Không phải lần đầu
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố, việc thực hiện kế hoạch mở rộng chủ quyền đối với một phần của Bờ Tây sẽ bắt đầu từ ngày 1/7 tới.
"Kể từ khi thành lập năm 1948 đến nay, đây là cơ hội lịch sử có một không hai để nhà nước Do Thái khẳng định chủ quyền của mình đối với Judea và Samara (tên Israel gọi Bờ Tây). Bây giờ đã đến lúc mở rộng chủ quyền của Israel đối với các khu vực là cái nôi của người Do Thái và viết thêm một chương mới vinh quang trong lịch sử của chủ nghĩa phục quốc Zionism", ông Netanyahu nói.
Hiện nay, Israel đang tích cực chuẩn bị triển khai thực hiện kế hoạch này.
Đây không phải lần đầu tiên Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine và Ả Rập. Israel chiếm đóng Bờ Tây, Đông Jerusalem và cao nguyên Golan của Syria trong cuộc chiến tranh giữa Israel và các nước Ả Rập năm 1967. Năm 1980, Tel-Aviv đã sáp nhập Đông Jerusalem và năm 1981 sáp nhập cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc tế không công nhận chủ quyền của Israel trên những vùng đất này.
Việc Israel sáp nhập các vùng lãnh thổ của Palestine và Ả Rập, mới đây là quyết định sáp nhập Bờ Tây không chi vi phạm nghiêm trọng các định ước quốc tế, các nghị quyết của Liên hợp quốc mà còn chính các thoả thuận Israel đã ký với Palestine.
Công ước Geneva năm 1949 quy định các nước chiếm đóng không được thay đổi lãnh thổ và cơ cấu dân số của các quốc gia bị chiếm đóng. Ngày 1/3/1980, Hội đồng Bảo an đã nhất trí thông qua nghị quyết 465 chống lại việc Israel tiếp tục duy trì và xây dựng các khu định cư trên lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, coi đây là vi phạm trắng trợn Công ước Geneva về Bảo vệ thường dân trong chiến tranh.
Nghị quyết 242(1967) và 338(1973) của Hội đồng Bảo an đòi Israel phải rút khỏi tất cả các vùng đất của Palestine và Ả Rập bị chiếm, coi đây là cơ sở cho các cuộc thương lượng nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine. Các thoả thuận ký kết giữa Israel và Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) gồm: Hiệp định Oslo-1 (9/1993), Oslo-2 (9/1995), Hiệp định Gaza-Jericho (1994), Hiệp định Way River-1 (1998), Hiệp định Way River-2 (1999), quy định Israel phải rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm, trong đó có Bờ Tây, Dải Gaza, Đông Jerusalem, giao cho Palestine quản lý và thành lập chính quyền dân tộc Palestine(PNA), tiến hành đàm phán về quy chế cuối cùng của các vùng đất này, tiến tới thành lập một nhà nước Palestine độc lập.
Năm 2016, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết 2334 khẳng định các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp và yêu cầu Israel phải chấm dứt xây dựng các khu định cư mới. Chính phủ Israel từ chối tuân theo nghị quyết này. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nói, quyết định của Israel sáp nhập Bờ Tây là "vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế".
Tại sao Thủ tướng Netanyahu chọn thời điểm này?
Ngày 28/1/2020, Tổng thống Mỹ D. Trump đã công bố kế hoạch hoà bình gọi là "Thoả thuận thế kỷ", nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine, thực chất là xoá bỏ giải pháp hai nhà nước thông qua việc sáp nhập 30-40% lãnh thổ Bờ Tây, nơi các khu định cư Do Thái được giữ nguyên và Jerusalem là Thủ đô vĩnh viễn của Israel. Như vậy, việc sáp nhập Bờ Tây được chính quyền Mỹ hoàn toàn ủng hộ.
Các nước Ả Rập và nội bộ Palestine chia rẽ nghiêm trọng. Về công khai, các nước Ả Rập phản đối kế hoạch của Mỹ, nhưng bên trong lại ngầm ủng hộ và tìm cách bình thường hoá quan hệ với Israel.
Việc ông B. Netanyahu quyết định sáp nhập Bờ Tây lúc này là nhằm thực hiện lời hứa của mình đưa ra trong chiến dịch tranh cử tháng 9/2019 và tháng 3/2020, tranh thủ sự ủng hộ của các đảng cực hữu và các đảng tôn giáo trong chính phủ mới được thành lập 17/5/2020, đặc biệt trong khi ông đang phải ra tòa về các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ, lừa đảo và lạm dụng lòng tin.
Tuyên bố sáp nhập Bờ Tây, ông B. Netanyahu muốn tỏ ra trung thành với "Thỏa thuận thế kỷ" của Tổng thống D. Trump.
Thông qua việc thực hiện "Thỏa thuận thế kỷ", Thủ tướng Netanyahu muốn thể hiện sự ùng hộ của mình đối với ông D. Trump, tranh thủ phiếu của cộng đồng người Do Thái trong chiến dịch tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ hai vào tháng 11/2020 tới.
Không phải ngẫu nhiên Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo đến Jerusalem nhân dịp chính phủ của Thủ tướng B. Netanyahu làm lễ tuyên thệ.
Hệ quả nguy hiểm
Việc Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây và thung lũng Jordan có thể tác động tiêu cực đến nội bộ Israel nói riêng cũng như tình hình khu vực Trung Đông nói chung.
