Tại Honolulu, Hawaii, Mỹ chỉ cần nhắc đến hai chữ "voi Tyke" với những người từng sống ở giai đoạn những năm 1990 thì bạn sẽ nhận được lại cái lắc đầu cùng câu chuyện về một khoảng thời gian cực kỳ tăm tối trong lịch sử ở đây.
Cuộc sống không biết đến tự do của voi Tyke
Tyke vốn là một con voi cái châu Phi, nó đến với thế giới này vào năm 1974 ở Mozambique và bị bắt khỏi gia đình để đưa vào rạp xiếc từ khi còn rất nhỏ.
Ở đây, Tyke trải qua những ngày tháng tù túng bị đày đọa cả về thể xác lẫn tinh thần.
Mỗi ngày nó phải luyện tập 2 tiếng đồng hồ để phục vụ cho việc biểu diễn, 22 tiếng còn lại, người ta nhốt Tyke vào một căn phòng kín, xích lại hoàn toàn, chỉ có thể đứng yên một chỗ, không thể cử động thân mà chỉ có mỗi chiếc vòi là có thể vươn ra bên ngoài song sắt.
Tyke cùng người huấn luyện thân thiết, đây là người rất hiếm khi đánh đập nó.
Căn phòng có một khoảng trống nhỏ mà Tyke chỉ có thể vươn vòi ra ngoài.
Những người làm trong rạp xiếc thường tra tấn liên tục con voi tội nghiệp để phá hủy tinh thần, bản năng tự nhiên, khiến Tyke hoàn toàn tuân lệnh con người.
Họ dùng một chiếc móc sắt để tra tấn con vật tội nghiệp, đánh Tyke ở những nơi nhạy cảm nhất trên cơ thể: đằng sau tai, trên ngón chân cái, đằng sau đầu gối và xung quanh hậu môn.
Con người muốn tạo tổn thương và đe doạ, bắt Tyke hoàn toàn nghe lời phục tùng và không có ý định phản kháng.
Thế là từ một con voi tự do, thuộc về tự nhiên, Tyke tự dưng được đặt tên rồi viết lại số phận của mình bởi bàn tay những người trong rạp xiếc kia.
Thay vì được tung tăng chạy nhảy ngoài đồng cỏ thì nó phải chịu một cuộc sống tù đày, xung quanh là 4 bức tường tăm tối, ẩm thấp bẩn thỉu, chế độ ăn uống thì nghèo nàn, thiếu dinh dưỡng.
Rạp xiếc Hawthorne nơi người ta giam cầm Tyke vốn từ lâu đã nổi tiếng với lịch sử ngược đãi động vật của mình.
Và trong suốt 20 năm bị tra tấn, ép phải tập luyện, biểu diễn, cô voi này đã quá mệt mỏi, mọi thứ dường như quá sức chịu đựng rồi nên nó đã tìm cách giải thoát mình.
Mỗi ngày, nó bị xích 22 tiếng đồng hồ, 2 tiếng còn lại phải tập luyện để tuân lệnh con người.
Ngày 21/4/1993, Tyke bỏ chạy ra khỏi rạp xiếc trong khi đang biểu diễn tại thành phố Altoona, Pennsylvania.
Trên đường chạy thoát, nó đã tấn công một người huấn luyện viên của đoàn xiếc, mãi một giờ đồng hồ sau, người ta mới bắt lại được nó. Cuộc đào tẩu đầu tiên thất bại.
Đến ngày 23/7/1993, chỉ khoảng 3 tháng sau, Tyke lại bỏ trốn một lần nữa khi đang biểu diễn tại thành phố Minot, Bắc Dakota. Lần này, nó làm thương một người huấn luyện thú và khiến dân chúng hoảng loạn suốt 25 phút.
Theo các tài liệu ghi nhận, người huấn luyện đã đánh đập con vật tội nghiệp rất tàn nhẫn, ngay trước mặt khán giả.
Màn tra tấn đau đớn đến mức nó đã kêu rống lên, quỳ gối nằm rạp xuống đất để tránh đòn, kể cả khi người này bỏ đi, Tyke vẫn còn la hét và đi giật lùi vì quá sợ hãi.
Phía rạp Hawthorne đáng lẽ phải cho con vật ấy nghỉ ngơi, lấy lại tinh thần bởi vì nó rõ ràng là một mối đe dọa tiềm tàng với mọi người xung quanh. Nhưng họ đã không làm thế.
Chỉ có trời mới biết Tyke đã phải chịu những hình phạt gì khác nữa sau những lần chạy trốn.
Buổi trình diễn cuối cùng - buổi trình diễn của tự do
Cuối cùng, chuyện gì đến cũng phải đến. Tyke đã bị giam cầm giữa địa ngục trần gian gần 20 năm, nó không muốn bị đánh đập, tra tấn nữa, nó muốn được tự do.
