Tuyệt tác công nghệ của người Việt
Theo mạng tin tức BNN (trụ sở tại Hong Kong, Trung Quốc), cách đây không lâu, hành trình công nghệ của Việt Nam đã đạt được một cột mốc quan trọng với sự ra mắt của ViGPT - hay còn được gọi là ChatGPT phiên bản Việt. Đây là giải pháp trí tuệ nhân tạo (AI) tinh vi do VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) phát triển.
"Với động thái này, Việt Nam đã đánh dấu bước tiến vào sân chơi giải pháp AI công nghệ cao toàn cầu - một bước nhảy vọt nhằm tăng cường an ninh dữ liệu quốc gia, bảo vệ hệ thống trí tuệ và tư tưởng, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào các sản phẩm AI của nước ngoài" - BNN nhận định.
Theo mạng tin tức này, người dùng có thể tương tác với ViGPT bằng tiếng Việt thông qua giao diện website, tương tự như ChatGPT của OpenAI. Tuy nhiên, không giống như các giải pháp AI sẵn có, ViGPT được thiết kế độc đáo để phản ánh giá trị lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Do đó, nó có thể cung cấp thông tin chính xác và phù hợp về mặt văn hóa cho người dùng Việt.
ViGPT có 3 phiên bản riêng biệt. Đầu tiên là phiên bản cộng đồng với khả năng cung cấp thông tin rộng rãi về các lĩnh vực. Thứ hai là phiên bản dành riêng cho các nhà khoa học nghiên cứu, chứa đựng nhiều kiến thức chuyên ngành. Cuối cùng là phiên bản dành cho doanh nghiệp được tích hợp trên nền tảng VinBase 2.0 AI, nhằm tinh giản hoạt động kinh doanh và nâng cao hiệu quả.
Theo BNN, ViGPT không chỉ là một giải pháp AI mà còn là "tuyệt tác công nghệ" với 1,6 tỷ tham số và chứa hơn 600GB dữ liệu dành cho người Việt. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược của VinBigdata nhằm tạo ra các sản phẩm AI "Make in Vietnam" tầm cỡ quốc tế.
Đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ
Cùng bàn về ViGPT, hãng tin Sputnik (Nga) đã dành nhiều lời khen ngợi cho phát minh của người Việt.
Trong bài viết trên Sputnik, nhà phân tích Nga Taras Ivanov cho hay, trong năm 2023, "cú nổ" ChatGPT của Open AI đã làm rung chuyển thị trường công nghệ thế giới, mở ra cuộc đua chinh phục AI giữa các các quốc gia và các "ông lớn" trong lĩnh vực công nghệ.
Chỉ trong vòng 2 tháng, ChatGPT đã thu hút 100 triệu người sử dụng. Trong khi, Tiktok (đứng vị trí thứ 2) phải mất 9 tháng mới đạt được số lượng người dùng như trên. Thậm chí, nhiều ứng dụng khác phải mất hàng năm.
Tuy nhiên, với nguồn dữ liệu chủ đạo bằng tiếng Anh, các mô hình như ChatGPT có thể không hiểu đầy đủ hoặc phản ánh chính xác sự phức tạp về văn hóa, cũng như ngữ cảnh của người Việt, dẫn tới việc đôi khi viết ra những câu trả lời nghe có vẻ hợp lý, nhưng lại không chính xác hoặc vô nghĩa.
Do đó, theo nhà phân tích, dù Việt Nam mới đang ở những bước đầu trên hành trình chinh phục AI tạo sinh nhưng việc ra mắt được ứng dụng dành riêng cho người Việt là một tín hiệu tốt, cho thấy những nỗ lực của các công ty công nghệ Việt Nam.
"Việc ra mắt một 'ChatGPT phiên bản Việt' đánh dấu khả năng làm chủ công nghệ của Việt Nam. Cao hơn thế nữa, qua việc làm chủ công nghệ, chúng ta có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia, cùng hệ tri thức, tư tưởng mang bản sắc Việt Nam.
Hướng đi này sẽ cho phép chúng ta không chỉ xoá bỏ sự phụ thuộc vào những sản phẩm quốc tế, mà còn có thể dần dần nâng cao tính chính xác của thông tin chứa giá trị lịch sử, văn hoá Việt và giảm thiểu dòng chảy dữ liệu ra nước ngoài" - GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học VinBigdata trả lời phỏng vấn của Sputnik.
