Thời điểm này học sinh lớp 9, phụ huynh có con năm nay thi vượt cấp nóng lòng chờ đợi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2024-2025. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, trước đó đã trình phương án lên UBND thành phố Hà Nội và dự kiến trong tuần này được phê duyệt. Ngay sau đó, đơn vị sẽ công bố cho học sinh, phụ huynh được biết.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, số lượng học sinh của thành phố năm sau luôn tăng cao hơn năm trước. Năm học 2023-2024 có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, chuẩn bị vào THPT (số này năm ngoái là 129.000 em). Năm nay Hà Nội cố gắng tăng tỉ lệ học sinh vào lớp 10 THPT công lập. “Cụ thể, ngành đã báo cáo với UBND Thành phố và được quan tâm, bố trí kinh phí xây dựng thêm các trường công lập mới, đảm bảo chỗ học cho học sinh. Riêng các trường THPT công lập năm nay dự kiến sẽ tuyển hơn 61% học sinh lên lớp 10 THPT (năm ngoái 60,9%)”, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra, để có căn cứ giao chỉ tiêu tuyển sinh cho các trường tư thục trong mùa tuyển sinh năm học tới, Sở GD&ĐT Hà Nội đã kiểm tra các điều kiện hoạt động. Đơn vị sẽ căn cứ cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… để giao chỉ tiêu tuyển sinh. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người học, Hà Nội kiên quyết không giao chỉ tiêu cho các nhà trường đang vi phạm các quy định như chưa đảm bảo an toàn về phòng học, thuê địa điểm không phù hợp…
Năm ngoái, Hà Nội có khoảng 129.000 học sinh tốt nghiệp THCS, trong đó các trường THPT công lập tuyển 60,9% học sinh gồm: 78.000 em vào trường THPT công lập; 4 trường THPT chuyên tuyển gần 2.500 em; 9 trường công lập tự chủ tài chính tuyển gần 3.700 em; 4 trường hiệp quản tuyển gần 2.000 em; trường tư thục tuyển khoảng 30.000 em (khoảng 23%), số còn lại học nghề.
Học sinh đứng trước nhiều ngã rẽ
Kỳ thi vượt cấp từ bậc THCS lên THPT công lập tại Thủ đô năm nào cũng nóng rẫy bởi có số lượng học sinh đăng ký dự thi rất lớn nhưng chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế. Nhiều gia đình hiện nay sẵn sàng dành số tiền lớn để đầu tư cho giáo dục nên không ngần ngại khi cho con học trường quốc tế, trường tư thục với mức học phí không hề rẻ. Tuy nhiên, những trường tư thục chất lượng tốt cũng có phương thức tuyển sinh chặt chẽ nhằm tuyển học sinh có chất lượng tốt, đảm bảo đầu ra nên cũng là “khe cửa hẹp” đối với nhiều em dù gia đình có điều kiện nhưng năng lực chưa tốt. Số còn lại, chính phụ huynh cũng trăn trở nhiều vấn đề liên quan đến mức học phí, cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, môi trường học tập…
Đại diện Trường THPT Hà Đông, quận Hà Đông (Hà Nội) cho biết, những năm trước trường tuyển sinh đầu vào lớp 10 bằng 2 phương án là xét tuyển học bạ và căn cứ điểm thi tuyển của Sở GD&ĐT. Sau quá trình đào tạo cho thấy, phương án tuyển sinh bằng học bạ, chất lượng không đảm bảo. Nhiều em không có ý thức học tập nên bài toán thúc đẩy chất lượng ở bậc THPT rất nan giải đối với nhà trường. Do đó, từ năm học tới, trường sẽ thay đổi phương thức tuyển sinh đó là chỉ lấy điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Nội làm căn cứ tuyển sinh, nhằm tuyển được học sinh có chất lượng.
Ông Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Hội đồng hệ thống Trường Marie Curie Hà Nội cũng nói, năm nay đơn vị xây mới, đưa vào hoạt động thêm một trường liên cấp tại quận Long Biên, trong đó đối với lớp 10 sẽ chỉ tuyển sinh theo điểm thi của kỳ thi chung do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức. Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với ít nhất là 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ đảm bảo đánh giá đúng trình độ, năng lực học sinh, là căn cứ tin cậy để các trường tuyển sinh.
Trong khi đó, tỉ lệ học sinh học hết lớp 9 chọn hướng học nghề hiện nay tại Hà Nội rất thấp. Theo các phòng GD&ĐT, con số này chỉ dừng lại ở mức khiêm tốn từ 5-15% tùy từng trường. Nhiều phụ huynh có mong muốn cho con học tiếp bậc THPT, không muốn cho con học nghề từ sớm.
Ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phân luồng giúp học sinh có nhiều sự lựa chọn hơn tiếp tục học tập theo các chương trình giáo dục khác nhau hoặc tham gia vào thị trường lao động; góp phần cung ứng nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu xã hội, tạo cơ hội được học tập suốt đời. Thực tế cho thấy, thực hiện chủ trương này, nhiều học sinh đã phát triển theo năng lực và khả năng tài chính của gia đình, có em theo học lên THPT, có em theo học nghề, trong số đó nhiều em đã phát triển rất tốt sau khi đi học nghề. Theo ông Sỹ, việc phân luồng học sinh hiện nay không nên thực hiện bằng các giải pháp quản lý hành chính thuần túy, cào bằng, giao chỉ tiêu về các địa phương, mà cần xuất phát từ nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tại của người học, của điều kiện kinh tế - xã hội, định hướng đóng góp về nhân lực của ngành giáo dục địa phương đó đối với sự phát triển của đất nước ra sao”, ông nói.