Vào ngày 20/8/1994, trong buổi biểu diễn cuối cùng ở trung tâm Neal Blaidsell, Honolulu, Hawaii, con vật đã tự viết lên hồi kết của mình.
Vào một vài lúc trong buổi biểu diễn, Tyke không nghe lời, không theo kịch bản từ trước đó.
Các nhân viên đã cố ép nó nghe lời nhưng lúc này thì chẳng có chiếc móc sắt, chẳng đòn roi nào có thể át đi cơn giận dữ kìm nén trong đầu Tyke suốt gần 20 năm qua nữa.
Nó đã nổi điên, xông đến tấn công huấn luyện viên của mình, Allen Campbell cùng 2 người khác. Nó đã giết chết huấn luyện viên.
Khán giả lúc đầu cứ ngỡ đó chỉ là biểu diễn nhưng sau khi vỡ lẽ ra thì đã hoảng loạn và tháo chạy khỏi rạp trong sự sợ hãi.
Con voi tấn công người huấn luyện và giết chết anh ta ngay trên sân khấu. Bên cạnh đó, nó còn làm thương 13 người khác trong lúc bỏ trốn.
Tyke đạp tung rào chắn xông ra ngoài đường, nó đã tấn công và thiếu chút nữa đã giết chết chuyên viên quảng cáo của đoàn xiếc vì người này đang tìm cách chặn đường.
Tyke lao vào người đi đường, phá hủy những chiếc xe hơi, mọi người chứng kiến không thể ngừng la hét, cuối cùng cảnh sát đã được gọi đến.
Cảnh tượng Tyke đạp hàng rào chắn, lao ra ngoài đường và sau đó bị cảnh sát rượt đuổi.
Họ liên tiếp xả súng vào con voi đang hoảng loạn, mất phương hướng. Trong suốt 30 phút cuối đời, Tyke bị cảnh sát rượt đuổi trên khắp các con phố ở quận Kakaʻako ngay giờ cao điểm.
Bị bắn liên tiếp vào đầu và người, con voi từ từ ngã xuống nhưng chỉ lúc sau là lại bất ngờ đứng dậy. Đầu nó lắc lư, đôi chân cong oằn xuống, nhưng nó vẫn đứng lên.
Cảnh sát vẫn ở đó, tiếp tục kéo cò hướng lòng súng về phía Tyke. Cuối cùng, nó bị dồn vào giữa 2 hàng xe đang đỗ trên phố, bị bắn liên tiếp 87 phát đạn vào người. Con voi rồi cũng từ từ trượt dài xuống đường.
Đôi mắt nó mở to, đỏ rực vì đau đớn, sợ hãi và tuyệt vọng. Nó chết bởi xuất huyết não, tổn thương thần kinh và những vết thương.
Ánh mắt đỏ rực đầy sợ hãi.
Con vật cuối cùng bị bắn 87 phát đạn và gục ngã. Cái chết của nó chính là một sự giải thoát, Tyke đã được tự do.
Và đó là màn biểu diễn cuối cùng của voi Tyke - màn biểu diễn định mệnh tự tìm tự do cho chính mình.
Lần này đã chẳng còn tiếng vỗ tay, hô hào nữa mà chỉ có những tiếng vang khô khốc của súng đạn, những tiếng la ó, kêu thét trong sợ hãi tức giận của mọi người.
Sau cái chết của Tyke, người ta đã chuyển thể vụ việc trên thành phim tài liệu mang tên Tyke: Elephant Outlaw gây chấn động thế giới.
25 năm sau, ký ức về con voi cái bị bắn chết trên đường phố ngay giữa sự chứng kiến của bao người có lẽ vẫn còn in đậm trong tâm trí người dân ở Honolulu.
Về phần mình, rạp xiếc Hawthorne tiếp tục hoạt động đến tháng 10 năm 2012 thì đóng cửa.
Đây là hiện thực tàn khốc vẫn còn xuất hiện ở nhiều rạp xiếc hiện nay, dù Tyke đã trở thành một biểu tượng cho những bi kịch trong nghề xiếc thú và biểu tượng đấu tranh cho quyền lợi động vật nhưng đó chỉ là ở Hawaii, còn bên ngoài thế giới rộng lớn kia thì lại là câu chuyện khác.
Người ta vẫn trả tiền mua vé xem xiếc còn những con voi như Tyke, những loài động vật đáng thương khác, chúng phải trả giá bằng cuộc đời, bằng sự tự do vốn là của chúng để mua vui cho con người.
Có lẽ chúng ta nên nghĩ lại về việc xem xiếc thú, bất kể "diễn viên" đó là loài động vật nào đi chăng nữa.