Tuyển sinh đại học 2023: Thí sinh hồi hộp chờ 'lọc ảo'

THU HƯƠNG |

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh sẽ nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Thí sinh đăng ký bao nhiêu nguyện vọng sẽ phải nộp đủ lệ phí của bấy nhiêu nguyện vọng. Nếu không hoàn tất việc này, các nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh sẽ không được chấp nhận.

Tuyển sinh đại học 2023: Thí sinh hồi hộp chờ lọc ảo - Ảnh 1.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Có thí sinh đăng ký hơn 100 nguyện vọng

Thông tin từ Bộ GDĐT, tính hết 17 giờ ngày 27/7, hệ thống tuyển sinh chung của bộ có gần 600.000 thí sinh hoàn thành đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, với tổng số 2,9 triệu nguyện vọng trên hệ thống. Trung bình mỗi thí sinh đăng ký khoảng gần 5 nguyện vọng xét tuyển vào đại học (ĐH) trên cả nước.

Theo bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), trong số những thí sinh đã đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ, có hàng chục nghìn thí sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng. Trong khi có những thí sinh đã đăng ký 100 nguyện vọng. Sau thời hạn 17 giờ ngày 30/7, thí sinh không thể chỉnh sửa, thay đổi thứ tự ưu tiên các nguyện vọng, bổ sung thêm nguyện vọng. Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học theo hình thức trực tuyến, chia thành 6 đợt, tùy từng tỉnh, thành.

Tương tự năm ngoái, Bộ GDĐT phối hợp với Văn phòng Chính phủ chuẩn bị hạ tầng kết nối và thanh toán trực tuyến lệ phí đăng ký xét tuyển vào ĐH thông qua Cổng dịch vụ công Quốc gia. Sau khi thí sinh hoàn thành đăng ký và nộp lệ phí xét tuyển, Bộ GDĐT sẽ thực hiện nhiều lần lọc ảo. Điểm chuẩn ĐH được công bố trước 17 giờ ngày 22/8.

Lọc ảo không giống như quay xổ số

Mùa tuyển sinh 2022, một số trường ĐH đã ghi nhận hàng loạt phản ánh liên quan tới việc thí sinh đủ điểm chuẩn được nhà trường công bố nhưng hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT báo trượt. Ngược lại, cũng có trường hợp thí sinh trượt thành đỗ trong quá trình lọc ảo. Đơn cử, nhiều thí sinh xét tuyển vào Trường ĐH Văn hóa TPHCM năm 2022 phản ánh, dù đủ điểm trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ nhưng vẫn bị báo trượt. Mặc dù sau đó các trường cũng như Bộ đã có rà soát đảm bảo quyền lợi của thí sinh nhưng vẫn gây tâm lý lo lắng cho các sĩ tử.

Một trong những lo lắng của nhiều thí sinh và gia đình đó là kết quả lọc ảo có chính xác hay không? Năm nay, thí sinh chỉ cần đăng ký nguyện vọng và các minh chứng cần thiết, không đăng ký phương thức xét tuyển nên dù đã trúng tuyển sớm nhưng thí sinh vẫn không yên tâm khi xét tuyển đã đỗ, liệu lọc ảo có trượt? Trong khi đó một số thí sính băn khoăn trường ĐH có sự phân biệt nào giữa nguyện vọng 1 và nguyện vọng tiếp theo?

Lãnh đạo Vụ Giáo dục ĐH khẳng định, không có trường nào được bắt buộc thí sinh phải đặt nguyện vọng 1 với các trường hợp trúng tuyển bằng xét tuyển sớm. Thí sinh thấy phù hợp với ngành, trường nào thì xếp lên trước. Hệ thống xét tuyển khi chạy lọc ảo sẽ chỉ cho phép thí sinh trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất, nên nếu đủ điều kiện trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng ở đó không xét tiếp.

“Thứ tự ưu tiên nguyện vọng chỉ có ý nghĩa với thí sinh, còn các trường sẽ xét đồng thời các nguyện vọng bình đẳng như nhau theo nguyên tắc xét điểm từ trên xuống cho tới hết chỉ tiêu. Vì thế thí sinh không lo nguyện vọng mình chắc chắn đỗ xếp ở cuối thì bị lép vế so với thí sinh xếp ở đầu tiên. Trong trường hợp nếu thí sinh không đỗ tất cả các nguyện vọng xếp trước đó thì chắc chắn thí sinh sẽ trúng tuyển với nguyện vọng xét tuyển sớm đã được trường thông báo” - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết.

Thí sinh lưu ý tránh bẫy lừa đảo

Trong thời gian chờ Bộ GDĐT lọc ảo, các trường công bố điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) chính thức của các phương thức xét tuyển liên quan tới kết quả thi tốt nghiệp THPT 2023, nhiều thí sinh nhận được những lời mời lôi kéo tham gia các hội nhóm nhằm mục đích lừa đảo. Ngô Trung Quang Anh (huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, ngay trong buổi cuối cùng thi tốt nghiệp THPT 2023, tại điểm thi Trường THCS Văn Điển (Thanh Trì, Hà Nội), em và các bạn đã nhận được nhiều tờ rơi, quảng cáo giới thiệu vào các trường cao đẳng, trung cấp cũng như từ các trung tâm tư vấn du học…

Sau đó, trong thời gian lên mạng tìm hiểu về các trường để đăng ký nguyện vọng, em cũng nhận được lời mời vào các nhóm trò chuyện (chat) qua Zalo, Facebook từ những tải khoản có tên gọi giống với nhiều trường ĐH. Khi tham gia vào, em được giới thiệu các khóa học tiếng Anh đầu vào miễn phí, giới thiệu việc làm, học ngoại ngữ để du học... nhưng khi tìm hiểu kỹ thì biết đây không phải là fanpage chính thức của trường.

Vừa qua Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM) đã phát đi cảnh báo về việc tham gia các hội nhóm tân sinh viên tự phát đến phụ huynh và thí sinh trên trang Facebook của trường, với nội dung: “Sau khi có kết quả của hai phương thức xét tuyển sớm của nhà trường, trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Zalo bắt đầu xuất hiện một số hội nhóm không chính thống dành cho các tân sinh viên khóa 2023. Trường xin thông báo hiện nhà trường không tạo bất cứ Fanpage, group Facebook, group Zalo chính thức nào cho tất cả các khóa, đặc biệt là cho tân sinh viên khóa 2023. Quý phụ huynh và các bạn học sinh cần hết sức cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm tự phát trên mạng xã hội và hạn chế cung cấp các thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ... để tránh trường hợp đáng tiếc”.

Ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông (Trường ĐH Công thương TPHCM) khuyến cáo, các thí sinh và ngay cả sinh viên của trường, phải hết sức cảnh giác trước những thông tin mạo danh nhà trường để dụ dỗ tham gia các hội nhóm, việc làm, học thêm… để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai, không chuyển tiền học phí hay bất kỳ khoản phí nào cho các nhóm này…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại