Dịch bệnh khiến nhiều kế hoạch của bóng đá Việt Nam phải hoãn lại trong năm 2021. V.League tạm dừng ảnh hưởng trực tiếp đến đội tuyển Việt Nam.
Các cầu thủ không được thi đấu thường xuyên làm ảnh hưởng đến cảm giác chơi bóng, suy giảm phản xạ với các tình huống trong một trận cầu 90 phút. Bên cạnh đó, HLV không có điều kiện đánh giá các nhân tố cũ, kiểm tra các nhân tố mới.
Đội tuyển Việt Nam sẽ giữ nguyên bộ khung ở vòng loại thứ 2 ở UAE khi gặp Saudi Arabia và Australia (Ảnh: VFF)
Không những thế, các hoạt động thể thao phải tạm dừng vì dịch bệnh khiến việc tập luyện của hầu hết thành viên đội tuyển bị gián đoạn. Nhiều cầu thủ thi đấu ở UAE kết thúc cách ly đầu tháng 7 cũng có gần 1 tháng không tập luyện đầy đủ.
Trái ngược với đội tuyển Việt Nam, 5 đối thủ còn lại ở bảng B thuận lợi hơn về giải vô địch quốc gia.
Pro League của Saudi Arabia vừa diễn ra. J.League 1 của Nhật Bản vẫn đang thi đấu đều đặn hàng tuần. CSL của Trung Quốc chuẩn bị kết thúc giai đoạn 1 thi đấu liên tục 23 ngày qua. Trong khi đó, Omantel League của Oman và A-League của Australia lần lượt khởi tranh vào ngày 16/10 và 29/10. Các cầu thủ đều được tập luyện cùng CLB đã là thuận lợi hơn đồng nghiệp phía Việt Nam.
Khó khăn thứ hai là thiếu "quân xanh" đá giao hữu. HLV Park Hang-seo một lần nữa sẽ phải xếp đội tuyển đá với đàn em U22 Việt Nam. VFF cũng đang tích cực tìm một đối thủ để đá giao hữu khi sang Saudi Arabia. Không có những trận đấu sẽ không lộ ra những vấn đề, không có cơ hội thử nghiệm những chiến thuật, lối chơi với đối thủ chính thức.
Khó khăn thứ ba của đội tuyển Việt Nam nằm ở bộ khung thi đấu. Với danh sách hiện tại, HLV Park Hang-seo gần như chắc chắn giữ nguyên nhóm cầu thủ vừa thi đấu vòng loại thứ 2 World Cup 2022 ở UAE. Ông bổ sung thêm một số nhân tố mới toanh là trung vệ Văn Thiết, tiền vệ Tiến Anh, Tuấn Hải, tiền đạo Tuấn Tài. Tuy nhiên, cả 4 chưa phải nhân tố đặc biệt có đặc điểm vượt trội so với những người cũ.
HLV Park Hang-seo cần thêm một cầu thủ như Hùng Dũng hay Tuấn Anh. Một người chạy không biết mệt mỏi ở trung tuyến, sẵn sàng đeo bám đối phương quyết liệt, phòng ngự tốt, biết chuyển trạng thái nhanh. Những điều ấy là của riêng Hùng Dũng, Tuấn Anh và không tìm thấy đầy đủ ở bất kỳ tiền vệ nào trên tuyển thời điểm này.
Chiến thuật, con người của đội tuyển Việt Nam giờ không còn là bí mật có thể gây bất ngờ với những đối thủ ở châu lục. Trận thua 2-3 trước UAE là cơ hội để các đối thủ nhìn rõ hơn điểm yếu ở trung tuyến hay khả năng pressing tầm cao, phòng ngự từ xa,…
Đội tuyển Việt Nam dù muốn nhưng khó chơi ăn miếng trả miếng với những đối thủ ở đẳng cấp cao. Diễn biến như ở trận gặp UAE sẽ lặp lại. Phòng ngự sơ hở không được tồn tại trong khi phản công phải trui rèn sắc bén hơn.
Thời gian tập trung dài giờ không còn là lợi thế với HLV Park Hang-seo khi trước mắt là những đối thủ trong top 10 châu Á (Ảnh: VFF)
Khó khăn thứ tư của đội tuyển là chuyện di chuyển. Theo thông tin mới nhất, đội sẽ phải bay sang Saudi Arabia bằng chuyến bay thương mại, quá cảnh ở Qatar với tổng thời gian di chuyển gần 17 giờ đồng hồ. Nếu có chuyên cơ riêng bay thẳng thì con số chỉ rơi vào khoảng 7-8 giờ đồng hồ.
Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến hãng bay quen thuộc không được cơ quan chức năng cấp phép chiều đi và chiều về cũng bỏ ngỏ. Lợi thế với đối thủ Australia gần như không tồn tại ở trận đấu ngày 7/9, trên SVĐ Mỹ Đình khó đón khán giả.
Lợi thế hiếm hoi của đội tuyển Việt Nam là chuyện giữ được quyền tổ chức các trận đấu trên sân nhà. Ngoài ra, các cầu thủ có thời gian tập luyện lâu với nhau tạo sự gắn kết, nhuần nhuyễn hơn chiến thuật mà ban huấn luyện mong muốn.
Với những đội tuyển lớn như Saudi Arabia, Australia, Nhật Bản, họ thường tập rất sát với lịch FIFA days. Các HLV thường có vài ngày chuẩn bị thay vì cả tháng như HLV Park.
Đội tuyển Trung Quốc là trường hợp đặc biệt. Họ sẽ hội quân sớm từ giữa tháng 8 và giống như tuyển Việt Nam, giành cả tháng 9, 10, 11 chuẩn bị cho vòng loại thứ 3 trước khi giải VĐQG trở lại.
Lịch thi đấu của đội tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (Đồ họa: Phúc Phạm)