Tuyệt tác gốm với nghê quỳ, rồng mây nổi: Bảo vật tiêu biểu của Bát Tràng

Trần Minh Hiếu |

Long đình gốm Bát Tràng là một món đồ tiêu biểu cho tinh hoa gốm Bát Tràng của thế kỷ XVII.

Nhắc tới nghề làm gốm cổ truyền Việt Nam thì Bát Tràng hẳn nhiên là đầu bảng. Làng nghề truyền thống Bát Tràng đã sản sinh ra không biết bao tác phẩm nghệ thuật để đời, thể hiện kỹ thuật sản xuất đồ gốm tinh xảo cũng như tay nghề điêu luyện của những nghệ nhân gốm. 

Không chỉ là một trong những nơi cung cấp đồ gốm sứ lớn nhất Việt Nam từ quá khứ đến hiện tại, làng gốm Bát Tràng còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền đời của Hà Nội nói riêng và của tộc Việt nói chung.

Trong hàng trăm hàng ngàn những tuyệt tác ấy, một trong những tác phẩm nổi bật hơn cả là Long đình gốm Bát Tràng - món bảo vật độc bản mang trên mình những nét tinh hoa của nghệ thuật gốm cổ Việt Nam.

TÀI HOA TAY NGHỀ BÁT TRÀNG

Tuyệt tác gốm với nghê quỳ, rồng mây nổi: Bảo vật tiêu biểu của Bát Tràng - Ảnh 1.

Long đình gốm Bát Tràng. Ảnh: Báo Hà Nội Mới

Trong phần mô tả về Long đình gốm Bát Tràng đăng trên trang chủ của Bảo tàng Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Đình Chiến - Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - mô tả bảo vật này là một món đồ gốm độc đáo, tiêu biểu cho dòng gốm thờ Bát Tràng. 

Nếu như các loại long đình thường thấy được làm bằng gỗ, Long đình bằng gốm từ làng Bát Tràng có thể ví như một món đồ phô những ra tinh hoa của kỹ nghệ làm gốm nơi đây.

Long đình gốm Bát Tràng có kết cấu tương tự như loại long đình bằng gỗ. Thay vì được chạm khắc và sơn son thếp vàng, Long đình gốm Bát Tràng khác biệt chính nhất ở việc nó được làm hoàn toàn bằng gốm, các chi tiết với đường nét tinh xảo, và các hoa văn trang trí đều được các nghệ nhân tạo hình bằng tay vô cùng tỉ mỉ và đầy tính mỹ thuật.

Tuyệt tác gốm với nghê quỳ, rồng mây nổi: Bảo vật tiêu biểu của Bát Tràng - Ảnh 2.

Ảnh: Bảo tàng Nhân học

Về kết cấu, Long đình gốm Bát Tràng có thể được chia làm ba phần, lần lượt là: Mái, thân và đế.

Đỉnh mái Long đình gốm Bát Tràng tạo hình búp sen tròn, phía dưới là bốn mặt mái hình thang cân với các góc mái uốn cong, 4 đường gờ men lam chụm lại tạo thành hình mây lửa gợi tưởng vây trên lưng rồng. Thân long đình có cấu trúc giống loại long đình gỗ, là hình khối hộp chữ nhật, với các góc là những cột vuông trạm trổ, vừa để đỡ toàn bộ phần mái, vừa là chi tiết thể hiện tính thẩm mỹ của món bảo vật.

Các mặt xung quanh của Long đình gốm Bát Tràng có phần tường bao giống với những bức tường trong thực tế. Chân đế long đình được làm như một khối hộp chữ nhật với hai cấp, phỏng theo các chân đế lư hương với hoa văn hình mây cuốn.

Các chi tiết trang trí nghệ thuật trên Long đình gốm Bát Tràng cũng là nơi tài năng của nghệ nhân được thể hiện. Đó là sự kết hợp tinh tế giữa những hoa văn nổi để mộc, phối cùng những nét chấm phá đầy tính nghệ thuật của các chi tiết men trắng ngà, nâu và các nét vẽ lam hay xanh rêu.

Đề tài trang trí nổi rất phong phú, gồm các cánh hoa sen đầu vuông, hoa cúc hình ô van, hình rồng với các bố cục như rồng nổi, đuôi vút lên trên, hai chân trước chống, đầu uốn lên trong ô hình chữ nhật. Đây là những đề tài trang trí phổ biến trên các chân đèn, lư hương từ thế kỷ XVII.

TINH HOA VĂN HÓA

Tuyệt tác gốm với nghê quỳ, rồng mây nổi: Bảo vật tiêu biểu của Bát Tràng - Ảnh 3.

