1. Hòa U23 UAE, có thể nói rằng thầy trò HLV Park Hang-seo đã cực kỳ may mắn, bởi dù cho VAR có cứu cho U23 Việt Nam khỏi một bàn thua trông thấy trên chấm phạt đền, thì đáng lý ra Huỳnh Tấn Sinh phải nhận thẻ đỏ rời sân ngay đầu hiệp 2. Nói một cách công bằng, dấu ấn lạ lùng nhất mà trọng tài Taqi tạo ra trong trận đấu này, chính là quyết định không rút thẻ với Tấn Sinh trong pha phạm lỗi này với Saleh.
Đáng nói, đấy không phải là pha bóng xuất thần của Saleh để rồi Tấn Sinh bắt buộc phải phạm lỗi để cứu cho đội nhà bàn thua, mà nó là hệ quả của việc cánh phải của U23 Việt Nam bị đối phương khoét vào suốt từ đầu trận, bắt nguồn từ việc dùng Bùi Hoàng Tuấn Anh chạy cánh, dù vị trí quen thuộc của cầu thủ này là trung vệ.
Hệ quả nhãn tiền là Tấn Sinh phải "gánh" hết sự yếu kém của người đồng đội, để rồi dính thẻ vàng ngay trong hiệp 1, và thậm chí trọng tài còn bỏ qua cho trung vệ này một lỗi khi đánh cùi chỏ vào mặt đối phương.
Nhưng quan trọng nhất không phải là việc thầy trò HLV Park Hang-seo bị "gãy cánh", để đối phương liên tục khoét vào điểm yếu bên cánh phải này, mà là việc toàn bộ lối chơi mà ông thầy người Hàn Quốc bị phá sản khi Quang Hải phải liên tục lùi về để hỗ trợ cho đồng đội ở vị trí mà đáng lý ra một cầu thủ dẫn dắt lối chơi không nên có mặt.
Bản đồ nhiệt trận đấu này cho thấy Quang Hải hoạt động chủ yếu ở vị trí đáng lẽ ra phải là của Việt Anh, và bản đồ nhiệt của Tấn Sinh cũng cho thấy trung vệ này đã phải "trám" vào vị trí của Việt Anh nhiều đến thế nào. Với việc phải lùi về chơi như một hậu vệ cánh, Quang Hải hầu như bị "phế võ công" ở trận đấu này, khi phải bỏ rơi hoàn toàn vị trí mà đáng lý ra anh phải có mặt ở đấy để dẫn dắt lối chơi.
Bản đồ nhiệt lần lượt của Quang Hải, Tấn Sinh và Việt Anh.
2. Con số thống kê trận đấu cũng cho thấy tiền vệ người Đông Anh có 25 đường chuyền trong suốt hơn 90 phút chơi trên sân. Gần 2/3 trong số đó là những đường chuyền về, cũng gần 2/3 trong số đó nằm trên phần sân nhà và không có bất cứ đường chuyền nào trong vòng cấm địa đối phương.
Cũng theo đó, Quang Hải chuyền cho trung vệ Thành Chung nhiều nhất (5 lần), tiếp đó là Huỳnh Tấn Sinh (4) và Đỗ Thanh Thịnh (3). Thành Chung và Huỳnh Tấn Sinh đá trung vệ, còn Thanh Thịnh đá hậu vệ cánh trái. Số lượng đường chuyền mà Quang Hải "chia" cho Tiến Linh và Đức Chinh - hai tiền đạo của U23 Việt Nam, chỉ vẻn vẹn nằm ở con số 1.
Sơ đồ chuyền bóng của Quang Hải.
Nói đi cũng phải nói lại, thực tình thì U23 Việt Nam cũng có cơ hội để kiếm đủ 3 điểm trước U23 UAE, khi ở phút 86 Tiến Linh có pha kết thúc cận thành dứt điểm chớp nhoáng, tuy nhiên thủ môn đội bạn đã thi đấu quá xuất sắc. Tình huống ấy đến từ một pha xử lý xuất thần trong vòng cấm đối phương rồi dứt điểm của Quang Hải.
Song nằm trong tổng thể một trận đấu thất bại về mặt thế trận, nó chỉ là điểm nhấn le lói mà nếu vin vào nó để đi tiếp con đường đã chọn, rất có thể HLV Park Hang-seo sẽ phải trả giá với quyết định "mang tầm thời đại" của mình".
"Mang tầm thời đại", là bởi không khó để nhìn ra ông Park đang muốn U23 Việt Nam chơi một lối chơi mới, chơi bóng theo tư thế "cửa trên" với các đội bóng châu Á, thay vì lối đá "ngựa ô" từng đem lại thành công cho ông và các học trò hai năm về trước.
Nhưng muốn là một chuyện, còn có đủ thực lực để làm điều đấy hay không lại là một câu chuyện khác. Và mấu chốt lại nằm ở Quang Hải.
Hai năm về trước, HLV Park Hang-seo từng cực kỳ yên tâm với hai cánh của U23 Việt Nam, với sự xuất sắc của Văn Hậu và Văn Thanh. Tiếp nối điều đó, tất cả những thành công tiếp đó của bóng đá Việt Nam đều có dấu ấn rất đậm của hai cầu thủ chạy cánh đa năng của thầy Park. Văn Hậu càng ngày càng thể hiện bản lĩnh vượt trội, trong khi đó Trọng Hoàng "gừng càng già càng cay".
Ở VCK U23 châu Á 2020 lần này, HLV Park Hang-seo không có cả Văn Hậu lẫn Trọng Hoàng trong tay, nhưng lại muốn U23 Việt Nam đá đẹp, thắng đẹp, để rồi từ bỏ sở trường là lối chơi phòng ngự vững chãi, thay vào đó bằng lối chơi với hai tiền đạo đầy may rủi và khấp khểnh so với trình độ thực sự của lứa U23 Việt Nam này.
Đã lâu lắm rồi, người ta mới lại thấy Quang Hải phải nằm sân vì chuột rút. Đình Trọng được tung vào sân ở hiệp 2, dù cho chấn thương vẫn chưa bình phục hoàn toàn, và bản thân ông Park cũng chưa biết được trung vệ này có thể chơi được bao nhiêu phút ở trận sau.
Tháng Ba năm ngoái, Đình Trọng đã từng phải nén đau để đá trọn vẹn trận gặp U23 Thái Lan trên sân Mỹ Đình, lấy về chiếc vé dự VCK U23 châu Á lần này cho HLV Park Hang-seo. Trận đấu ấy, không ít lần trung vệ này phải khuỵu xuống sân vì đau. Hậu quả để lại sau trận đấu ấy là chấn thương dai dẳng cho đến tận bây giờ.
Quang Hải cũng vừa mới dính chấn thương ở SEA Games 30, và với lối chơi như trận đấu với U23 UAE, tiền vệ người Đông Anh không chỉ đứng trước nguy cơ tái phát chấn thương vì hoạt động và va chạm quá sức, mà còn là nguy cơ dính "chấn thương" về tâm lý khi bắt đầu nhận hàng loạt chỉ trích, đến từ sự kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ. Đấy mới là điều đáng phải lo nhất.