Nhưng Kungfu đó của ông Kiệt còn kém xa các cao nhân trong vụ nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống biển Vĩnh Tân, nơi rất gần khu bảo tồn Hòn Cau.
"Nạn nhân" là PGS. TS và cuộc gọi gấp gáp
Lăng Không Kình là "tuyệt học" võ công – khí công có thể hạ gục đối thủ bằng "dòng điện" dù không cần chạm vào người đối thủ.
Tuy nhiên, kể cả những người tự xưng là cao thủ đệ nhất, cũng chỉ có thể thi triển bí kíp này ở cự ly rất gần, khi cách nhau không quá 1m.
Nhưng các cao nhân ở dự án nhận chìm bùn thải lại có thể hạ gục người khác ở khoảng cách cả ngàn km.
"Nạn nhân" đầu tiên của thứ võ "ảo diệu" này, không ai khác chính là một cao nhân trong lĩnh vực khoa học: PGS. TS Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang (đọc tin chính).
Ở cách xa "đối thủ" nhiều km, PGS An vẫn bị "hạ gục" bởi Lăng Không Kình của đơn vị tư vấn cho dự án, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng cảng biển Việt Nam.
Dù chưa ai ở công ty này gặp ông, chưa ai mời và ông chưa hiểu gì về dự án, nhưng tên ông được đưa trang trọng trong danh sách chuyên gia tư vấn cho dự án.
Khi vụ việc vỡ lở, một "cao nhân truyền điện bí ẩn" đã gọi điện cho ông.
"Người đó tự xưng là giám đốc công ty làm tư vấn cho dự án này. Ông ấy xin lỗi tôi, giải thích là do thư ký nhầm lẫn đã đưa tên tôi vào. Tôi không đồng ý với cách giải thích đó. Ông ấy nói sẽ bay đến Nha Trang xin gặp tôi để trực tiếp xin lỗi, giải thích nhưng tôi từ chối, không chấp nhận kiểu làm việc đó" – PGS An bức xúc sau cú bị "đánh lén".
Việc PGS An từ chối gặp "cao nhân" ấy là rất đúng. Ở khoảng cách xa thế, ông còn bị "cách không điểm huyệt" thì mặt đối mặt với "đối thủ không rõ mặt" là quá nguy hiểm.
Thư ký – nghề nguy hiểm
Nạn nhân thứ hai của thứ võ công này, rất có thể là cô "thư ký không rõ mặt". Trong đời thực, thư ký luôn có đẳng cấp cao hơn "thằng đánh máy", nên sự nhầm lẫn cũng thượng thừa hơn hẳn (đọc tin chính).
Lỗi đánh máy cùng lắm là đánh nhầm lỗi chính tả, nhưng "bé cái nhầm" của thư ký thì có thể biến không thành có, tự nghĩ ra tên của một nhà khoa học để đưa vào một dự án cần tính khoa học rất cao. Tên PGS An ở hẳn vị trí số 1 trong danh sách chuyên gia.
Viên thư ký giấu mặt này là nạn nhân hay "thủ phạm" đã thi triển Lăng Không Kình, thì chỉ có ông giám đốc và cô ta (nếu cô ta tồn tại) mới biết được.
Khác với các cuộc đấu võ ồn ào, live stream, tiền hô hậu ủng của võ sư Vịnh Xuân Nam Anh Flores, vụ "truyền điện" này bí hiểm đến nỗi ông Phan Ngọc Cẩm Thành, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 – đơn vị thực hiện dự án, cũng lên tiếng rằng mình "không hề biết có việc này".
Khu vực nhận chìm bùn thải cách khu bảo tồn Hòn Cau 8km. Ảnh: Vietnamnet
"Nạn nhân" thứ ba của Lăng Không Kình cũng vừa chính thức lên tiếng. Đó là ThS Nguyễn Ngọc Bảo Trâm (Trung tâm Quy hoạch và quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam) (đọc tin chính).
Dù ở rất xa các cao nhân của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, nhưng bà Trâm cũng bị điểm trọng huyệt.
"Tôi mới biết việc này qua báo chí. Từ trước đến nay không hề có đơn vị, cá nhân nào liên lạc với tôi hay đặt vấn đề tham gia thực hiện dự án này. Thế nhưng không hiểu vì sao tôi lại có tên trong danh sách những người tham gia thực hiện dự án đó" – Ths Trâm thảng thốt sau khi bị "truyền điện lén".
Nếu cao thủ Lăng Không Kình chỉ có thể hạ gục 1 hoặc một vài người cùng một lúc, thì "võ đường" dự án nhận chìm bùn cát, lại có thể truyền dòng điện phẫn nộ tới cả triệu người người.
Đầu tiên, có vị nói rằng đáy biển dưới chỗ nhận chìm bùn cát, chẳng có gì, chỉ toàn bùn cát. Sau khi có những clip hiện trường gần vùng biển đó thì thông điệp mới lại được đưa ra: Sẽ điều tra lại xem đáy biển có những gì.
"Chẳng hạn khi các bên báo cáo về môi trường nền, thì Bộ sẽ khảo sát lại đáy biển xem có đúng như các bên báo cáo hay không. Xem có đúng là đáy biển chỉ toàn cát hay không" - vị lãnh đạo Bộ TN&MT nói và khẳng định: "Bộ sẽ làm thật thận trọng, chính xác chứ không mù quáng".
Phát biểu này khiến chúng ta nhớ đến một khẳng định khác cách đây ít ngày. Khi "điều trần" trước HĐND tỉnh Bình Thuận cách đây một tuần, ông Phạm Ngọc Sơn - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo đã thay mặt Bộ TN-MT phát biểu:
"Khi nhận được bộ hồ sơ xin nhận chìm của Công ty TNHH Vĩnh Tân 1, Bộ TN-MT đã hết sức thận trọng trong quá trình xem xét. Mặc dù không có quy định, nhưng Bộ đã thành lập Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp phép gồm 22 nhà khoa học, hải dương học, các ngành,…".
Sự "hết sức thận trọng trong quá trình xem xét" này đến đâu, hẳn người dân đã đoán được một phần.
Biết đâu, vì quá "tin tưởng" ông Sơn và những người khác, cũng bị Lăng Không Kình của đơn vị thực hiện, hạ đo ván.
Khi võ sư Huỳnh Tuấn Kiệt không ra gặp Flores để thực hiện nghi thức "bắt tay" xem ông thực sự có truyền được điện không, cư dân mạng đã "suy đoán" rằng: Võ sư Kiệt đang bận sạc pin.
Với việc phóng luồn điện giận dữ cho hàng triệu người, một số cao nhân thiếu trách nhiệm của dự án nhận chìm bùn cát, sẽ có thể phải đối mặt với việc cạn pin, sập nguồn, thậm chí chập mạch.