Ngày nay, bạn có thể dễ dàng bắt gặp những loài chó du nhập như Pitbull hay Ngao Tây Tạng, Becgie... vì trào lưu nuôi thú cưng, bên cạnh đó những giống chó cỏ, H’mông cộc đuôi, Dingo Đông Dương... trong nước cũng khá hung dữ nếu gặp phải người lạ.
Nếu đang đi trên đường hay tới một nhà người thân chơi, có thể bạn đã từng bắt gặp trường hợp chú chó trở nên hung dữ, nhe răng, gầm gừ như muốn lao vào "xé xác" bạn ngay vậy! Bạn sẽ yên tâm khi có người chủ của chúng ở đó nhưng nếu chỉ có bạn và nó?
Lý giải lý do tấn công của chó
Làm gì để phòng vệ khi bị chó tấn công. Ảnh Internet.
Chó là loài vật thuần chủng được con người nuôi từ rất lâu, thế nhưng bản năng tự nhiên và hàm răng sắc bén vẫn là điều mà chúng ta e ngại.
Chuyên gia Mỹ cho hay hầu như loài chó nào cũng có thể tấn công bạn, vì mục đích nuôi chúng thường là để canh gác hay trợ thủ săn bắt nên một số loài chó khá hung dữ khi thấy người lạ đi vào lãnh địa của chủ nhân chúng.
Việc đột ngột chạm vào chúng hay trêu chọc cũng là hành động khiến chó trở nên dữ tợn. Ngoài ra nếu là chó mới đẻ con, bản năng người mẹ cũng khiến chúng hung hăng hơn nhằm bảo vệ con mình khi thấy người lạ,
Vậy nếu bị chó tấn công, chúng ta phải làm thế nào?
Đừng tìm cách chọc giận chó! Ảnh Internet.
1. Giữ bình tĩnh
Nếu bạn la hét, hoảng loạn, nó sẽ càng hung hăng vì cảm nhận được sự sợ hãi của "con mồi", cảm giác chiến thắng sẽ tăng sức hiếu chiến của chú chó. Nhiều người thường đá chó hay tìm vật gì xung quanh để ném, thậm chí dùng gậy để xua đuổi nhưng tác dụng thì gần như ngược lại.
Bạn sẽ bị nó cắn vào chân, khiêu khích sự hung hăng của nó hơn và điều tất nhiên là bạn sẽ khó mà dứt khỏi nó được.
2. Không tiếp xúc mắt trực tiếp
Đừng để chúng tấn công vùng cổ hay đùi của bạn. Ảnh Internet.
Không chỉ con người mới nhìn chằm chằm như "ăn tươi nuốt sống" người khác khi tức giận hay muốn gây chiến, động vật cũng giao tiếp bằng mắt như vậy. Nếu sợ hãi, chú chó sẽ lảng tránh cái nhìn của chủ hay con chó khác.
Nếu bạn tiếp xúc mắt với nó quá lâu, điều này sẽ khiến nó nghĩ rằng bạn muốn "sống chết" với nó và sẵn sàng cho một trận "giao chiến". Hành động khiêu khích này rõ ràng là không nên chút nào!
3. Rút lui an toàn
Đừng cố gắng chọc tức chú chó đang nhe răng gầm gừ chỉ chực lao vào bạn bằng cách di chuyển bất ngờ, đánh nó hoặc khua tay múa chân, ném đá... hay tệ hơn là quay người bỏ chạy.
Hãy đứng yên nhưng giữ tư thế đứng thẳng, giơ 2 tay vuông góc (nếu bạn không có thứ gì trong tay) như muốn cho nó biết bạn không có vũ khí gì trong tay, điều này cũng khiến nó cảm thấy bạn to lớn hơn mà không tấn công. Đừng quay lưng về phía nó mà hãy từ từ đi lùi lại.
Không nên đá vào chó. Ảnh Internet.
Bạn có thể cầm một chiếc gậy (nếu có) nhưng không phải để đánh nó, xua đuổi nó hay chỉ thẳng vào mặt nó, nó chỉ có tác dụng làm bạn to lớn hơn, "nguy hiểm" hơn.
Nếu có vật gì trong tay như quả bóng, hay viên đá... hãy làm cho chú chó xao lãng mục tiêu là bạn bằng cách ném những vật này sang một nơi khác rồi đi lùi lại.
Nếu nó chỉ có ý đe dọa thì hành động này sẽ phần nào làm dịu sự hung dữ của chúng. Nếu bạn đang ở "lãnh địa" của nó (chính là phạm vi của ngôi nhà) hay gần ổ của các con chó con, hãy tìm cách rút lui khỏi phạm vi này.
Việc đi lùi lại một cách thận trọng sẽ giúp nó bình tĩnh lại khi bạn rút lui.
Xem video:
Chuyên gia chia sẻ cách xử lý khi bị chó tấn công.
Nếu chú chó quá hung dữ và vẫn kiên quyết tấn công bạn?
Trong trường hợp xấu nhất, bạn cần... cho nó cắn!
Nhưng không phải bạn, mà là một vật khác như cây gậy hay quần áo, giày, cặp xách... Con chó đó sẽ bị xao nhãng khi cắn vào thứ gì đó, đủ để bạn có thời gian rút lui.
Sát trùng và tiêm phòng ngay sau đó. Ảnh Internet.
Tệ hơn nếu chúng lao vào tấn công bạn, hãy luôn bảo vệ mặt, ngực và cổ họng và động mạch ở đùi của bạn. Chúng sẽ tìm cách cắn vào động mạch chủ của con mồi ở cổ theo bản năng nên hãy bảo vệ cổ và mặt. Nắm tay lại như nắm đấm để tránh bị đứt ngón tay.
Hãy để chúng cắn ở phần cẳng chân, nếu là loài chó hung dữ, bạn cần tự vệ bằng cách tấn công vào mắt (như ném đất cát vào mắt nó) hay đá vào cổ họng, mũi hoặc gáy.
Cuối cùng hãy sơ cứu vết cắn bằng cách rửa nó với xà phòng, rồi nhanh chóng băng bó và đưa tới bệnh viện hay trạm y tế gần nhất để tiêm phòng kịp thời.