các tuyến vận tải này vào lịch trình các tuyến dịch vụ tại cảng Piraeus (Hy Lạp), nơi mà họ là cổ đông lớn kể từ năm 2016.
Làm việc chủ yếu với MSC, sau đó trở thành đối tác tại cảng Khalifa ở Abu Dhabi, Cosco đã biến Piraeus từ một vùng nước ngập trở thành trung tâm thương mại hàng hải nhộn nhịp thứ hai của Địa Trung Hải. Bà Broderick cho biết mối quan hệ kinh doanh này “rất phù hợp với chiến lược của Trung Quốc về Vành đai và con đường”. Bà nói: “Việc sớm tập trung đầu tư vào các tài sản then chốt đã nhường chỗ cho một trọng tâm mới là kết nối các tài sản này ở các quốc gia tham gia [Vành đai và con đường]".
Bà cũng cho biết, Trung Quốc đã làm việc với các nước thành viên để ký kết các hiệp định thuận lợi hóa thương mại, cảng và hải quan nhằm giảm chi phí thương mại cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu Trung Quốc. Điều này khiến Trung Quốc có vị thế hoàn hảo để đóng vai trò “nhà đầu tư thiên thần” ở Lebanon, quốc gia đã tuyên phố không có khả năng thanh toán các khoản vay quốc tế trước khi xảy ra một vụ nổ lớn tại cảng Beirut vào ngày 4/8 vừa qua.
“Trung Quốc có một lợi thế duy nhất so với các nước cho vay khác. Đó là nguồn vốn luôn sẵn sàng và được giải ngân nhanh chóng”, bà Broderick nói. “Câu hỏi này đặt ra cho giới chức Lebanon là sự sẵn sàng của các quốc gia và công ty khác trong cuộc đua tranh với Trung Quốc: lo ngại về sự ảnh hưởng và gánh nặng nợ nần của Trung Quốc sẽ không có giá trị nếu Mỹ hoặc các quốc gia trong khu vực không can thiệp hay đề nghị giúp đỡ”.
Ngược lại, cuộc khủng hoảng tài chính của Lebanon đã ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn dĩ kiệt quệ vì nội chiến tại Syria. Việc Damascus đã khuyến khích Bắc Kinh giữ vai trò lãnh đạo trong “cơn sốt” tái thiết thời hậu chiến mà Liên Hợp Quốc ước tính trị giá 250 tỷ USD, càng nêu bật phạm vi của tuyến thương mại Vành đai và con đường trên bộ từ Tripoli đến Trung Quốc qua Iraq và Iran.
Washington muốn ngăn cản tham vọng kết nối Vành đai và con đường xuyên lục địa này của Bắc Kinh vì kế hoạch này sẽ làm tăng đáng kể sức mạnh mềm của Trung Quốc. Nó cũng sẽ gia tăng sự kiểm soát của Trung Quốc đối với hoạt động hậu cần trên bờ của thương mại hàng hải trong khu vực ở ngã ba của châu Á và châu Âu. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng đầu của EU và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của khu vực.
Cảng Haifa của Israel. Ảnh: SCMP
Mỹ muốn giảm ảnh hưởng của Vành đai và con đường
Theo SCMP, để có thêm bất kỳ sự cản trở nào đối với sáng kiến Vành đai và con đường, Mỹ trước tiên phải thuyết phục Israel và UAE từ chối quyền tiếp cận hoạt động xuất khẩu của công ty Trung Quốc thông qua các dịch vụ vận tải biển mà hai nước sẽ sớm được thiết lập. Yêu cầu này xem ra không khả thi. Trong bất cứ trường hợp nào, các hoạt động thương mại giữa Israel với UAE đều diễn ra tại cảng container do Trung Quốc điều hành tại Haifa.
Bất chấp áp lực của Mỹ, UAE vẫn là nước dẫn đầu trong làn sóng “bắt tay” với đất nước đông dân nhất thế giới. UAE là đối tác sáng lập của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng Châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh, Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi và Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đang hợp tác với nhau để thiết lập một sàn giao dịch riêng để gây quỹ cho các dự án Vành đai và con đường. Dubai sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường năm nay vào tháng 4 nhưng đã bị hủy bỏ do dịch Covid-19. “Bắc Kinh có thể hy vọng lợi dụng mối quan hệ tốt đẹp với UAE để thúc đẩy quan hệ với Israel vào thời điểm Mỹ đang hạn chế các khoản đầu tư từ Bắc Kinh tại nước này”, bà Broderick nói.
Sự sốt sắng của nước này được thúc đẩy một phần bởi nhu cầu tránh cạnh tranh với Sáng kiến Vành đai và con đường, sao chép lại mô hình trung tâm hậu cần đường biển và khu công nghiệp hiện đại như ở Jebel Ali tại Dubai. Trước khi công bố kế hoạch Vành đai và con đường, DP World đã tự thiết lập mạng lưới cảng toàn cầu, bao gồm 4 cảng ở Trung Quốc.
Trung Quốc cũng đã thiết lập một trung tâm dự phòng cho các giao dịch xuất khẩu của mình tại Gwadar, đầu mối của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) trị giá 60 tỷ USD.
Là kế hoạch Vành đai và con đường lớn nhất tại 1 quốc gia cụ thể, CPEC đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối dọc theo tuyến đường bộ duy nhất của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương được thiết lập lần đầu tiên vào năm 1978. Được xây dựng và vận hành bởi Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Trung Quốc thuộc sở hữu nhà nước, cảng Gwadar gần đây đã bắt đầu tiếp nhận hoạt động vận chuyển hàng hóa thương mại cho nước láng giềng Afghanistan.
Trung Quốc cũng đầu tư mạnh vào khu công nghiệp tự do tại cảng Duqm của Oman ở Biển Ả Rập. Trị giá 10,7 tỷ USD sau khi hoàn thành, đây là dự án Vành đai và con đường lớn nhất ở Trung Đông, một phương thức vận tải qua eo biển Hormuz và giữ vị trí văn phòng trung tâm của DP World tại Jebel Ali - đặc biệt trong trường hợp xảy ra xung đột ở vùng Vịnh.
Tuy là một quốc gia nhỏ hơn nhiều và đối tác thương mại lớn của Trung Quốc, UAE từ cách đây 5 năm đã quyết định thúc đẩy các cảng và khu tự do của DP World, với tư cách là nhân tố “đi trước mở đường” cho các dự án Vành đai và con đường thương mại của Trung Quốc khi dự án được triển khai thực tế. Cả hai nước đã được hưởng lợi từ sự hợp tác thương mại này, khi thương mại song phương khoảng 10% mỗi năm kể từ năm 2015, đạt 50 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, do bất đồng lâu năm giữa UAE với Iran, giới chức nước này đã quyết định vận chuyển hàng hóa thương mại qua eo biển Bab El-Mandeb. Là một bên tham gia chính trong liên minh do Ả Rập Xê-út dẫn đầu trong cuộc chiến với người Houthis ở Yemen từ năm 2015, UAE đã giành được "đặc quyền tiếp cận" cảng Aden. Phe ly khai miền nam Yemen cũng đã chiếm được quần đảo Socotra, nằm ở vị trí chiến lược ở cửa eo biển Bab El-Mandeb.
Sự khẳng định về lợi ích chiến lược của UAE đã khiến DP World xung đột với các đối tác Trung Quốc về việc nhượng quyền khai thác các cảng ở vùng Sừng châu Phi.
Các nhà khai thác cảng của Trung Quốc và DP World đã phải giải quyết những mâu thuẫn ở nước láng giềng Somalia, với những điều kiện được cho là có lợi cho Trung Quốc.
Cảng Gwadar là đầu mối của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan trị giá 60 tỷ USD. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Kẻ thù của kẻ thù là bạn"
Alan Abbey, chuyên gia tại Viện Shalom Hartman ở Jerusalem, cho biết Israel - giống như đối tác ngoại giao mới của UAE – đang muốn xoa dịu Mỹ, đối tác an ninh và ngoại giao quan trọng của nước này, nhưng không phải bằng cách chống lại Trung Quốc và gây tổn thất kinh tế cho nước mình.
“Cả Israel và UAE đều đang đối mặt với một nhiệm vụ đầy khó khăn khi cần cân bằng quan hệ với cả Mỹ và Trung Quốc, hai cường quốc có quan hệ căng thẳng gia tăng hàng ngày. Đây là một thách thức lâu dài mà cả hai quốc gia phải đối mặt ”, ông Abbey nói. “Bất chấp thế mạnh của mỗi nước - dầu mỏ và tài chính ở UAE và năng lực tình báo ở Israel, hai nước này đều đang bơi cùng dòng nước cùng với những con cá mập khổng lồ với hàm răng sắc nhọn”.
Giống như Mỹ, Israel cũng đang theo dõi chặt chẽ các động thái của Trung Quốc ở Lebanon vì Trung Quốc đã nhận được sự ủng hộ của đảng chính trị Hezbollah và lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn trong quá trình tái thiết Beirut.
Tương tự như vậy, Mỹ và Israel còn quan tâm sâu sắc đến mối quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 25 năm giữa Trung Quốc và Iran. Ông Pompeo cho biết một mối quan hệ như vâỵ sẽ giúp Iran và các đồng minh của họ ở Trung Đông - đặc biệt là phiến quân Hezbollah và Yemen’s Houthi tiếp cận nguồn tài chính dồi dào của Bắc Kinh.
“Israel không xa lạ với câu nói“ kẻ thù của kẻ thù là bạn của tôi", ông Abbey nói: “Tôi nghĩ rằng các nhà lãnh đạo Israel đủ thông minh để hiểu được nắm đấm sắt bên trong chiếc găng tay nhung mềm mại từ các dự án đầu từ trong lĩnh vực đầu tư, giao lưu văn hóa và liên doanh của Bắc Kinh...".
Trung Quốc cũng đặc biệt thận trọng trong việc chi tiền vào khoản đầu tư tiềm năng tạị Lebanon và Syria. Tổng thống Syria Assad đã gọi Trung Quốc là “bạn bè” và khuyến khích nước này trở thành một đối tác tái thiết tích cực hơn. Ông nói, “nhưng Trung Quốc chưa có hành động gì cụ thể ngoài những lời nói ấm áp”.