Trước đây, khi còn huấn luyện B.Bình Dương, HLV kỳ cựu Lê Thuỵ Hải đã “hỏi kháy” một anh phóng viên thể thao về trường hợp một ngoại binh vừa đến đất Thủ thử việc, rằng “theo cháu nó đá được không”? Anh phóng viên nhanh nhảu nói "được chú à".
Ông Hải “lơ” cười khà khà và đốp lại: “Phải tốt thì mới ký hợp đồng chứ, được thôi không ăn thua. Nó (ngoại binh) hưởng lương và phụ cấp gấp mấy lần cầu thủ Việt, ăn gấp mấy lần chúng ta, thì phải đá cực tốt và đá gấp mấy lần đồng đội nội, thay cho cả đồng đội, mới hy vọng”.
Cũng với tư duy này, ông Hải “lơ” không bao giờ cho phép ngoại binh chỉ tập với giáo án của cầu thủ nội.
“Nếu họ chỉ tập trung giáo án mà không tập thêm, không bổ trợ, thì dần dần năng lực chơi bóng của họ cũng sẽ chỉ bằng với cầu thủ Việt, thậm chí kém hơn, khi thể lực suy giảm.
Thế nên, kinh nghiệm của tôi là chỉ ký hợp đồng năm một với các ngoại binh, không hơn. Nhiều anh “Tây”, nói thẳng, tư duy chơi bóng rất kém, nhưng họ thắng chúng ta bởi thể hình, thể lực và sức mạnh cơ bắp”, HLV Lê Thụy Hải từng chia sẻ.
Những người làm bóng đá đã chỉ ra rằng, nếu một đội bóng có thể chơi với hơn 100% khả năng trong những trận đấu tập, mới hy vọng họ đạt được 80 - 85% công lực, khi bước vào giải đấu chính thức.
Bởi áp lực được tạo ra bởi các đối thủ là không giống nhau. Nếu đội tuyển U22 Việt Nam xem vòng loại U23 châu Á 2018 vừa qua là một “cữ dợt”, thì đấy không phải là cữ dợt chất lượng, khi chúng ta thắng dễ U22 Timor Leste và U22 Macau (Trung Quốc), đồng thời được U22 Hàn Quốc “dìu” đến VCK tại Trung Quốc vào năm sau.
Thầy trò HLV Nguyễn Hữu Thắng tiếp tục có một trận đấu tập dễ dàng nữa trước các ngôi sao K-League (K-League All Stars) trên SVĐ Mỹ Đình sau đó, trước khi bay đến Hàn Quốc và có một đôi trận đấu thử lửa ở đây, rồi mới qua Malaysia đánh giải SEA Games 29.
So với các đối thủ trong khu vực, về lý thuyết, sự chuẩn bị của đội U22 Việt Nam như thế là tương đối chu đáo, dù SEA Games chỉ là một giải đấu ngắn ngày. Cũng vì lý do này, mà nhiều ý kiến cho rằng, việc V-League phải nghỉ hơn 2 tháng nhường sân là hơi dài.
Kinh nghiệm tác nghiệp tại các kỳ SEA Games của cánh phóng viên thể thao Việt Nam cho thấy, chúng ta thường khởi đi rất hừng hực khí thế, trong những trận đấu với các đối thủ yếu.
Nhưng khi đối diện với áp lực trước các đội bóng ngang hoặc trên cơ, đội bóng dễ lâm vào trạng thái "loạn đao pháp". Từ trận bán kết với U23 Myanmar ở Korat, Thái Lan, cách đây đúng 10 năm, đến Malaysia (chung kết SEA Games 2009), Indonesia (2011) và cả ở đấu trường AFF Suzuki Cup sau 2008 nữa…, chúng ta luôn dừng chân ở vòng bán kết.
Khái niệm “thử kêu đốt tịt” vì thế vẫn được rao giảng, thậm chí là gắn chặt với các ĐTQG, trước và trong các giải đấu.
Tất nhiên, ngoại trừ năm 2008, mới xảy ra chiều ngược lại. Đội tuyển Việt Nam dưới triều đại Henrique Calisto khi ấy đã trải qua hơn chục trận giả không nếm mùi chiến thắng, nhưng cũng từ đó, các điểm yếu được phát hiện và cải thiện, trước khi lần đầu tiên chinh phục vương miện Đông Nam Á, với những trận đấu rất hay từ vòng “knock-out”.