Long đình gốm Bát Tràng là món bảo vật tiêu biểu cho dòng gốm thờ Bát Tràng.

Các hoa văn trên Long đình gốm Bát Tràng có thể thấy trên các đồ gốm thờ cùng thời khác, như trên lư hương chùa Sùng Báo tạo tác vào ngày 3 tháng 12 năm Giáp Tuất (1634) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia, lư hương tạo tác năm Ất Hợi (1635) hiện lưu giữ tại Bảo tàng British, London; những hình nghê quỳ, hình rồng mây nổi để mộc cũng giống trên Chân đèn đế nghê của chùa Thánh Ân tạo tác vào ngày lành tháng 12 năm Đinh Sửu (1637) hiện lưu giữ tại Bảo tàng Guimet, Paris.

Cặp nghê được chạm khắc nổi ở hai thành lan can, được ghép thành cặp đối xứng. Cặp nghê này được tạo hình với hai chân trước quỳ, hai chân sau chống hay; và hai chân trước chống, hai chân sau quỳ, đầu chúc xuống, đuôi vút lên đặt trước hàng lan can, rất uy nghiêm.

Ngoài tính thẩm mỹ, các đường nét trang trí tinh xảo trên Long đình gốm Bát Tràng cũng là minh chứng cho gốc tích của món đồ gốm cổ Bát Tràng, đồng thời cũng là căn cứ xác định niên đại, khi có chung phong cách giống các món đồ tạo tác khác cùng ở thế kỷ XVII. Các đường nét ấy với các kỹ thuật chạm khắc, đắp nổi, vẽ men lam... cũng thể hiện rõ trình độ đẳng cấp cao của nghệ nhân Bát Tràng. 

Với các nhà nghiên cứu, Long đình gốm Bát Tràng là một hiện vật vô cùng có giá trị khi mang trên mình văn hóa của thời kỳ xưa. 

"CÁI SÂN LỚN" - NƠI KHAI SINH TUYỆT TÁC

Ít ai biết rằng ý nghĩa của tên gọi Bát Tràng lại là "cái sân lớn". Trước đây làng Bát Tràng được gọi là xã Bát Tràng, khi nhà Lý dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, người dân Bát Tràng cũng di dân từ làng Bồ Bát (nay là hai thôn của xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) ra Thăng Long. 

Nhiều nguồn sử liệu đã cho thấy, khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, 5 dòng họ làm nghề gốm nổi tiếng của làng Bồ Bát, huyện Yên Mô, phủ Trường Yên (nay thuộc huyện Yên Mô , tỉnh Ninh Bình) là Trần, Vương, Nguyễn, Lê, Phạm đã quyết định đưa các nghệ nhân làm gốm và gia đình dời làng di cư về kinh thành Thăng Long lập nghiệp. Đến Bạch Thổ phường thuộc huyện Gia Lâm, phủ Thuận An (nay là xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) - nơi có nguồn nguyên liệu tốt để làm đồ gốm là đất sét trắng, 5 dòng họ đã kết hợp với dòng họ Nguyễn ở đây mở lò sản xuất gốm, lập nên làng gốm Bát Tràng.

Tuyệt tác gốm với nghê quỳ, rồng mây nổi: Bảo vật tiêu biểu của Bát Tràng - Ảnh 4.

Ảnh do một nhiếp ảnh gia phương Tây chụp, phần mô tả của ảnh ghi: "Hà Nội - Chợ niêu đất".

Đến thế XV và XVI, nhà Mạc áp dụng chính sách cai trị cởi mở, khiến cho giao thương hàng hóa với nước ngoài nở rộ, kéo theo hoạt động buôn bán đồ gốm tại đây hết sức phát triển. Cũng nhờ lý do này mà các sản phẩm đồ gốm Bát Tràng có cơ hội quảng bá rộng hơn. 

Người sử dụng gốm Bát Tràng chủ yếu vẫn là giới quý tộc, hoàng thất… trải dài khắp các vùng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đến đầu thế kỉ XVII, giao thương với phương Tây càng khiến thị trường gốm Bát Tràng trở nên sôi động. Nhiều lô gốm Bát Tràng đã được xuất khẩu, hoặc thậm chí sản xuất riêng theo yêu cầu của các tầng lớp quý tộc, thương nhân trong và ngoài nước.

Điều này lại tiếp tục dẫn đến việc các nghệ nhân được thỏa sức sáng tạo và làm ra đa dạng các mẫu đồ gốm, không chỉ phục vụ đời sống vật chất hàng ngày mà cả các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng dân gian mà Long đình gốm Bát Tràng là ví dụ tiêu biểu. Có thể sẽ không quá khi nói rằng đây là thời kỳ hoàng kim của gốm Bát Tràng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại