Chất lượng đào tạo có “thật” như điểm học bạ?
Trường ĐH Văn hóa Hà Nội công bố điểm chuẩn xét kết quả học bạ trong mùa tuyển sinh 2022 đã gây bất ngờ khi có 3 ngành điểm chuẩn là 30,50/30 điểm đối với tổ hợp C00 gồm Báo chí, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Luật. Mức điểm này với thí sinh khu vực 3 không có giải học sinh giỏi quốc gia, cấp tỉnh và chứng chỉ quốc tế sẽ không có cơ hội trúng tuyển. So với năm 2021, điểm chuẩn của 3 ngành này tăng từ 1,75 đến 3,75 điểm.
Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế, năm nay có điểm chuẩn xét học bạ dao động từ 23 đến 27 điểm. Trong đó, một số ngành điểm tăng rất nhiều như ngành Sư phạm Hóa học tăng 8 điểm so với năm 2021 từ 18 điểm lên 26,5 điểm; ngành Vật lý từ 18 tăng lên 25,5 điểm; ngành Sư phạm Sinh học tăng từ 18 lên 23 điểm.
Ngành Hóa học của Trường ĐH Cần Thơ đã tăng dần đều với phương thức xét học bạ từ 19,5 điểm năm 2020 lên 21,5 điểm năm 2021 và lên 26,5 điểm năm 2022.
Điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển học bạ vào các ngành của Trường ĐH Thủy lợi năm nay cũng đều tăng ít nhất 1 điểm. Đặc biệt một số ngành mới mở năm nay của trường cũng có điểm chuẩn từ 25 - 26 điểm như Luật, An ninh mạng, Tài chính - Ngân hàng…
Điểm chuẩn xét học bạ của Học viện Ngân hàng cũng tăng lên đáng kể so với năm 2021. Trong đó có một số ngành tăng 1 điểm, và ngành tăng ít nhất là 0,25 điểm.
Theo lý giải của TS Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân, điểm chuẩn học bạ tăng xuất phát từ việc chỉ tiêu dành cho phương thức này của các trường giảm. Năm nay, các trường tăng chỉ tiêu cho phương xét kết quả thi đánh giá năng lực của hai ĐH Quốc gia và kết quả kỳ thi đánh giá tư duy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.
Tuy nhiên, thực tế không chỉ xuất phát từ nguyên nhân khách quan này.
Việc đánh giá học sinh chưa “đều tay” giữa các trường THPT chắc chắn có tồn tại, nhất là mấy năm nay, các trường ĐH có chủ trương xét kết quả học bạ để tuyển sinh. Không phải ngẫu nhiên Trường ĐH Nha Trang chỉ xét học bạ duy nhất một lần vào năm 2018. Từ đó đến nay, Trường ĐH Nha Trang không sử dụng lại phương thức xét tuyển này. Nguyên nhân được nhà trường lý giải do kết quả học tập bậc ĐH trong hai học kỳ đầu của những sinh viên trúng tuyển bằng điểm học bạ lại rất thấp, ngược với kết quả xét đầu vào.
Tìm thêm bộ lọc
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân vừa công bố điểm chuẩn đối với phương thức xét tuyển kết hợp cho 3 đối tượng thí sinh: xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực của 2 ĐH Quốc gia; Xét chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế; xét chứng chỉ ACT, SAT.
Trong đó, điểm trúng tuyển ngành cao nhất là 28,3 điểm. Năm 2022, trường đã bỏ phương thức xét tuyển học bạ kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT 2 môn trong tổ hợp xét tuyển của trường dành cho học sinh trường THPT nói chung; năm nay, trường chỉ xét đối tượng học sinh trường chuyên.
Ở phương thức xét tuyển tài năng dành cho đối tượng xét học bạ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội còn tổ chức thêm bài phỏng vấn để chọn thí sinh.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có sử dụng phương thức xét tuyển điểm học bạ kết hợp các điều kiện và tiêu chí khác như ưu tiên xét tuyển học sinh trường THPT chuyên, trường top, ngoài điều kiện học bạ còn có bài luận. Trong đó, Trường ĐH Kinh tế - Luật xét điểm bài luận trước, sau đó mới tới điểm học bạ của thí sinh.
Đây là các bước sàng lọc để chọn được thí sinh có động cơ và sự phù hợp với ngành học chứ không chỉ căn cứ vào kết quả học tập bậc phổ thông. Điều này dẫn đến có một số thí sinh điểm học bạ rất cao nhưng vẫn trượt do điểm bài luận không đạt.
Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm điểm trung bình học bạ của học sinh cả nước tăng khoảng 2%. Nguyên tắc xét tuyển đại học bằng học bạ theo cách lấy từ cao xuống thấp tưởng chừng công bằng nhưng đó là phương thức chạy theo số lượng bởi kết quả học tập bậc phổ thông ở nhiều nơi nhiều khi chưa phản ánh đúng thực lực học sinh.