Muốn nấu món lẩu ngon thì điều quan trọng nhất là phải chế được nồi nước dùng thật đậm đà, ngon ngọt.
Cả nhà ngồi quây quần bên món lẩu nóng cùng ăn uống và trò chuyện thật ấm áp. Một nồi lẩu ngon thì nước dùng, nước nhúng lẩu phải ngon.
Để nấu món lẩu ngon như ý cần lưu ý những bí quyết nấu sau đây:
1. Chọn nguyên liệu hầm nước dùng để nấu món lẩu ngon
- Xương lợn chọn để làm nước lẩu thì phải là loại xương tươi. Không được chọn loại xương đã cũ, sẽ làm mất đi vị tươi ngon của nồi lẩu, cũng không nên chọn loại xương đầu vì xương đầu sẽ khiến nồi nước lẩu bị hôi. Tốt nhất bạn nên chọn loại xương đuôi vì nó vừa cho vị ngọt lại ít bọt. Nên chọn mua xương ở các cửa hàng bán thịt có uy tín, rõ nguồn gốc thịt, không chọn thịt xương đã có mùi hôi, hoặc màu nâu sẫm.
2. Chọn nguyên liệu phù hợp theo từng món lẩu:
Không phải cứ là món lẩu thì đều dùng một công thức nấu nước lẩu giống nhau. Mỗi loại nước dùng cần gia vị đặc trưng, do đó tùy từng loại nguyên liệu mà có gia vị phù hợp kèm theo.
–Với lẩu gà: nước lẩu gà nhất định không thể thiếu xương heo và xương gà, hành khô, gừng nướng, cây sả, dứa (thơm, khóm), cà chua.
–Với lẩu bò, vịt: với nước lẩu của món lẩu bò, vịt thì không thể thiếu gừng, hành tím nướng, sả cây. Hành và gừng nướng chín nhưng không cháy vỏ, có tác dụng làm nước lẩu trong và lên màu đẹp. Bạn cũng có thể thêm hoa hồi, quế và thảo quả vào nồi nước lẩu bò để tăng thêm mùi đặc trưng cho nồi lẩu.
–Với lẩu hải sản: phải có Gừng, sả, dứa (thơm, khóm), cần tây, sa tế. Đó là những nguyên liệu không thể thiếu trong nồi nẩu hải sản. Các nguyên liệu trên sẽ giúp nước lẩu có vị chua ngọt và át đi mùi tanh của hải sản.
– Với lẩu cua đồng: ngoài nước xương và nước thịt cua bạn chỉ cần thêm dấm bỗng, cà chua chưng, xào vàng để tạo độ thơm và vị chua ngọt cho nước dùng lẩu.
3. Cách nấu nước lẩu ngon:
Nếu muốn một nồi nước lẩu ngon, chất lượng thì bạn nhất định phải trần qua xương bằng nước sôi cho hết chất bẩn, mùi hôi rồi rửa sạch.
Đổ nước lạnh vào nồi xương và bật lửa to để đun sôi nhanh. Sau khi nồi nước xương sôi thì hạ nhỏ lửa, hớt bọt ra và tiếp tục đun liu riu đến khi nồi nước lẩu đã có vị ngon, ngọt.
–Với nước dùng cho lẩu gà và heo thời gian đun trong khoảng từ 3 - 4 giờ.
–Nước dùng lẩu bò thì cần ninh lâu hơn, Từ 8 đến 10 giờ (Nếu không có thời gian thì ninh tầm 4 – 5 giờ cũng được, cứ để lửa than riu riu, để thu được hết chất ngọt từ xương bò)
–Đặc biệt nước dùng hải sản không nên đun quá 40 phút để tránh bị đục và chua.
4. Cách khắc phục nước lẩu bị đục:
– Đập trứng gà lấy lòng trắng, đánh tan và cho vào nước dùng (lúc nước dùng còn đang nguội), đặt nồi nước lẩu lên bếp vừa đun vừa khuấy đều cho các vẩn đục bám hết vào trứng và vớt ra.
–Băm thịt (nước dùng gì thì băm thịt ấy), trộn lòng trắng trứng, nấm hương cho vào nước dùng nguội sẽ làm nước dùng vừa trong vừa ngon hơn.
–Nếu nấu nước lẩu gà bị đục, cho tiếp xương gà vào và đun cũng làm nước trong và ngon hơn.
Những mẹo trên đây có thể giúp bạn sẽ nấu được những nồi lẩu thơm ngon cho gia đình cùng thưởng thức.