Ngày 19/5/2020 Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã quyết định hủy tất cả các thoả thuận với Israel và Mỹ, trong đó có thoả thuận về an ninh. Thoả thuận an ninh này quy định hợp tác 3 bên, chia sẻ thông tin tình báo nhằm ngăn chặn các hành động khủng bố ở các vùng đất Palestine bị chiếm đóng. Việc hủy bỏ thoả thuận này sẽ không còn gì để đảm bảo an ninh cho Israel nữa.
Quốc vương Abdullah-II của Jordan cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch thôn tính Bờ Tây của B. Netanyahu và nói rằng điều đó có thể dẫn đến một cuộc xung đột giữa Jordan và Israel. Quốc vương Abdullah-II không loại trừ khả năng rút khỏi Hiệp định hòa bình ký kết với nhà nước Do Thái năm 1994.
Nhiều cựu quân đội Israel cảnh báo rằng việc sáp nhập có thể dẫn đến đổ máu ở Bờ Tây. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng tỏ ra lo ngại về khả năng gia tăng bạo lực giữa Israel và Palestine và đã cảnh báo công dân Mỹ hạn chế đến thăm các khu du lịch các khu chợ và tránh xa các cơ quan chính phủ Israel.
Các tổ chức Palestine đang chuần bị cho cuộc Intifada (một loạt các cuộc biểu tình kéo dài của người Palestine, chống lại sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây và Gaza đã bắt đầu từ vào năm 1967) lần thứ ba. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan tuyên bố sẽ tiến hành các hành động vũ trang chống lại Israel. Ngày 7/6/2020, hàng ngàn người Israel tại Tel-Aviv đã xuống đường biểu tình chống lại quyết định sáp nhập Bờ Tây của Thủ tướng B. Netanyahu.
Các quan chức quốc phòng và an ninh Israel nói với tờ Jerusalem Post: "Không biết điều gì sẽ xảy ra. Khác với việc chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel-Aviv về Jerusalem, trong trường hợp này, người Palestine và Jordan sẽ không để yên".
Ngày 3/6/2020, Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Quốc phòng Israel (IDF), tướng Aviv Kochavi đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp gồm người đứng đầu cơ quan an ninh Shin-Bet Nadava Argaman, các sĩ quan quân đội cấp cao và đại diện của các cơ quan thực thi pháp luật, kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho sự leo thang bạo lực có thể xảy ra tại Bở Tây.
Tuyên bố sáp nhập Bờ Tây là bước đi nguy hiểm của Thủ tướng B. Netanyahu, không những không góp phần giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa Israel và Palestine, mà còn gây căng thẳng, dẫn đến gia tăng bạo lực ở khu vực Trung Đông.
Điều trớ trêu là năm 2014, Mỹ các nước phương Tây đã đồng loạt trừng phạt mạnh mẽ Nga khi Moscow lấy lại Crimea, nhưng lại không có bất cứ biện pháp nào gây sức ép với Israel trong việc sáp nhập lãnh thổ Palestine. Điều này tạo ra một tiền lệ xấu trong quan hệ quốc tế.
Lịch sử vùng lãnh thổ Bờ Tây sông Jordan (gọi tắt là Bờ Tây)
Trước đây vùng đất Palestine nằm dưới sự ủy trị của Anh. Sau kết thúc quyền ủy trị của Anh, do thương cảm người Do Thái không có tổ quốc, năm 1947 Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 181 chia vùng đất này thành hai phần, một dành cho nhà nước Do Thái và một cho nhà nước Ả Rập. Năm 1948, người Do Thái thành lập nhà nước của mình, còn người Ả Rập coi đây là đất đai của mình đã mở một cuộc chiến tranh nhằm tiêu diệt nhà nước Israel.
Trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel năm 1948, Jordan chiếm Bờ Tây và Đông Jerusalem. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Jordan không đưa ra yêu sách nào về vùng lãnh thổ này và coi đó là lãnh thổ sẽ dành cho nhà nước Palestine.
Bờ Tây là một trong hai phần lãnh thổ được dành cho Nhà nước Palestine cùng với Dải Gaza. Hiện tại, Bờ Tây được chia thành ba khu vực: khu A chiếm 17,2% nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Chính quyền dân tộc Palestine (PNA), khu B - 23,8% nằm dưới sự kiểm soát dân sự của PNA, tức là PNA chịu trách nhiệm về các vấn đề dân sự, nhưng quân đội Israel kiểm soát về quân sự, khu C - 59% nằm dưới sự kiểm soát hoàn toàn của Israel.
Trong cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel lần thứ hai năm 1967, Israel đã chiếm Bờ Tây, Đông Jerusalem và một số vùng lãnh thổ khác của các nước Ả Rập. Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem nằm ở phía Bắc biển Chết, diện tích 5.640 km2, dân số gồm khoảng 3,5 triệu người Palestine và 464 ngàn người định cư Do Thái. Đến nay, Israel đã xây dựng 131 khu định cư chính thức và 121 khu định cư do người dân tự xây chiếm khoảng 30-40% lãnh thổ Bờ Tây.
Năm 1980, Israel sáp nhập Đông Jerusalem và năm 1981, Cao nguyên Golan. Hầu hết các quốc gia trên thế giới không công nhận chủ quyền của Israel trên những vùng đất này.