*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Mai Tiểu Quyên, được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Về già, ai cũng mong có sức khỏe dồi dào, con cháu sum vầy, không phải lo chuyện tiền bạc, nhàn hạ sống đến cuối đời. Thế nhưng ngay cả điều tưởng chừng như đơn giản nhất là được sống gần gũi cùng con cháu, tôi cũng không có được.
Tôi năm nay 59 tuổi, có 2 người con, một trai, một gái. Chồng tôi đã mất cách đây 5 năm, còn tôi giờ đang ở trong viện dưỡng lão. Trước đây, cuộc sống của tôi tương đối êm ấm, suôn sẻ. Vợ chồng tôi đều làm nghề dạy học. Công việc ổn định, thu nhập khá nên cuộc sống tuy không dư giả nhưng cũng khá đủ đầy. Không muốn an phận, chúng tôi quyết định khởi nghiệp kinh doanh một số mặt hàng khi đã ngoài 40 tuổi.
Kiếm được nhiều tiền hơn, hai vợ chồng bắt đầu rót vào đầu tư bất động sản. Lúc đó, chúng tôi có 2 căn nhà, một căn để ở, căn còn lại dành cho con trai. Sau khi sắm sửa nhà xe cho con lấy vợ, vợ chồng già chúng tôi vẫn còn hơn 700.000 NDT (khoảng 2,3 tỷ đồng) tiền tiết kiệm. Cứ nghĩ với số tiền đó, những năm tháng sau này vợ chồng tôi sẽ chẳng phải lo nghĩ gì, nào ngờ biến cố lại ập đến. Năm tôi 54 tuổi, chồng tôi mắc bệnh ung thư rồi qua đời. Cũng từ đây, cuộc sống của tôi bắt đầu bị xáo trộn và thay đổi 180 độ.
Chồng mất, phải về nương nhờ con trai
Sau sự ra đi của chồng khiến tôi bị bệnh về tâm lý, không thể tiếp tục công việc nữa nên quyết định nghỉ hưu sớm hơn dự tính. Cũng bởi vậy, thu nhập của tôi đã giảm đi gần một nửa. Tuy nhiên vì nghĩ thân thể suy nhược, cho dù có nhiều tiền trong tay cũng không ích lợi gì nên tôi cũng không bận tâm quá nhiều.
Sau khi về hưu, tôi sống ở nhà con trai, phụ giúp chăm sóc cháu và sắp xếp những việc lặt vặt trong nhà. Thỉnh thoảng, tôi cũng thường ra ngoài gặp gỡ những người bạn già cho khuây khỏa. Chuyện này con trai tôi chưa bao giờ quan tâm đến nên cũng chẳng bao giờ hỏi tới. Sau này khi sức khỏe không còn tốt nữa, tôi cũng ít ra ngoài hơn. Tuy nhiên, thời gian này tâm tính con trai tôi cũng có nhiều thay đổi.
Ảnh minh họa: Toutiao
Thay vì tự lo liệu mọi thứ, nó có vẻ ỷ lại vào tôi nhiều hơn, nhất là vấn đề tài chính. Thỉnh thoảng, con trai thường nói với tôi rằng muốn đổi xe tốt hơn nhưng không đủ tiền và muốn tôi có thể giúp một chút. Thương con, tôi đưa nó 50.000 NDT (hơn 165 triệu đồng) để mua xe mới.
Lần khác, khi cháu tôi đến tuổi đi học, con trai tôi muốn gửi con vào trường tư để được hưởng nhiều dịch vụ và quyền lợi tốt hơn nhưng vì thiếu tiền nên lại xin tôi hỗ trợ. Tôi khuyên con nếu không có điều kiện kinh tế thì cho cháu theo học trường công nhưng nó nhất quyết không chịu. Bất đồng quan điểm, vợ chồng con trai giận tôi nguyên 1 tuần khiến tôi phải đưa tiền ra để làm dịu không khí trong nhà. Dẫu vậy, tôi vẫn cảm thấy hơi khó chịu khi con cái chi tiêu hoang phí nên thỉnh thoảng vẫn khuyên bảo nhưng không có tác dụng.
Hai năm trước, con trai tôi nói với tôi rằng nó muốn cho thuê căn nhà của vợ chồng tôi để tăng thêm thu nhập. Vì căn nhà đang để trống nên tôi đồng ý với ý kiến của con. Tuy nhiên, tiền cho thuê con trai giữ hết, tôi không được một xu nhưng vì không muốn mất hòa khí giữa mẹ con nên vẫn im lặng chấp nhận. Cứ tưởng tất thảy những việc đó đã đủ làm hài lòng cậu quý tử, không ngờ sau khi cho thuê nhà được 1 năm, nó lại thôi không cho thuê nữa mà muốn tôi bán căn nhà ấy đi để có tiền dọn đến một chỗ rộng rãi, khang trang hơn.
Nghe đến đây, tôi nhất quyết từ chối. Ngôi nhà đó là kỷ niệm giữa tôi và chồng, hơn nữa, nó còn là tài sản duy nhất của tôi cho những năm tháng sau này. Tiền tiết kiệm đã tiêu hết cho con cái, do đó, tôi không thể mất đi phao cứu sinh cuối cùng của mình. Thấy tôi kiên quyết không chịu bán nhà, con trai tôi giận dữ rồi kiếm chuyện với tôi. Cứ thế, mâu thuẫn giữa mẹ con tôi ngày càng lớn. Cho đến một ngày, con trai lấy chuyện tôi nấu cơm không ngon để cằn nhằn, tôi đã giận dữ bỏ về nhà cũ để sống.
Được con rể đón về ở cùng
Biết chuyện, vợ chồng con gái quyết định đón tôi về ở cùng để tiện chăm sóc. Tôi không thể diễn tả cảm xúc của mình khi nghe lời đề nghị đó từ 2 con, vừa ngạc nhiên, vừa xúc động. Một mặt, tôi nghĩ con gái đã lấy chồng nên không dám nhờ đến. Mặt khác, mối quan hệ giữa tôi và con rể trước nay cũng không quá tốt. Trong suy nghĩ của tôi, nó là đứa khá tính toán và lầm lì. Do đó, việc cả hai đồng ý để tôi ở cùng là điều tôi chưa từng nghĩ tới.
Một tuần sau đó, khi đã thu xếp xong xuôi mọi việc, con rể lái xe tới “rước” tôi về nhà. Sống dưới cùng một mái nhà, tôi nhận ra con rể đối với mình không khác trước là bao, vẫn khá thờ ơ và lạnh nhạt. Dẫu vậy vì biết trước tính của các con nên tôi cũng không quá phiền lòng. Mỗi tháng, tôi cũng gửi các con 10.000 NDT (khoảng 33 triệu đồng) để trang trải chi phí sinh hoạt khi có thêm một thành viên là tôi. Thấy cả hai đều tỏ vẻ rất niềm nở, tôi cứ tưởng mình có thể sống thật vui vẻ trong căn nhà này. Tuy nhiên mọi chuyện lại thay đổi khi tôi vô tình nhìn thấy cuốn sổ tay ghi chép chi tiêu của con gái lúc đang dọn dẹp phòng.
Ảnh minh họa: Internet
Nhìn thấy những dòng chữ và con số trong đó, tôi như chết lặng. Cuốn sổ này được viết lên từ ngày tôi bắt đầu chuyển đến. Trong đó ghi rõ từng danh mục chi tiêu hàng ngày của gia đình con gái. Tôi không quá để tâm đến chi tiết cho đến khi nhìn thấy trang giấy có những khoản chi tiêu dành riêng cho mình. Tiền ăn, tiền điện nước, tiền mua quần áo, thuốc thang cho tôi đều được con gái ghi chép tỉ mỉ. Dưới số liệu mỗi tháng, tôi thấy tổng số tiền phải chi và dòng “lỗ” bao nhiêu ở kế bên.
Lúc đó, tôi chợt nhớ đến những lúc thỉnh thoảng có nhờ các con mua thuốc hoặc mua quần áo. Tôi cứ nghĩ 10.000 NDT mỗi tháng gửi các con là đủ cho cả những chi phí phát sinh đó nên cũng không để ý. Không ngờ, các con lại tính toán kỹ như vậy nên tôi cảm thấy chạnh lòng, nghĩ mình là người thừa trong gia đình.
Cả ngày hôm đó tâm trạng tôi không được tốt. Nằm dài trên giường suy nghĩ, tôi nhận ra việc đón tôi về ở cùng có thể chỉ là mong muốn xuất phát từ phía con gái hoặc đó chỉ là hành động mà hai con nghĩ chúng cần phải làm với tư cách là con cái của tôi. Dẫu lý do cho việc rạch ròi từng chút một với tôi là gì, tôi vẫn thấy bản thân mình nên rời khỏi căn nhà này. Bởi ngay cả khi các con không có ý gì xấu, tôi nghĩ tôi cũng không thể đối xử với các con với thái độ như bình thường được nữa.
Ảnh minh họa: Internet
Mấy ngày sau đó, tôi nhờ con gái rao tìm người ở thuê tại căn nhà cũ của vợ chồng tôi. Sau đó, tôi ngồi lại bàn bạc với hai con về việc muốn đến ở viện dưỡng lão những năm tháng cuối đời. Tôi đưa ra lý do ở đó có nhiều bạn bè cùng độ tuổi nên sẽ vui hơn nhiều để các con không phải suy nghĩ gì thêm. Sau đó, tôi theo kế hoạch đã vạch ra rồi rời đi trong êm đẹp.
Cứ thế, tôi sống ở viện dưỡng lão cho đến nay. Thu nhập từ việc cho thuê nhà cũng giúp tôi trang trải được chi phí cho việc sống ở nơi này. Mỗi tháng, các con vẫn thu xếp ghé thăm vài lần nên tôi cũng cảm thấy được an ủi phần nào. Thực ra, cuộc sống nơi đây không tẻ nhạt như nhiều người vẫn tưởng. Tôi thấy quyết định của mình là đúng đắn khi vừa có thêm người để bầu bạn, tận hưởng cuộc sống, vừa không trở thành gánh nặng cho các con.
Trải qua nhiều chuyện, tôi cũng nhận ra rằng bất cứ thời điểm nào, bản thân cũng cần có một khoản tài chính vững chắc thì mới có thể sống chủ động được. Thay vì dựa dẫm vào con cái hay người khác, chúng ta vẫn có thể tự lo cho mình giữa cuộc đời nhiều biến động. Hãy tự mình trở thành cây cổ thụ luôn trụ vững giữa đời dù cuộc sống có giông tố ra sao.
(Theo Toutiao)