'Ứ đọng' hàng tỉ rupee, Nga có thể tạm dừng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ

Thu Hằng |

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trong cuộc họp báo ở Goa ngày 5/5/2023, đã ám chỉ rằng Ấn Độ có lợi cả đôi đường trong các giao dịch với Nga.

Ứ đọng hàng tỉ rupee, Nga có thể tạm dừng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Ấn Độ, Subrahmanyam Jaishankar (phải) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Eurasian Times

Ấn Độ, quốc gia đang sử dụng dầu giá rẻ của Nga để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu lại dưới dạng hàng hóa tinh chế, đã không đền bù cho Nga về việc tồn đọng đồng rupee mà nước này thanh toán dầu nhập khẩu.

Ngoại trưởng Lavrov mới đây chỉ ra rằng Nga đã phải tích lũy hàng tỷ rupee trong các ngân hàng Ấn Độ mà không thể sử dụng.

"Đây là một vấn đề. Chúng tôi cần sử dụng số tiền này. Nhưng để làm thế, rupee phải được chuyển đổi sang một loại tiền tệ khác và điều này hiện đang được thảo luận".

Ấn Độ và Nga đã thử nghiệm các lựa chọn để giải quyết giao dịch bằng đồng rupee hoặc rúp trong bối cảnh Moskva bị phương Tây trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine. Nhưng họ đã đạt được rất ít tiến triển sau hơn một năm.

Mất cân bằng thương mại Ấn - Nga

Vấn đề nằm ở chỗ nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga vượt xa xuất khẩu của nước này. Do đó, các khoản thanh toán bằng đồng rupee của Ấn Độ cho các tài khoản Vostro của ngân hàng Nga tại các ngân hàng Ấn Độ không có ích gì đối với Moskva.

Giải pháp rõ ràng là Ấn Độ phải đẩy mạnh xuất khẩu sang Nga. Nhưng đáng tiếc là xuất khẩu của Ấn Độ bị hạn chế nghiêm trọng bởi chất lượng mờ nhạt. Ngoài ra, Nga là một quốc gia giàu tài nguyên nên Ấn Độ không có lựa chọn xuất khẩu hàng hóa sang Nga.

Ấn Độ có thể trả hàng tỷ rupee tích lũy cho Nga bằng cách chuyển đổi chúng sang một loại tiền tệ như nhân dân tệ của Trung Quốc, tuy nhiên, điều đó sẽ kéo theo chi phí chuyển đổi. Thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc với Ấn Độ khiến đồng rupee đặc biệt yếu so với nhân dân tệ.

Đình chỉ giao dịch rupee - rúp

Theo Reuters, giao dịch đồng rupee giữa Ấn Độ và Nga hiện đã bị đình chỉ. Việc đình chỉ có thể sẽ hạn chế, nếu không muốn nói là chấm dứt, việc nhập khẩu dầu giá rẻ của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ukraine.

Các quốc gia trở thành cường quốc kinh tế bằng cách tăng cường xuất khẩu. Để làm như vậy, họ cần sản xuất hàng hóa chất lượng theo yêu cầu trên toàn thế giới.

Ví dụ, Nga có khả năng tự sản xuất mọi thứ mình cần, nhưng điều đó không khiến Nga trở thành một cường quốc kinh tế. Hàng hóa xuất khẩu của Nga cũng bị hạn chế về chất lượng khi so sánh với hàng hóa do Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu sản xuất.

Chiến lược xoay trục của Nga sang châu Á là một cơ hội lịch sử để khu vực tư nhân Ấn Độ tăng cường xuất khẩu sang Nga. Nhưng phản ứng của Ấn Độ đối với cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho đến nay giống như phản ứng của một thương nhân, không phải phản ứng của một doanh nhân. Ấn Độ có thể dễ dàng tạo ra một thị trường ngách cho mình bằng việc xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Nga.

