Bên cạnh hàng loạt những tên tuổi lớn như Shell, Idemitsu, Kuwait Petroleum International (KPI), Puma (Thuỵ Sỹ), SK (Hàn Quốc) thì cái tên đáng chú ý nhất trong số 2 tổ chức đầu tư trong nước tham gia là Tập đoàn Sovico, của vợ chồng bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã đăng ký tham gia trong phiên bán đầu giá cổ phần lần đầu (IPO) của tổng công ty này vào ngày 25/1 tới.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ mong muốn mua tối đa tỷ lệ 49% vốn của PV Oil và các tổ chức trong nước cũng muốn mua khối lượng lớn, lên đến trên 35% vốn", ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa tiết lộ tại buổi gặp mặt nhà đầu tư chiều ngày 11/1 vừa qua tại Tp.
Theo ông Dương đối tác chiến lược của PV Oil bên cạnh nền tảng tài chính là phải thực sự quan tâm thực sự đến mảng bán lẻ xăng dầu Việt Nam, phải cam kết hỗ trợ chuyển giao kinh nghiệm quản trị quốc tế, xây dựng được chiến lược phát triển PVOil để đưa chất lượng dịch vụ của công ty lên cạnh tranh được tại thị trường Việt Nam và quốc tế.
Đồng thời, đối tác chiến lược phải cam kết không chuyển nhượng cổ phần tại PVOil tối thiểu trong 10 năm.
Đó là một trong những tiêu chí bắt buộc mà Sovico hay các nhà đầu tư khác phải chấp nhận khi đầu tư vào PV Oil. Đồng nghĩa, các nhà đầu tư chiến lược đã phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng trước đăng ký trở thành cổ đông chiến lược và ngay cả tham gia mua cổ phần trong đợt IPO sắp tới.
Với lượng cổ phần dự kiến mua khoảng 35%, Sovico dự kiến sẽ phải chi ra khoảng 5.000 tỷ đồng theo giá khởi điểm. Chưa kể, nếu muốn gom được cổ phiếu trong đợt IPO sắp tới trong bối cảnh có nhiều nhà đầu tư quan tâm, Sovico sẽ còn phải chi ra một lượng tiền lớn lên hàng ngàn tỷ đồng.
Xuất phát từ nguồn nhiên liệu bay?
Hiện Sovico Holdings, công ty của nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam đang là cổ đông sáng lập và nắm giữ các khoản đầu tư lớn tại Việt Nam như VietJetAir (VJC) và HDBank.
Bên cạnh đó, Sovico Holdings hiện là chủ sở hữu nhiều dự án BĐS như khu đô thị Dragon City tại Sài Gòn, Khu du lịch sinh thái cao cấp tại Phú Quốc, Dự án Furama villas quy mô 27ha tại Đà Nẵng…
Mặc dù chưa kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu, nhưng rõ ràng, thông qua VietJet Air, Sovico Holdings đã có sự am hiểu nhất định đối với thị trường xăng dầu nhập khẩu và đặc biệt là nhiên liệu bay.
Bởi với chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn, VietJet phải chủ động tìm nguồn nhiên liệu chất lượng giá rẻ từ nước ngoài. Thậm chí phải thành lập một phòng chuyên nghiên cứu, dự báo diễn biến thị trường dầu thô và các hoạt động hegding trước các biến động giá.
Lượng tiêu thụ nhiên liệu bay dược dự báo tăng trưởng đều 8,5%/năm (nguồn VCSC)
Theo đơn vị tư vấn là CTCK Bản Việt (VCSC), hoạt động phân phối nhiên liệu máy bay là một cơ hội mới cho PV Oil.
VCSC cho rằng, hiện thị trường này đang tăng trưởng mạnh nhưng có rất ít nhà cung cấp. Theo Wood Mackenzie, tiêu thụ dầu nhiên liệu hàng không trong năm năm qua đã tăng 10,4% và dự báo trong các năm 2018-2020 sẽ tăng 8,5%/năm.
Tuy nhu cầu hiện tăng trưởng mạnh nhưng chỉ có hai nhà cung cấp trên thị trường là CTCP Nhiên liệu bay Petrolimex (PA, công ty con của PLX) và Công ty TNHH một thành viên Nhiên liệu hàng không Việt Nam (Skypec, công ty con của Vietnam Airlines).
PVOil cũng tự tin rằng lĩnh vực đầy hấp dẫn này sẽ mở ra cơ hội lớn cho công ty, đặc biệt là khi công ty bán thành công cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
Bên cạnh đó, một trong những lợi thế rất lớn cho NĐT chiến lược tham gia vào PV Oil đó là tiềm lực tài chính mạnh với lượng tiền mặt dồi dào và tỷ lệ đòn bẩy âm.
Hiện PVOil đang có dư tiền mặt và đầu tư ngắn hạn ổn định từ 270-300 triệu USD, trong khi tỷ lệ đòn bẩy trong các năm qua liên tục âm 36%-38%. Theo đó, NĐT chiến lược sẽ không phải bỏ thêm đồng vốn nào để mở rộng hoạt động kinh doanh PV Oil sau khoản đầu tư ban đầu.