Tuyệt đối không tự ý điều trị đau mắt đỏ

Hà Minh |

Hiện đang là đỉnh dịch đau mắt đỏ khi số người mắc bệnh xuất hiện tại nhiều tỉnh thành phố. Khoảng 50% số ca đến khám cơ sở chuyên khoa Mắt là bệnh nhân đau mắt đỏ. Bệnh nhân cần được các bác sĩ thăm khám để không nhầm lẫn giữa đau mắt đỏ và các nguyên nhân khác, tránh biến chứng đáng tiếc.

Tuyệt đối không tự ý điều trị đau mắt đỏ - Ảnh 1.

Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên khám cho bệnh nhân đau mắt đỏ

Bác sĩ, TS. Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam, cho biết năm nay, nguyên nhân chủ yếu gây dịch đau mắt đỏ là Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỉ lệ khác nhau tùy theo vùng dịch tễ. Với những người có biến chứng, bệnh lâu khỏi hơn bình thường, tuy chỉ chiếm khoảng 10-20%.

Tại Bệnh viện Mắt Hà Nội - Hà Nam mỗi ngày có khoảng 100 bệnh nhân đau mắt đỏ trong số 200 ca đến khám. Gần đây, Bệnh viện Mắt Trung ương ghi nhận trung bình khoảng 700 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám mỗi tuần. Riêng tuần qua, bệnh viện tiếp nhận 800 ca bệnh, trong đó có một số ca biến chứng. Các chuyên gia nhận định, thời gian này là đỉnh dịch, số ca mắc nhiều có thể sinh ra miễn dịch cộng đồng nên sắp tới dịch giảm dần. Điều khác biệt năm nay mà bác sĩ chuyên khoa 1 Vũ Quang Thiện, Hội Nhãn khoa Việt Nam, nhận thấy là một ngưởi có thể mắc 2 lần với 2 loại virus khác nhau trong 1 vụ dịch đau mắt đỏ. “Số biến chứng tăng do nhiều người mắc mọi người sử dụng chung đơn thuốc của nhau mà không có sự thăm khám, chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ Thiện nói.

Theo TS Nguyên, virus dễ thâm nhiễm vào tròng đen gây biến chứng viêm giác mạc. Xuất hiện đốm đục nên ánh sáng đi vào sẽ bị khúc xạ dẫn tới loá, mờ mắt. Bệnh dễ tái phát do độc tố của virus gây ra kéo dài 3-6 tháng, thậm chí cả năm.

TS Nguyên lưu ý: “Việc chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng khá dễ dàng. Tuy nhiên cần chú ý đến các nguyên nhân khác gây bệnh có triệu chứng gần tương tự nhưng lại có khả năng gây mù lòa. Điều này hay xảy ra đối với bệnh nhân tự chẩn đoán, tự mua thuốc điều trị mà không được khám bởi các bác sĩ chuyên khoa”.

Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus không chịu tác dụng của các loại kháng sinh. Tuy nhiên các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm. Các thuốc kháng viêm dạng corticoid có thể được xem xét để điều trị một số trường hợp cụ thể để điều trị các tình trạng viêm quá mức. “Tuy nhiên việc dùng các loại thuốc này phải được các bác sĩ kê đơn và được theo dõi cẩn thận, bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua để sử dụng vì thuốc có thể làm giảm miễn dịch của kết mạc, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như viêm loét giác mạc, làm bệnh tiến triển kéo dài… Mới đây một bệnh nhân 21 tuổi bị mù 2 mắt vì nhỏ thuốc chứa corticoid”, bác sĩ Thiện nói.

Dịch đau mắt đỏ bùng phát ở Nghệ An

Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An tiếp nhận từ 20-30 trẻ đến khám và điều trị bệnh đau mắt đỏ. Hơn 1 tháng qua, bệnh viện khám, điều trị cho hơn 1.000 bệnh nhi bị bệnh đau mắt đỏ.

Tại Bệnh viện Mắt Nghệ An, mỗi ngày có 100-120 bệnh nhân đến khám ngoại trú thì có tới 30-40 bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Thống kê của khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Nghệ An, từ ngày 18-21/9, có 168 bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám, chiếm 30% số bệnh nhân đến khám bệnh ngoại trú tại viện.

Thu Hiền

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại