Chuyện đó không bàn nữa bởi đã có người nói lời xin lỗi và... "sâu sắc rút kinh nghiệm". Và bởi, cũng có khối điều để nói về cái khoảng cách 100m vừa ngắn lại vừa dài kia.
100m là rất ngắn, nếu so với chặng đường ngập khói bụi và kẹt xe mà hàng triệu cư dân tại Hà Nội và TP.HCM vẫn kiễn nhẫn nhích mỗi ngày để đến công sở. 100m càng ngắn hơn nữa nếu so với tổng hành trình mà Man United đã thực hiện trong chiến dịch mệt nhoài 2016/17.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, 100m lại là rất dài, kèm theo cái giá rất đắt. Ví dụ đang ở trên cao tốc mà lại chạy quá chỗ rẽ 100m, cả tài xế lẫn hành khách trên xe chắc chắn đều muốn gây lộn với nhau. Hoặc trên chiến trận, nếu lỡ đi lạc 100m là có nguy cơ giơ má trước họng súng của kẻ thù.
Trong bóng đá, vấn đề thắng bại cũng được định đoạt trong khoảng 100m dọc theo hai cầu môn. Với một đội bóng yếu hơn, khoảng cách tới khung thành đối phương dẫu chỉ 100m thôi mà có cảm giác dài hàng ngàn dặm.
Ronaldo phản công thần tốc cho Real: 96m chỉ mất 10s
Ngược lại, với một siêu sao như Ronaldo, cả thế giới có thể được thu nhỏ trong 100m. Trong một tình huống Real Madrid đoạt lại bóng và tổ chức phản công khi gặp Atletico ở mùa 2012/13, Ronaldo đã có màn nước rút kinh hoàng gần hết chiều dài sân (chính xác là 96m) rồi tung cú dứt điểm dội cột. Tất cả diễn ra trong vẻn vẹn 10 giây.
Kỉ lục thế giới về chạy 100m của Usain Bolt lúc bấy giờ là 9,58 giây. Dù Ronaldo không ghi bàn trong tình huống kể trên, thì người ta cũng học được một điều: phải cảnh giác với CR7 ngay cả khi anh ta còn cách khung thành đối diện 100m.
Trở lại với U22 Việt Nam. Đội bóng của Hữu Thắng cũng đang sở hữu một mũi nhọn có tốc độ không kém Ronaldo bao nhiêu là Văn Toàn. Cộng với khả năng đi bóng lắt léo của Công Phượng và sự xông xáo của Đức Chinh, hàng tấn công được xem là chiếc chìa khóa để biến giấc mơ vàng SEA Games thành hiện thực.
Ngôi sao của U20 Việt Nam vẫn đang gây lo lắng cho HLV Hữu Thắng.
Chỉ có điều, chuyện thắng thua của chúng ta xưa nay lại thường được định đoạt ở khu vực cách Đức Chinh khoảng 100m về phía sau chứ không phải theo chiều đối lập. Như lịch sử đã quá nhiều lần chứng minh, các thủ môn Việt Nam có xu hướng mắc lỗi ngớ ngẩn ở những thời khắc mang tính quyết định.
Tiger Cup 1998, Việt Nam mất vàng vì pha lao ra đấm bóng thiếu khôn ngoan của Tiến Anh. AFF Cup 2010, Tấn Trường "kiến tạo" cho tiền đạo Malaysia ghi bàn loại Việt Nam ở bán kết.
SEA Games 2003, Thế Anh thậm chí bị thủng lưới từ cú phát bóng xa cỡ 100m của thủ thành Mustafa bên phía Malaysia. Và mới nhất là sai lầm của Tiến Dũng trong trận thua Hàn Quốc tại vòng loại U23 châu Á.
Đi nhầm đường 100m bị ăn tát có thể là chuyện lạ. Nhưng nếu U22 Việt Nam lại có một thoáng lơ đễnh cách cầu môn đối phương với khoảng cách tương tự tại SEA Games 2017, chắc chắn sẽ chẳng ai ngạc nhiên. Vì tới thời điểm hiện tại, người yêu bóng đá Việt Nam đã nghe bài ca "xin lỗi và sâu sắc rút kinh nghiệm" đến cả tỷ lần rồi.