'Mỏ vàng' 14.000 tỷ
Từ ngày 26/1/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về "Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030".
Chiến lược đưa ra mục tiêu "đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc CMCN 4.0", góp phần phát triển kinh tế-xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Sau hơn 2 năm thực hiện, trong năm 2023, ngoài ViGPT, Việt Nam đã ghi nhận sự ra đời của nhiều sản phẩm AI do người Việt làm chủ về công nghệ.
Tiêu biểu như FPT ra mắt FPT AI Mentor - cố vấn đào tạo trong doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam; LovinBot ra mắt 2 sản phẩm là trợ lý viết content AI dành cho cá nhân và doanh nghiệp; VinAI công bố dự án nghiên cứu mã nguồn mở về mô hình ngôn ngữ lớn cho riêng tiếng Việt là "PhởGPT".
Việc ra mắt một loạt sản phẩm AI cho thấy Việt Nam đang từng bước giảm bớt sự phụ thuộc vào sản phẩm nước ngoài, đồng thời đánh dấu bước tiến để doanh nghiệp Việt Nam đưa công nghệ AI tạo sinh vào hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.
Trong tương lai, qua việc làm chủ công nghệ mới, Việt Nam có thể tự chủ khai thác, bảo vệ an ninh dữ liệu quốc gia, cùng hệ tri thức, tư tưởng mang bản sắc Việt.
Theo tạp chí Forbes (Mỹ), Việt Nam đang giữ vị thế dẫn đầu trong lĩnh vực AI. Tất cả các dấu hiệu hiện nay đều cho thấy vị thế của Việt Nam trong lĩnh vực này đang ngày một lớn mạnh và nở rộ.
Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" (Government AI Readiness Index) do Oxford Insights (Anh) thực hiện cho biết, trong năm 2023, Việt Nam có điểm trung bình đạt 54,48 điểm, vượt qua Philippines để vươn lên vị trí thứ 5/10 khu vực ASEAN và đứng thứ 59 thế giới (tăng 17 bậc so với năm 2020 - thời điểm chưa đặt mục tiêu quốc gia về phát triển AI).
VietnamPlus dẫn lời ông Đặng Hữu Sơn, đồng sáng lập LovinBot AI, Phó Chủ tịch Liên minh phát triển nguồn nhân lực số Việt Nam (AIID) cho biết: "Năm 2023 là một năm rất đặc biệt khi nhắc tới lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Với tốc độ phát triển AI đáng kinh ngạc ở cấp độ toàn cầu. Riêng tại Việt Nam, lĩnh vực AI tạo sinh dự kiến sẽ đóng góp cho nền kinh tế số tới 14.000 tỉ đồng vào năm 2030".
Theo ông, sự phát triển của AI sẽ tác động tới hiệu suất và cải thiện kỹ năng cá nhân của nhiều thế hệ, không những cho doanh nghiệp, mà ở tầm vóc quốc gia.
"Việt Nam dẫn đầu một khảo sát cho thấy người dân rất quan tâm đến AI, tới 91% người tham gia khảo sát bày tỏ sự hứng thú với công nghệ này - tỉ lệ cao nhất so với các thị trường khác được nghiên cứu, theo Finastra Financial Services" - Ông Sơn nói.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: AI là động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam
Ngày 16/1/2024, khi chủ trì cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp toàn cầu về hợp tác phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ ô tô, chíp bán dẫn và hệ sinh thái liên quan các ngành này trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos (Thụy Sĩ), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam đã ban hành chiến lược phát triển trong lĩnh vực AI; xây dựng các trung tâm dữ liệu quốc gia kết nối với các trung tâm dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương.
Việt Nam hiện có khoảng 50 cơ sở giáo dục đào tạo về AI. Việt Nam cũng tạo dựng được môi trường thuận lợi để nhiều doanh nghiệp AI trên thế giới đến phát triển tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Y tế, truyền thông, giáo dục, an ninh mạng, tài chính, nhà máy thông minh, đô thị thông minh và công nghệ bán dẫn…
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, AI, bán dẫn và công nghiệp ô tô là những ngành quan trọng, vừa có những động lực phát triển cũ cần được làm mới, vừa có những động lực mới cho sự phát triển của Việt Nam.