U22 Việt Nam săn vàng SEA Games: Chẳng cần "cạn đìa", cũng đã "biết lóc trê"

Tâm Anh |

Chỉ còn vài ngày nữa, chiến dịch săn vàng SEA Games của HLV Hữu Thắng và các học trò sẽ bắt đầu, và theo nhà cầm quân này, U22 Việt Nam đã sẵn sàng tiếp đón mọi đối thủ.

1. Lời tuyên bố xanh rờn của nhà cầm quân xứ Nghệ rõ ràng là có cơ sở, nếu nhìn vào chuỗi trận thi đấu của U22 ViệtNam trước khi đặt chân đến Malaysia. Sau trận thua 0-5 trước U20 Argentina hồi giữa tháng Năm, các cầu thủ trẻ Việt Nam có liền 2 trận thắng ở vòng loại U23 châu Á trước Timor Leste và Macau, thua sát nút U22 Hàn Quốc và thắng cả 2 đội bóng Hàn đến 4-1 và 6-1.

Đấy là chưa kể đến trận thắng 1-0 trước đội bóng Các ngôi sao K-League ngay trên sân Mỹ Đình trước thềm chuyến tập huấn ở Hàn Quốc mới đây. Nhìn vào bảng thành tích "dày cộm" đấy, ai dám nghi ngờ khả năng vô địch, hay ít ra lọt vào đến tận trận chung kết SEA Games như chỉ tiêu VFF đưa ra hồi đầu năm nay.

Song nếu soi kỹ lại, thì hóa ra trận đấu thầy trò HLV Hữu Thắng "thu hoạch" được nhiều nhất lại là trận thua duy nhất trước U22 Hàn Quốc, khi hai bàn thua đều đến từ những sai lầm khó chấp nhận được của hàng thủ. Những trận đấu còn lại đều là trước các đối thủ quá yếu, thậm chí Các ngôi sao K-League còn chủ động "buông", Mokpo bố trí đá lúc 11g trưa để các cầu thủ còn... bắt xe về quê.

U22 Việt Nam săn vàng SEA Games: Chẳng cần cạn đìa, cũng đã biết lóc trê - Ảnh 1.

Các cầu thủ ngôi sao K-League thậm chí còn chủ động "buông" cho U22 Việt Nam.

Nói cách khác, tất cả các trận giao hữu trước SEA Games của U22 Việt Nam hoa ra chỉ để giải quyết vấn đề "thoải mái về mặt tâm lý" cho các cầu thủ trẻ, cũng như giải tỏa áp lực cho HLV Hữu Thắng, bên cạnh đó là... tiết kiệm tiền cho VFF (chuyến tập huấn Hàn Quốc vừa qua được Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đài thọ 100%).

Không khó để nhận ra dưới thời Hữu Thắng, các trận giao hữu của cả ĐTQG Việt Nam lẫn U22 Việt Nam đều rất "vô tội vạ", mang rất ít ý nghĩa về chuyên môn, nhưng lại rất lợi hại về mặt "tự sướng".

Ngay cả trong cách quản lý đội tuyển, điều đấy cũng được thể hiện khá rõ. Đơn cử như trường hợp Quế Ngọc Hải đá xấu đối phương, Hữu Thắng sang tận BHL đội bạn xin lỗi, hỏi han, nhưng "nhân vật chính" thì lại chẳng hề nhận bất cứ hình phạt nào, dù cho đấy chẳng phải là lần đầu tiên. Kết quả là tuyển Việt Nam có một kỳ AFF Cup tan nát vì lối đá thô bạo, xấu xí, và vô kỷ luật.

2. Hồi đầu năm, người hâm mộ Việt Nam từng khá ngạc nhiên khi danh sách triệu tập U20 Việt Nam đá World Cup vắng bóng hoàn toàn các cầu thủ đến từ lò SLNA, trong khi Đồng Tháp, hay Thừa Thiên - Huế cũng "góp quân". Song mới vài hôm trước đây, nhìn cái cách các cầu thủ U15 SLNA chăm chăm "ăn chân" các cầu thủ trẻ Viettel thay vì đá bóng, có lẽ câu trả lời đã rõ.

Không quá lời khi nói rằng U20 Việt Nam có một bước tiến vượt bậc, đưa bóng đá trẻ Việt Nam đến tầm cao mới nhờ HLV Hoàng Anh Tuấn, với lối chơi kỷ luật, lối sinh hoạt cực kỳ kỷ luật và khối lượng thể lực được nhồi "kinh hoàng". Bên cạnh chuyên môn xuất sắc, sự gò ép đến mức khắc khổ của HLV này khiến các cầu thủ trẻ Việt Nam đủ thể lực và sự tự tin để đối đầu với các đối thủ mạnh hơn nhiều.

Dưới tay HLV Hoàng Anh Tuấn, mỗi khi vào giải lớn, các cầu thủ trẻ đều bị tịch thu điện thoại, hạn chế đến mức thấp nhấp việc tham gia mạng xã hội để tránh bị phân tán tư tưởng, tập trung toàn lực cho việc tập luyện và thi đấu, trong khi đó với HLV Hữu Thắng, điều này hoàn toàn bị buông lỏng. Điều đấy phản ánh hai cách quản lý cầu thủ khác biệt đến mức đối lập của họ.

U22 Việt Nam săn vàng SEA Games: Chẳng cần cạn đìa, cũng đã biết lóc trê - Ảnh 2.

Tuấn Anh đối mặt với nguy cơ chấn thương.

Chẳng ai còn lạ với cách quản lý học trò kiểu "đại ca", bảo bọc của Hữu Thắng, từ hồi nổi tiếng ở SLNA đến cả ĐTQG, và tập trung vào khía cạnh tình cảm hơn là chuyên môn của HLV xứ Nghệ này. Đấy chính là điều khiến cả HLV Hoàng Anh Tuấn, cũng như GĐKT Jurgen Gede không mặn mà tham gia vào BHL của Hữu Thắng, bởi phương pháp sư phạm quá khác biệt.

Không ai có thể phủ nhận sự xuất sắc của lứa cầu thủ U19 ngày nào của HAGL - nay là trụ cột của U22 Việt Nam. Nhưng dưới tay bầu Đức và HLV Hữu Thắng, những "viên ngọc sáng" thay vì tiếp tục được mài giũa để trở nên long lanh hơn, thì lại được đem ra "trưng bày", làm hình ảnh.

Lứa cầu thủ ấy, nếu được đầu tư để nâng cao thể lực và tư duy chiến thuật sẽ hứa hẹn còn phát triển hơn rất nhiều. Nhưng thay vào đó, giờ đây Tuấn Anh đang phải đối mặt với chấn thương rình rập, là cái giá của việc "mài sức" quá độ hai năm trước, Xuân Trường không thể cải thiện được điểm yếu thể lực sau hơn một năm rưỡi mài mông trên băng ghế dự bị ở Hàn Quốc.

May mắn, Hữu Thắng vẫn còn đó một Công Phượng đang bùng nổ khá tốt sau nửa mùa bóng được "rèn chân" ở V-League, còn đó Văn Toàn, Văn Thanh tạo nên một cánh phải vững chãi và đầy sức tấn công cho U22 Việt Nam. Nhưng vẫn còn đó sự chệch choạc trong sự kết hợp giữa lứa U19 HAGL và U20 vừa từ World Cup trở về.

3. Bầu Đức nói đúng, Việt Nam đang có một đội hình trẻ rất mạnh, ít ra là so với trong khoảng chục năm trở lại đây. Nhưng bóng đá là môn thể thao tập thể, và mỗi giải đấu lớn cần một sự chuẩn bị chu đáo, cùng một nhà cầm quân giỏi chuyên môn và có tầm nhìn xa. Đấy là điều chưa bao giờ người ta thấy ở Hữu Thắng.

"Cạn đìa mới biết lóc trê", may mắn cũng là một phần quan trọng trong bóng đá, và nếu may mắn, U22 Việt Nam hoàn toàn có thể có cơ hội vô địch SEA Games, bởi ngoại trừ Thái Lan, không có bất cứ đội bóng nào trong khi khu vực khiến chúng ta ngán ngại.

Nhưng tầm nhìn của bóng đá Việt Nam không thể chỉ dừng lại ở "đỉnh cao" SEA Games, khi mà cả lứa U20, lẫn U16 đang có những thành công ngang tầm châu lục.

U22 Việt Nam săn vàng SEA Games: Chẳng cần cạn đìa, cũng đã biết lóc trê - Ảnh 3.

Bầu Đức từng nói lứa cầu thủ này của ông là để giành chức vô địch SEA Games, nếu không ông sẽ từ chức. Nhưng có lẽ ông quên mất rằng những cầu thủ của ông, họ đều còn rất trẻ, với tương lai còn cả chục năm đá bóng phía trước, và đây là thời điểm bước ngoặt, quyết định sự nghiệp của các cầu thủ, cũng như vận mệnh của bóng đá Việt Nam nhiều năm tới.

Đây là cơ hội cuối cùng của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy, Đông Triều... tham gia sân chơi SEA Games. Sẽ có rất nhiều sự nuối tiếc dành cho họ nếu "lỡ chuyến tàu" đến với chức vô địch, nhưng đừng quên rằng trước mắt họ là những giải đấu, những sân chơi lớn hơn ở cấp độ đội tuyển quốc gia.

Con đường xa ấy không thể thích hợp với những bước chân nhỏ, nó cần một lộ trình, sự tính toán xuyên suốt từ những con người đã chứng minh được năng lực vượt trội, cùng sự am hiểu và khát vọng vươn cao, thay vì chỉ chực chờ cơ hội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại