Trong bóng đá, chiến thắng tối thiểu hay cách biệt ở vòng bảng, suy cho cùng cũng có giá trị 3 điểm nếu chưa tính đến việc phân hiệu số bàn thắng bại. Đằng sau mỗi trận đấu, điều gì đọng lại mới quan trọng nhất chứ không nhất thiết phải thắng thật hoành tráng, nhận những lời tung hê có cánh, sau cùng không thể tiến sâu ở giải đấu.
Sau trận thắng Pakistan, HLV Park Hang Seo thẳng thắn nói chưa hài lòng về phong độ của một số cầu thủ được kỳ vọng. 3-0 trước Pakistan cũng chỉ đơn thuần… một bữa no dành cho U23 Việt Nam khi đối thủ quá yếu, còn kết quả không phản ánh hết những gì diễn ra trong 90 phút.
Cụ thể, Công Phượng không đá hỏng 2 quả phạt đền thì U23 Việt Nam có thể thắng Pakistan với tỷ số đậm hơn nhiều. Thế nhưng, điều ấy không quan trọng bằng việc U23 Việt Nam bộc lộ nhiều vấn đề trong phòng ngự - một nỗi lo thực sự dành cho ông Park khi triết lý bóng đá dựa trên hàng thủ và đá phòng ngự phản công mới là sở trường.
U23 Việt Nam có nhiều vấn đề sau trận thắng Pakistan.
Một trong những mắc xích bộc lộ sự thiếu an toàn là Đình Trọng. Lúc này, bài toán đặt ra là Đình Trọng nếu chưa tìm lại được phong độ thì ai đủ sức thay thế? Câu trả lời là Trịnh Văn Lợi - một cầu thủ xa lạ với người hâm mộ, chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu quốc tế khi lần đầu lên U23 Việt Nam và không có sự ăn ý với Tiến Dũng và Duy Mạnh.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng có một trận đấu nhàn hạ nhưng khi đồng đội chuyền về thì anh xử lý bóng lóng ngóng. Tuyến giữa U23 Việt Nam đang trong nỗi lo với việc Xuân Trường phải chườm đá ở cổ chân và ra nghỉ sớm.
Từ khu trung tuyến trở lại, U23 Việt Nam đang cho thấy nhiều nỗi lo với các trụ cột quan trọng gặp những vấn đề khác nhau. Đây chính là điều cần quan tâm sau trận thắng tưng bừng của U23 Việt Nam, chứ không phải nhìn vào “bữa no” trước U23 Pakistan để tung hê, hay chỉ trích Công Phượng.
Người hâm mộ phải xem U23 Việt Nam qua mạng xã hội.
Hôm qua, ngoài chiến thắng tưng bừng của U23 Việt Nam, một điều bất ngờ bị lãng quên là người hâm mộ phải xem thầy trò Park Hang Seo thi đấu qua mạng xã hội và Youtube.
Có lẽ người hâm mộ Việt Nam không ngờ đến một ngày phải xem lứa U23 Việt Nam thi đấu qua Youtube, qua mạng xã hội, thay vì có thể bật tivi lên ngồi cùng bạn bè và gia đình xem trọn vẹn mà không phải nghe những lời bình luận từ những người không chuyên.
Nhiều tháng ròng rã đợi chờ U23 Việt Nam trở lại đấu trường châu lục sau ngôi Á quân châu Á, việc phải xem đội nhà thi đấu ASIAD qua mạng xã hội thực sự giống như một bữa no dành cho người hâm mộ, dù bóng đá là để thưởng thức, có yêu thích thì mọi người mới xem, mới cổ vũ.
Cần nhắc, ĐTQG hay U23 Việt Nam thi đấu qua tivi - đó là nhu cầu bình dân nhất của người hâm mộ bóng đá, nhưng hàng triệu người dân Việt Nam không có được điều ấy. Vậy có buồn hay không?
Đó là một sự trớ trêu khó tin vì sau thành công ở U23 châu Á thì nhiều ý kiến kỳ vọng một ngày không xa, bóng đá Việt Nam sẽ hóa rồng, tức được dự World Cup. Thế nhưng, chỉ mỗi ở sân chơi ASIAD thì người hâm mộ đã không được xem qua tivi.
Nói điều to tát làm gì khi người hâm mộ không được xem U23 Việt Nam qua sóng truyền hình.
Ngoài ra, những màn trình diễn của các cô gái vàng Ánh Viên, Tú Chinh, hay nhà vô địch Olympic - Hoàng Xuân Vinh cũng không thể lên sóng truyền hình ở Việt Nam.
Vậy xin đừng nói điều gì to lớn, theo kiểu giấc mơ tương lai đi World Cup khi hiện tại là sự thật cay đắng: Người hâm mộ nước nhà phải xem qua mạng xã hội vì không mua được bản quyền truyền hình ASIAD 18.