Tuyển Việt Nam "câu giờ" gây tranh cãi và sự thật phũ phàng ẩn giấu tại các giải châu Á

Linh Đan |

Không phải đến bây giờ, chuyện U17 Việt Nam, U17 Indonesia… chủ động giữ tỉ số hòa ở lượt cuối mới gây tranh cãi. Điều này vốn đã xảy ra từ rất lâu ở vòng loại các giải trẻ châu Á.

U17 VIỆT NAM GÂY TRANH CÃI, KHÁN GIẢ BỎ VỀ

Phút 70 tại sân Việt Trì tối qua (27/10), nhiều khán giả Việt Nam đứng dậy bỏ về. Không ít người thậm chí còn phản ứng gay gắt hơn, liên tục hét lớn chỉ trích U17 Việt Nam không tổ chức tấn công mà lại chọn lối đá an toàn.

Trên mạng xã hội sau đó cũng nổ ra cuộc tranh cãi lớn. Một luồng dư luận chỉ trích dữ dội khi chứng kiến U17 Việt Nam và U17 Yemen chủ động chơi chậm trong hiệp 2, qua đó bảo toàn tỉ số hòa 1-1; trong khi đó, luồng ý kiến ngược lại bày tỏ sự ủng hộ, nhấn mạnh đây là lựa chọn phù hợp để U17 Việt Nam có cơ hội giành vé dự vòng chung kết, thay vì chơi mạo hiểm để rồi bị loại.

 - Ảnh 1.

U17 Việt Nam bỗng nhiên trở thành tâm điểm tranh cãi. (Ảnh: TH)

Trên thực tế, tại vòng loại U17 châu Á 2025, trận hòa 0-0 giữa U17 Indonesia và U17 Australia thậm chí còn gây tranh cãi hơn.

Trong khi U17 Việt Nam và U17 Yemen vẫn tạo ra 45 phút đầu tiên đôi công hấp dẫn, thì cặp đấu ở bảng G lại diễn ra nhàm chán ngay từ hiệp 1. Cả U17 Indonesia và U17 Australia đều không mặn mà tấn công. Thậm chí khi 4 hậu vệ Australia chuyền bóng qua lại ở sân nhà, các cầu thủ Indonesia cũng chẳng buồn lao lên tranh chấp.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao những trận đấu kiểu như vậy đã, đang và gần như chắc chắn sẽ còn diễn tại các vòng loại giải trẻ châu Á?

 - Ảnh 2.

Thầy trò HLV Roland có đáng bị chỉ trích? (Ảnh: TH)

VÌ ĐÂU NÊN NỖI?

Để trả lời cho câu hỏi trên thực ra không khó. LĐBĐ châu Á (AFC) lâu nay vẫn duy trì việc tổ chức vòng loại các giải U17, U20, U23 châu Á theo thể thức mỗi bảng đấu đăng cai tại 1 địa điểm. Ngoài các suất giành cho đội nhất bảng, sẽ có thêm các suất dự vòng chung kết dành cho những đội nhì bảng xuất sắc nhất. Điều này dẫn đến việc các đội bóng không chỉ cạnh tranh với nhau trong bảng của mình mà còn phải “nghe ngóng” kết quả ở các bảng đấu khác.

Về lý thuyết, để đảm bảo công bằng, những trận đấu ở lượt cuối đáng ra phải được tổ chức cùng giờ. Tuy nhiên do các bảng đấu diễn ra ở nhiều quốc gia khác nhau, trải dài trên nhiều múi giờ từ Tây Á sang Đông Á nên việc này không dễ để thực hiện.

 - Ảnh 3.

U17 Việt Nam trải qua 3 trận đấu khó khăn tại vòng loại giải U17 châu Á 2025. (Ảnh: TH)

Cuối cùng, mọi thứ dẫn đến hệ quả ở một số bảng đấu được thi đấu sau, do đã biết trước cục diện ở những bảng còn lại nên các đội đều có tính toán riêng của mình. Ví dụ như trường hợp của U17 Indonesia và U17 Australia, với hiệu số bàn thắng không cao, một trận thua ở lượt cuối chắc chắn sẽ khiến họ bị loại. Bởi vậy, không đội nào mạo hiểm dâng cao và cuối cùng trận đấu kết thúc với tỉ số hòa 0-0, kết quả đủ để giúp cả hai cùng giành vé đi tiếp.

Điều này có phần khắc nghiệt với những bảng đấu diễn ra trước. Tuy nhiên câu chuyện như trên vốn dĩ không mới với bóng đá châu Á. Đặc biệt với các bảng đấu diễn ra ở Tây Á, việc được thi đấu sau càng giúp những đội bóng có cơ hội để tính toán.

“Tôi muốn cảm ơn các khán giả đã đến cổ vũ cho U17 Việt Nam. Trận nào ở giải này CĐV cũng đến rất đông. Tôi đánh giá các cầu thủ của mình đã rất thông minh, biết cách xử lý trận đấu, biết phải làm gì để đạt được mục tiêu dự VCK U17 châu Á. Tôi cảm nhận được tình cảm của khán giả dành cho đội bóng và tôi thực sự trân trọng điều đó”, HLV Cristiano Roland khéo léo trả lời về việc U17 Việt Nam bị khán giả la ó ở hiệp 2 trận đấu với U17 Yemen.

 - Ảnh 4.

Bảng xếp hạng các đội nhì bảng tại vòng loại U17 châu Á 2025. Nếu để thua U17 Yemen vào tối qua, U17 Việt Nam chắc chắn sẽ bị loại.

VẾT GỢN NGAY Ở WORLD CUP

Trong quá khứ, trận đấu giữa Tây Đức và Áo tại World Cup 1982 đã khiến FIFA phải thay đổi cách tổ chức giải. Khi ấy, tỉ số 1-0 cho Tây Đức giúp cả hai đội đều giành vé đi tiếp, còn tuyển Algeria (đã thi đấu xong từ ngày hôm trước) bị loại vì hiệu số kém hơn.

Kết quả là sau bàn mở tỉ số ở phút thứ 10, các cầu thủ Tây Đức và Áo đều giảm nhịp độ trận đấu, không tấn công và chỉ chuyền qua lại. Điều này khiến dư luận phẫn nộ. Thậm chí ngay trên sóng truyền hình, những bình luận viên của Tây Đức và Áo còn dừng bình luận và khuyến nghị khán giả nên tắt TV thay vì tiếp tục theo dõi.

Cuối cùng, cả hai đội tuyển trên đều vượt qua vòng bảng World Cup 1982, bất sự phản đối của tuyển Algeria. FIFA sau đó khẳng định trận đấu này không vi phạm bất cứ quy tắc bóng đá nào, tuy nhiên tổ chức này cũng buộc phải điều chỉnh để tránh tình trạng tương tự tái diễn. Kể từ World Cup 1986 tới nay, tất cả các trận đấu ở lượt cuối đều được diễn ra cùng giờ đảm bảo công bằng.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại