Trong khi các giải bóng đá chuyên nghiệp QG, V-League và giải hạng Nhất, là nền tảng, thì ĐTQG mới là bộ mặt của nền bóng đá, chứ không phải các đội tuyển trẻ. Đấy là điều chắc chắn.
Một trong những phương pháp làm quen thuộc của VFF, đấy là yêu cầu các HLV từ nội đến ngoại phải kiêm nhiệm, tại các ĐTQG. Một cách tận dụng chất xám hay đúng hơn là tận thu năng lực lao động của người làm thuê.
Mô hình "2 trong 1", thậm chí là "3 trong 1" (vào các năm có ASIAD hoặc Olympic mùa Hè) chưa từng phát huy tác dụng, thậm chí là phản tác dụng. HLV giỏi đến đâu, cũng chỉ là con người, không phải "3 đầu 6 tay". Chẳng đâu ngoài khu vực Đông Nam Á, HLV trưởng ĐTQG mới phải kiêm nhiệm. Vai trò của GĐKT (nếu có) vì thế trở nên rất mờ nhạt.
Năm 2007, khi HLV Alfed Riedl bận chăm sóc ĐTQG chuẩn bị VCK ASIAN Cup trên sân nhà, ông đã khoán đội tuyển Olympic Việt Nam cho trợ lý Mai Đức Chung. Tại Vòng loại Olumpic Bắc Kinh 2008, Olympic Việt Nam đã chơi như lên đồng, hạ hàng loạt đối thủ nặng ký, để đi đên Vòng loại cuối cùng.
Cũng trong năm đó, đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên vào tới tứ kết ASIAN Cup và chỉ chịu thua nhà vô địch Iraq trên đất Thái. HLV trưởng người Áo là ông thầy duy nhất chạm được nấc thang thành tích tầm châu lục.
Henrique Calisto là người kế thừa hoàn hảo di sản và phương pháp làm của người tiền nhiệm Alfred Riedl, khi ông tập hợp được đội ngũ trợ lý vừa hồng vừa chuyên như: Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Sỹ, Nguyễn Đức Thắng...
Mặc dù vậy, ông Calisto cũng chỉ "cân" được chức vô địch AFF Cup 2008, sau đó thất bại tại trận chung kết SEA Games 2009. Năm 2010, phó tướng Phan Thanh Hùng đã đưa Olympic Việt Nam vào tới vòng 2 ASIAD Quảng Châu, nhưng đội tuyển Việt Nam không thể bảo vệ ngai vàng AFF Cup.
Tiền nào của nấy. Vì năng lực huấn luyện của các HLV trưởng từng bắt tay với bóng đá Việt Nam là hữu hạn, nên bằng cách nào đó, họ buộc phải "xen canh gối vụ" trong việc triệu tập cầu thủ, chủ yếu là người trẻ, cho mục tiêu vàng SEA Games.
3-4 năm qua, không hiếm các cầu thủ ở độ tuổi 19-20, được đôn lên ồ ạt khoác áo ĐTQG, tranh tài ở AFF Cup và các chiến dịch Vòng loại ASIAN Cup và World Cup, cũng là để phục vụ mục tiêu này. VFF định hướng và bản thân các HLV cũng thấy lợi thì làm: Huấn luyện gần như một đội hình để đánh nhiều giải đấu, đỡ mất công.
Suy nghĩ manh mún sẽ dẫn đến hành động manh mún. Đấy là một lối nghĩ và một phương pháp làm hoàn toàn không mang tính lâu dài và chẳng giống ai. ĐTQG phải là tập hợp những người giỏi nhất, đang ở độ chín, chứ không phải môi trường để cầu thủ trẻ rèn luyện cho mục tiêu thấp hơn ở đấu trường khu vực.
Một khoảng thời gian đủ dài, có thể lấy lứa U19 của Công Phượng ngày nào làm điển hình, việc lên ĐTQG chưa bao giờ dễ đến thế. Không phải nền bóng đá khan hiếm người tài, mà nó đã được định hướng - định hình theo quỹ đạo đó.
Những ngày qua, bóng đá Việt Nam như thể đang lên cơn sốt với đội tuyển U23 Việt Nam, dưới thời tân HLV Park Hang Seo. Nói thẳng, chúng ta khó có cửa tại VCK U23 châu Á 2018, tại bảng đấu có sự hiện diện của Hàn Quốc, Australia và Syria.
Nhưng hãy nhìn xem, đây cũng chính là đội hình nòng cốt vừa chiến đấu các trận Vòng loại thứ 3 ASIAN Cup 2019. Và, rất nhiều khả năng, họ sẽ cầm những suất chơi chính tại AFF Cup 2018. Tính cạnh tranh trên ĐTQG là không cao và vì thế, khó kỳ vọng được vào sự phát triển bền vững.