Tác động đến quan hệ quốc phòng

Mối quan hệ quốc phòng sâu xa của Ấn Độ với Nga, mối quan hệ giúp Ấn Độ ổn định trong nhiều thập kỷ, đã bị đe dọa trong vài năm nay bởi các lệnh trừng phạt CAATSA (Đạo luật Chống lại kẻ thủ của Mỹ thông qua lệnh trừng phạt). Việc đình chỉ giao dịch rupee với Nga có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng phòng thủ của Ấn Độ.

Có khả năng Nga đã ngừng cung cấp thêm hai trung đoàn S-400 cho Ấn Độ trước đó vì New Delhi không có khả năng bồi thường cho Moskva. Nga có thể tiếp tục cung cấp dầu cho Ấn Độ vì Nga có dầu thừa, nhưng không thể tiếp tục cung cấp S-400 vì không có các trung đoàn S-400 dư thừa. Không phải lúc này, ít nhất là khi Nga đang trong xung đột.

Ứ đọng hàng tỉ rupee, Nga có thể tạm dừng xuất khẩu dầu sang Ấn Độ - Ảnh 2.

Tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất. Ảnh: Eurasian Times

Sản xuất tại Ấn Độ

Nga đã bày tỏ sự nhiệt tình tham gia vào các dự án quốc phòng Make-in-India thông qua hợp tác giữa các ngành.

Cảnh giác với các biện pháp trừng phạt CAATSA của Mỹ, Ấn Độ đang tìm kiếm liên doanh phát triển và sản xuất nội địa các hệ thống vũ khí từ Nga, và Moskva cũng đã sẵn sàng.

Hai nước đã thảo luận về hợp tác kỹ thuật để sản xuất các hệ thống S-400 ở Ấn Độ. Vào tháng 9/2019, Giám đốc điều hành Tập đoàn nhà nước Rostec của Nga, ông Sergey Chemezov, cho biết cả Ấn Độ và Nga hiện đang đàm phán để khởi động dây chuyền sản xuất S-400 trên đất Ấn Độ.

Nga cũng đang tham gia đấu thầu giành hợp đồng sản xuất các tàu ngầm P-75I ở Ấn Độ. Moskva sẵn sàng chuyển giao công nghệ tàu ngầm Amur 1650 cho Ấn Độ và sẵn sàng hợp tác với DRDO để lắp hệ thống AIP cho tàu ngầm

Bên cạnh đó, Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật-Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) cho biết Moskva có thể chia sẻ nền tảng theo dõi mô-đun xe tăng Armata tiên tiến của mình với Ấn Độ. FSVTS bày tỏ mong muốn cùng phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực của Ấn Độ với công nghệ hiện đại của Nga.

Các đề nghị phát triển liên doanh khác từ Nga bao gồm sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình Su-75 Checkmate.

Sự thiếu hụt đáng lo ngại của Ấn Độ

Việc các nhà đàm phán của Ấn Độ thiếu khẩn trương trong việc tìm ra một cơ chế thương mại đang gây bối rối. Như Ngoại trưởng Lavrov đã nói, Nga, nước đang trong xung đột, cần sử dụng số tiền mà Ấn Độ nợ Nga.

Các nhà phân tích đã nhắc đến nguy cơ sự chậm trễ của Ấn Độ có thể làm chệch hướng mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, vốn đã vượt qua thử thách của thời gian. Và tác động gián tiếp của sự chệch hướng mối quan hệ với Ấn Độ có thể khiến Nga sẽ buộc phải dựa nhiều hơn vào Trung Quốc - điều sẽ có tác động tiêu cực đáng ngại hơn đối với an ninh dài hạn của Ấn Độ.

Có một lý do chính đáng khiến Ấn Độ tiếp tục tìm kiếm công nghệ quốc phòng của Nga mặc dù nước này đã tiếp cận với các nhà sản xuất vũ khí phương Tây ở Israel, Pháp, Anh và Mỹ: Công nghệ quốc phòng của Nga tiết kiệm chi phí hơn so với công nghệ phương Tây trong một số lĩnh vực nhất định, chẳng hạn như tàu ngầm, vũ khí siêu thanh và phương tiện thiết giáp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại