U23 Việt Nam: Chiến thuật 'củ hành tây' và 'quả đấm thép'

Tùy Phong |

Những lời ngợi ca U23 Việt Nam đến giờ phút này có lẽ là thừa. Điều đáng quan tâm là làm sao để U23 Việt Nam tiếp tục phát triển, và chúng ta chỉ ra được những bài học từ thầy trò ông Park...

Thể lực tuyệt vời, tinh thần thi đấu quả cảm - can trường, không biết sợ hãi và tính kỷ luật trong lối chơi..., là những điều mà tất cả chúng ta đều có thể thấy bằng mắt thường.

Nhưng để có thể làm một cuộc cách mạng thành công triệt để, đội tuyển U23 Việt Nam đã thực thi một thể loại chiến thuật khó bị đánh bại nhất.

1. Các tiền đạo - những người chơi cao nhất đội hình, liên tục săn bóng. Từ Quang Hải, đến Công Phượng, Văn Đức và cả các cầu thủ vào sân thay người như Đức Chinh, Hồng Duy..., đều có chung một nhiệm vụ ấy.

Đấy là một cách gây sức ép - phòng ngự từ xa rất hiệu quả. 10 năm trước, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam là Henrique Calisto đã thành công mỹ mãn với Việt Thắng, Công Vinh, Vũ Phong và Tấn Tài.

Cự ly đội hình phòng ngự nhiều lớp "cài răng lược", khiến chúng ta liên tưởng đến "củ hành Tây" và việc bóc tách từng lớp vỏ trở nên khó khăn. Đội tuyển U23 Việt Nam đã đối đầu với đủ thể loại các đội bóng mạnh, chơi các trường phái bóng đá khác nhau, và tính kỷ luật giúp chúng ta đứng vững, không bị phá vỡ cấu trúc.

U23 Hàn Quốc 2 lần sút tung lưới Tiến Dũng, sau khi họ tận dụng triệt để những sai số nhỏ nhất. Đầu tiên là lỗi vị trí của Đình Trọng, trong việc giăng bẫy việt vị và kế đến là pha quăng chân của Văn Hậu, dân đến quả penalty.

Nhưng đến Australia và Syria, "nắm đấm thép" được thu lại và trở nên kín kẽ hơn. Bằng với điều đó, khi bung ra phản công, cũng rất mạnh và chính xác. Hai bàn thắng của Quang Hải vào lưới Hàn Quốc và Australia, đến với cùng một kịch bản.

Đội tuyển U23 Việt Nam trở nên khó bị đánh bại, với hệ thống phòng ngự kiên cố, kiểu "tường cao hào sâu", tuy nhiên, chúng ta không thể giành chiến thắng, không thể vượt qua đối thủ, nếu chỉ "tử thủ".

Qua các trận đấu mới thấy hết sự đa dạng trong các miếng đánh, cách chúng ta tiếp cận cầu môn đối phương. Từ sút xa, đá phạt hàng rào, đến phối hợp phạt góc, đánh biên hoặc trực diện..., đều tốt.

Cả 5 bàn thắng của Quang Hải tại giải đấu này, đều đến từ các cú sút ngoài vạch 16m50; Đức Chinh bay người đánh đầu tung nóc lưới Iraq ở những phút cuối hiệp phụ thứ 2, rồi cú xoay người bắt volley trong khu vực cấm địa của Văn Đức; thêm pha đệm bóng cận thành như phản xạ vô điều kiện của Công Phượng... "Nắm đấm thép" được vung ra và hoàn hảo.

2. Các cuộc đối đầu với Iraq và Qatar cho chúng ta một cái nhìn khá lạc quan về biến thể lối chơi và cả sự chuyển đổi hợp lý trong tấn công/phòng ngự của đội tuyển U23 Việt Nam . Khi chưa bị dẫn bàn, chúng ta khiêm tốn lùi lại, nhường đất cho đối phương kiểm soát. Nhưng khi cần bàn gỡ, việc đề cao kiểm soát bóng được thực thi.

Nhiều thời điểm, đội bóng dồn ép cả Iraq lẫn Qatar về sân nhà của họ, bằng các pha ban bật liên tục ở đủ cự ly. Và, chúng ta thường kết thúc những lần vây ráp đó bằng các bàn thắng, khi buộc đối phương phải hở sườn. "Buồng phổi" Đức Huy - Xuân Trường đã chơi những trận đấu tuyệt vời và luôn đảm bảo được một tỷ lệ bóng đều đặn.

Phòng ngự chặt, tổ chức tấn công nhanh là chiến thuật xuyên suốt của đội tuyển U23 Việt Nam tại chiến dịch VCK U23 châu Á 2018. Nhưng chính sự biến ảo trong lối chơi, việc đọc trận đấu và đưa ra các phương án thay người kịp thời của BHL, đã đem lại hiệu quả tối đa.

Việc cự ly đội hình được đảm bảo, cấu trúc vận hành của đội bóng không bị phá vỡ, phải dựa trên nền tảng thể lực tuyệt vời và một tinh thần chiến đấu không sợ hãi.

Ở trận đấu cuối cùng của cuộc chiến, đội bóng gãy ở nút thắt quyết định, như một định mệnh không thể khác được. Đấy là giới hạn trên đỉnh cao năng lực chinh phục của đội bóng hay chính xác là của nền bóng đá.

Kỳ 2: Biết người biết ta, trăm trận không thua

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại