Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ dài chưa đến 80km nhưng có tới 34 cây cầu và hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam

Thái Hà |

Đây là tuyến cao tốc được mong chờ thông xe nhất trong năm 2024 để quãng đường đi từ TP Hồ Chí Minh tới Nha Trang sẽ thông suốt.

Tuyến cao tốc xây dựng trên địa hình phức tạp

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 1 trong 3 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được thực hiện theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Dự án có chiều dài 78,5km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 thực hiện. 

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.925 tỉ đồng, thời gian thực hiện 24 tháng; riêng hạng mục hầm núi Vung dài 2,25 km thông qua 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận có thời gian thực hiện là 30 tháng.

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ dài chưa đến 80km nhưng có tới 34 cây cầu và hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam- Ảnh 1.
Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ dài chưa đến 80km nhưng có tới 34 cây cầu và hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam- Ảnh 2.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo trước ngày thông xe. Ảnh: Đèo Cả Group

Những ngày này, công tác thi công đang tăng tốc trên đoạn tuyến cuối Cam Lâm - Vĩnh Hảo để kịp thời đi vào hoạt động trước ngày 30/4 năm nay. Hầm Núi Vung, phần công trình dài 2,2 km, là hạng mục lớn và phức tạp nhất của dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo cũng đang hoàn thành những khâu công việc cuối cùng để kịp thông xe vào ngày 30/4.

Điểm đầu của tuyến cao tốc này thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nối tiếp với đường cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, theo hướng từ Nam ra Bắc. Toàn tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam, với tốc độ tối đa cho phép là 90km/h.

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nằm phần lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, xuyên qua những cánh đồng điện gió và điện mặt trời tạo lên những khung cảnh vô cùng ấn tượng dọc đường đi.

Tuyến đường này là một trong những tuyến xây dựng trên địa hình phức tạp, có nhiều cầu cạn vượt thung lũng. Trong đó, cầu số 3 (Km60) có độ tĩnh không 47,5m, là cầu cạn vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận.

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ dài chưa đến 80km nhưng có tới 34 cây cầu và hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam- Ảnh 3.

Những công tác thi công sau cuối trên tuyến cao tốc. Ảnh: Đèo Cả Group

Trên tuyến có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và 1 cầu trên đường kết nối cao tốc với QL1 tại nút giao Du Long. Tại các nút giao, hệ thống chiếu sáng đã hoàn thiện. Tất cả các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều cũng được hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Hiện tại, biển báo và biển chỉ dẫn đã được lắp đặt xong, tại một vài điểm công nhân đang hoàn thiện biển bảng trên tuyến. Tận dụng ưu điểm thời tiết nắng nhiều của Ninh Thuận, các cụm thiết bị ITS và camera dọc tuyến được vận hành bằng năng lượng mặt trời, qua đó tiết kiệm điện năng tiêu thụ, tiết giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Cam Lâm – Vĩnh Hảo là tuyến cao tốc đang được mong chờ thông xe nhất trong năm 2024. Với việc đưa vào hoạt động, đường đi từ TP Hồ Chí Minh tới Nha Trang sẽ có cao tốc xuyên suốt, thời gian di chuyển khoảng 4-5 giờ đồng hồ, giảm được một nửa so với di chuyển bằng quốc lộ 1A, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của các tỉnh có tuyến đường đi qua.

Hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam

Hầm núi Vung thuốc cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo dài 2,25km, gồm 2 ống hầm mỗi ống 3 làn xe, bề rộng hầm 14m. Đây là hầm dài thứ 4 cả nước sau các hầm Hải Vân, Đèo Cả, Cù Mông và là hầm dài nhất trên tuyến cao tốc Bắc Nam. Hạng mục hầm Núi Vung có tổng vốn đầu tư khoảng 1.600 tỷ đồng.

Hầm núi Vung được xây dựng bằng công nghệ NATM của Áo, còn được gọi là "Phương pháp gia cố hầm theo phong cách Áo mới". Công nghệ này được các chuyên gia đánh giá cao vì sự linh hoạt và an toàn khi áp dụng vào các loại hình địa chất khác nhau, ưu việt hơn phương pháp đào hầm truyền thống.

Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ dài chưa đến 80km nhưng có tới 34 cây cầu và hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam- Ảnh 4.
Tuyến cao tốc gần 9.000 tỷ dài chưa đến 80km nhưng có tới 34 cây cầu và hầm xuyên núi hàng đầu Việt Nam- Ảnh 5.

Bên trong hầm Núi Vung. Ảnh: Đèo Cả Group

Giai đoạn 1 sau khi thông xe sẽ chỉ sử dụng nhánh hầm bên phải, hầm bên trái sẽ sử dụng vào mục đích thoát hiểm và cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp. Hầm núi Vung đã được thông từ tháng 8/2023, hiện tại các hạng mục áo vỏ hầm, bê tông mặt đường đều đã hoàn thiện 100%.

Cầu cạn phía Nam hầm Núi Vung khi thông xe sẽ kết nối ranh giới hai tỉnh Ninh Thuận - Bình Thuận, từ đây đi thêm 12km sẽ đến điểm kết nối vào cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết.

Công nghệ NATM cũng đã được sử dụng để thi công thành công các hầm qua núi như Đèo Cả, Cổ Mã, Cù Mông, Hải Vân, Thung Thi và hầm đường bao biển Quảng Ninh. NATM là phương pháp xây dựng ngầm phổ biến toàn cầu, nổi bật với những đột phá trong công nghệ bê tông phun.

Phương pháp NATM khai thác tối ưu các ưu điểm về khả năng tự chống đỡ của địa hình, được đánh giá là một trong những kỹ thuật kinh tế và hiệu quả nhất trong việc xây dựng hầm. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu chi phí về vật liệu, nhân công và rút ngắn tiến độ dự án.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại