Cú xoạc bóng siêu phẩm như truyện tranh
Vòng chung kết U23 Châu Á 2018, phút 90 trận đấu với U23 Syria, hàng thủ U23 Việt Nam đang phải căng mình chống đỡ trước sức ép nghẹt thở của đối phương. Tỉ số lúc này vẫn đang là 0-0 và U23 Việt Nam cần tối thiểu 1 điểm để có vé đi tiếp, trong khi U23 Syria buộc phải giành chiến thắng.
Bóng tích cực được dồn ra hai biên khi các cầu thủ Syria muốn sử dụng những đường tạt bổng để tận dụng lợi thế chiều cao của mình. Từ giữa sân, tiền vệ đối phương có pha xẻ nách tinh quái vào cánh phải cho đồng đội của mình băng lên.
Khoảng trống mở ra trước mặt, số 6 Ahmad Ashkar nhanh chóng bứt tốc để đón đường chuyền. Tốc độ và thể lực rõ ràng là điểm mạnh của các cầu thủ Tây Á. Tuy nhiên Đoàn Văn Hậu lại không nghĩ vậy.
Bằng sải chân dài cùng sự tự tin hiếm có đến từ cầu thủ mới 19 tuổi, hậu vệ mang áo số 5 nhoài người và thực hiện một động tác xoạc bóng cực dị, giật trái bóng ngược trở lại cho đồng đội bằng gót chân của mình.
Với những ai yêu thích manga Nhật Bản và đặc biệt là bộ truyện "Jindo - Đường dẫn đến khung thành" (đổi về tên gốc "Itto - Cơn lốc sân cỏ" khi tái bản tại Việt Nam vào năm 2009), "cú xoạc bóng lưỡi liềm" trứ danh của "máy nổ" Sanza đã được Văn Hậu tái hiện lại một cách hoàn hảo.
Cú xoạc bóng lưỡi liềm được thực hiện bởi Văn Hậu.
Và hình ảnh ở phiên bản truyện tranh.
Trên thực tế, truyện tranh Nhật Bản gần như trở thành một phần không thể thiếu của nhiều thế hệ thiếu nhi tại Việt Nam.
Phong cách chơi kungfu bóng đá đầy láu cá của Itto, cú hích vai sở trường của "máy ủi" Kazuma, cú sút phi đạn của Akira, khả năng bắt bóng một tay điên rồ của Satomi, cú xoạc bóng lưỡi liềm của Sanza trong Itto - Cơn lốc sân cỏ; hay câu chuyện về hành trình hiện thực hóa giấc mơ được khoác áo ĐTQG, giành chức vô địch World Cup và sang châu Âu thi đấu của đội trưởng Tsubasa đã trở thành những kỉ niệm hằn sau trong kí ức của nhiều bạn nhỏ.
Không chỉ có vậy, đây cũng là nguồn nuôi dưỡng ước mơ của nhiều tuyển thủ bóng đá nổi tiếng thế giới. Nakata, Zidane, Totti, Torres, Vieri, hay Del Piero đều nói rằng họ tìm được cảm hứng với việc trở thành cầu thủ bóng đá từ chính bộ manga bóng đá của Nhật Bản.
Thậm chí, giống như đội trưởng Tsubasa trong truyện tranh, một tuyển thủ lừng danh của bóng đá Nhật Bản là Keisuke Honda còn vạch rõ cho mình một lộ trình chơi bóng từ khi mới 12 tuổi: trở thành cầu thủ giỏi nhất thế giới, kiếm 4 tỷ Yên mỗi năm, chơi bóng ở World Cup, sang châu Âu thi đấu và khoác áo số 10 ở một đội bóng của Serie A.
Manga vốn chỉ là những câu chuyện tưởng tượng, nhưng nguồn cảm hứng mà nó tạo ra để những đứa trẻ chinh phục những giấc mơ lớn lại rất thật. Và ở tuổi 20, Đoàn Văn Hậu, chàng cầu thủ với tuyệt kỹ bước ra từ truyện tranh cũng đang trên con đường hiện thực hóa giấc mơ được thi đấu ở trời Âu của mình.
Cậu bé quê lúa và khát vọng chinh phục trời Âu
Thái Bình vốn luôn là địa phương có truyền thống bóng đá, tuy nhiên lại không có đội bóng 11 người nào tham dự hệ thống các giải thi đấu quốc gia. Tỉnh không có nhiều ngân sách chi cho bóng đá và chỉ có thể duy trì các đội U11 và U13 để tham dự các giải thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Điều này khiến cho những đứa trẻ ở nơi đây dù rất mê bóng đá nhưng khi đến tuổi cũng đều phải đứng giữa hai lựa chọn: hoặc chấp nhận xa gia đình để tìm kiếm cơ hội ở một lò đào tạo chuyên nghiệp ở địa phương khác, hoặc trở về nhà và tiếp tục đến trường như bao bạn bè đồng trang lứa.
Cậu bé Đoàn Văn Hậu cũng nằm trong hoàn cảnh tương tự. Ông Đoàn Quốc Thắng, bố của Hậu từng bảo nếu không có bóng đá, chắc cậu út cũng đi làm lơ xe như anh trai của mình. Nhưng rồi chính trái bóng đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời Hậu và cả gia đình.
Tài năng của Đoàn Văn Hậu được các nhà tuyển trạch phát hiện ở giải Nhi đồng toàn quốc 2010.
Những trưa hè trốn ngủ ra sân đình đá bóng, rồi nhiều buổi tối luôn phải cố sút thêm vài quả rồi mới chịu đi ăn cơm dần tạo nên cho Đoàn Văn Hậu niềm đam mê mãnh liệt cùng trái bóng.
Bước ngoặt bắt đầu đến vào năm 2009 khi cậu bé 10 tuổi được gọi lên đội trẻ Thái Bình sau chức vô địch giải tỉnh. Một năm sau, Văn Hậu cùng U11 Thái Bình giành được chức vô địch quốc gia, danh hiệu mà bóng đá nhi đồng địa phương này rất lâu rồi mới lại có được.
Màn trình diễn ấn tượng tại giải U11 năm đó giúp Văn Hậu lọt vào mắt xanh của những nhà tuyển trạch ở Hà Nội. Cuộc đời cậu bé quê lúa bước sang một chương mới khi chính thức đặt chân tới một lò đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp. Nhưng đó mới chỉ là sự khởi đầu!
Tại lò của Hà Nội T&T, dưới sự dìu dắt của HLV Vũ Hồng Việt, Đoàn Văn Hậu tiến bộ từng ngày. Tuy nhiên thói nghiện game đã khiến cậu nhóc phạm phải một sai lầm khó tha thứ ở tuổi 15. Mới học lớp 9 nhưng Hậu dám cả gan trốn trại, bỏ học, đi chơi game thâu đêm.
"Ở lại làm cầu thủ hay về quê chơi điện tử?", thầy Việt chỉ hỏi đúng một câu như vậy khi phát hiện ra vụ việc, trước sự chứng kiến của bố Thắng, người vừa tất tả lặn lội từ Thái Bình lên Hà Nội sau khi nghe thầy báo tin dữ về con mình. Thật may, Hậu đã nhận ra lỗi lầm của mình và xin được thầy tha lỗi để được tiếp tục ở lại CLB.
Đoàn Văn Hậu sở hữu chiều cao 1m85 và từng cao thêm 15 cm trong năm 2014. Chia sẻ về việc này, bố Thắng giải thích rất đơn giản: "Về nhà chỉ ăn dưa cà".
Tiếp đà phát triển, Đoàn Văn Hậu sớm khẳng định đẳng cấp khi được đôn lên đội U19 đá cùng các anh lớn lúc mới 16 tuổi. Tại đây, một bước ngoặt lớn cũng xảy đến khi HLV Phạm Minh Đức quyết định kéo cậu học trò từ vị trí tiền vệ trung tâm yêu thích về đá hậu vệ.
Thầy Đức cho rằng đó là một vị trí phù hợp hơn với tố chất của Hậu, nơi có những đàn anh như Thành Chung, Đình Trọng kèm cặp, đồng thời cũng là vị trí mà đội 1 của Hà Nội T&T đang rất cần người. Chấp nhận từ bỏ vị trí yêu thích, Đoàn Văn Hậu tin tưởng làm theo sự sắp xếp của thầy. Và quả nhiên, thành công đã đến.
Chơi hay ở đội U19 Hà Nội T&T, Văn Hậu được HLV Hoàng Anh Tuấn gọi lên tuyển U19 Việt Nam dự giải vô địch Đông Nam Á 2016. Đến giải vô địch Châu Á diễn ra ngay sau đó, Hậu tiếp tục chơi hay và khiến tất cả phải nhắc nhớ đến mình với cũ nã đại bác từ cự ly 25m vào lưới U19 Triều Tiên, góp phần mang về chiến thắng 2-1 cho U19 Việt Nam ở trận mở màn.
Bàn thắng đó cũng mở ra một giải đấu đầy thành công cho U19 Việt Nam, khi thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn xuất sắc giành vé dự VCK U20 World Cup 2017.
Trở lại CLB, Đoàn Văn Hậu ngay lập tức được đôn lên đội 1, với trận đấu đầu tiên khi đối đầu với Kitchee (Hong Kong) tại vòng sơ loại AFC Champions League 2017. Đến vòng 14 V.League, hậu vệ này có trận ra mắt tại V.League và lập kỉ lục trở thành cầu thủ trẻ nhất của CLB thi đấu ở giải VĐQG khi mới 18 tuổi, 2 tháng 7 ngày.
Chỉ trong vòng hơn 1 năm, Đoàn Văn Hậu gần như chạm tới được tất cả những vinh quang đáng mơ ước nhất trong sự nghiệp của một cầu thủ: tham dự U20 World Cup, Á quân U23 Châu Á, bán kết Asiad, vô địch V.League, vô địch AFF Cup, tứ kết Asian Cup; đồng thời thiết lập nên kỷ lục vô tiền khoáng hậu khi lên chơi cho 4 cấp độ đội tuyển khác nhau (U18 - U20 - U22 - ĐTQG) chỉ trong vòng 4 tháng.
Giờ đây, sau những màn trình diễn đẳng cấp trong thời gian qua, thông tin Văn Hậu được một CLB châu Âu để ý sẽ tiếp tục mở ra một hành trình mới để hậu vệ trẻ này tiếp tục chinh phục.
Tất nhiên, thực hư chuyện Austria Wien muốn mua Văn Hậu hay liệu có đúng mức giá được đặt lên bàn đám phán là 18 tỷ đồng sẽ cần chờ thời gian để có câu trả lời. Nhưng với tiềm năng dồi dào của một chàng trai trẻ tuổi mới đôi mươi, Đoàn Văn Hậu xứng đáng có được cơ hội thử sức tại một môi trường bóng đá có chất lượng cao hơn so với V.League. Đó là điều rõ ràng không cần phải bàn cãi.