Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông Tô (61 tuổi), sống tại Nam Ninh, Trung Quốc.
Thời gian trôi qua, chớp mắt tôi đã ngoài 60 tuổi. Sự ra đi của vợ cách đây 20 năm khiến tôi trở nên cô đơn. Suốt thời gian qua, tôi đã học cách sống một mình. Nhưng sau khi con trai tôi lập gia đình và khởi nghiệp ở một thành phố lớn, cuộc sống cô độc dần khiến tôi chán nản. Tôi biết mình cần một người đồng hành trong những năm tuổi xế chiều. Vì vậy, tôi lấy hết can đảm và bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm bạn đời mới.
Năm 2023, tôi gặp Trần Hạnh. Cô ấy 47 tuổi, còn tôi thì đã 60. Chúng tôi nhanh chóng tìm thấy sự đồng điệu ở đối phương. Bất chấp lời bàn tán của mọi người và khoảng cách tuổi tác, chúng tôi kết hôn. Những ngày sau khi sống cùng Trần Hạnh, tôi đã có khoảng thời gian hạnh phúc, nhưng ngày qua ngày, một số mâu thuẫn tiềm ẩn dần lộ diện.
Tôi là một người đã có tuổi, ngoại hình không còn ưa nhìn, tâm trí thì ám ảnh sâu sắc về trách nhiệm gia đình. Tôi thường nhớ về quá khứ, khi vợ cũ đảm trách việc nhà. Vì vậy, khi Trần Hạnh bước vào cuộc đời tôi, tôi hy vọng cô ấy có thể tiếp tục nhận trách nhiệm đó.
Tuy nhiên, cô ấy lại có tư tưởng của người phụ nữ hiện đại. Trần Hạnh thích đi du lịch, thích đọc sách và mong muốn tìm được niềm hạnh phúc nho nhỏ cho riêng mình trong cuộc sống bận rộn. Việc nhà dường như chỉ là một phần cuộc sống của cô chứ không phải tất cả. Cô ấy muốn chúng tôi chia sẻ gánh nặng thay vì để cô ấy một mình. Những khác biệt về quan niệm như vậy dần khiến chúng tôi có khoảng cách.
Con trai tôi thì giữ khoảng cách với mẹ kế. Thằng bé lo lắng rằng tôi sẽ cô đơn trong những năm cuối đời, vì vậy không ngăn cản cuộc hôn nhân. Một lần, con trai vô tình nhìn thấy một số bức ảnh chụp hàng xa xỉ được Trần Hạnh chia sẻ trên mạng xã hội, thằng bé nghi ngờ rằng cô ấy mong muốn cùng tôi đi hết quãng đời còn lại hay có mưu đồ khác? Những hoài nghi này âm thầm mở ra một vết nứt sâu thẳm giữa chúng tôi.
Thời gian trôi qua, thói quen tiêu dùng của Trần Hạnh càng lộ rõ. Sự theo đuổi và thích hưởng thụ của cô ấy đã khiến lương hưu và số tiền tiết kiệm tích lũy bao năm của tôi vơi bớt. Một ngày nọ, tôi cần tiền gấp để chữa bệnh. Khi mở tài khoản ngân hàng, tôi nhận ra số dư sắp hết. Lúc đó, sự tức giận và bất lực dâng lên trong lòng. Cuộc bất hòa giữa chúng tôi vì thế đã đạt đến đỉnh điểm.
Cô ấy nhìn thẳng vào mắt tôi, chỉ trích: "Ông chưa bao giờ thực sự tin tưởng tôi. Tôi chán sống như thế này rồi." Bức tường niềm tin vốn đã mong manh đã sụp đổ.
Tôi chết lặng tại chỗ, trong lòng có nhiều cảm xúc lẫn lộn. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng sự lo lắng, bất an của mình lại trở thành biểu hiện thiếu tin tưởng trong mắt cô ấy. Tôi cố gắng giải thích nhưng không còn sức lực.
Sự bàn tán, cái nhìn tò mò từ những người hàng xóm, những lời thì thầm sau lưng của người thân, bạn bè và những lời nhận xét không thân thiện khiến mối quan hệ vốn đã căng thẳng càng trở nên bế tắc. Tôi cảm thấy như thể mình bị cô lập, không có phương hướng hay hy vọng.
Tôi bắt đầu suy ngẫm và đặt câu hỏi về lựa chọn của mình. Trần Hạnh có thực sự là người có thể cùng tôi đi hết quãng đời còn lại không? Hay tôi đã quyết định sai lầm vì sự vội vàng của bản thân?
Nhưng mỗi khi ý nghĩ này lướt qua tâm trí, tôi lập tức xuất hiện một nỗi sợ hãi khác. Ly hôn là điều tôi không mong muốn. Tôi sợ sự cô đơn, sợ những ngày không ai quan tâm đến mình hay không có ai bên cạnh. Tôi sợ mình sống trong nỗi cô đơn vô tận cho đến cuối đời. Bên cạnh đó, tôi cũng sợ lời đàm tiếu của người đời.
Kết quả là tôi rơi vào những mâu thuẫn và đấu tranh. Một mặt tôi muốn tìm lại cuộc sống tự do tự tại như xưa; mặt khác tôi sợ phải đối mặt với hậu quả của việc ly hôn. Tôi lưỡng lự giữa hai thái cực này và không thể thoát ra được.
Theo Sohu