Triều Tiên công bố hình ảnh vụ phóng thử tên lửa siêu thanh từ tỉnh Jagang. (Ảnh: KCNA)
Truyền thông Triều Tiên tuyên bố nước này đã phóng thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới được phát triển vào ngày 28/9, đánh dấu bước tiến mới nhất trong lĩnh vực công nghệ vũ khí của quốc gia.
Hôm nay (29/9), hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin vụ phóng vào ngày 28/9 có “ý nghĩa chiến lược to lớn”, trong bối cảnh Triều Tiên hướng tới tăng cường năng lực phòng thủ “gấp ngàn lần”.
Theo thiết kế, các loại tên lửa siêu thanh bay thẳng tới mục tiêu và bay ở tầm thấp. Tốc độ bay của tên lửa siêu thanh nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh tương đương 6.200 km/h. Hiện tại, chỉ có Mỹ, Nga và Trung Quốc sở hữu tên lửa siêu thanh.
Nhà phân tích quốc phòng tại Korea Defence Forum là ông Yang Uk cho rằng, tuyên bố phóng thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh của Triều Tiên chỉ là “làm màu” trước Hàn Quốc và Mỹ.
“Nhiều rào cản kỹ thuật cần phải vượt qua trong quá trình phát triển các phương tiện bay siêu thanh (HGV) bao gồm nhiệt độ cực cao khi tên lửa lướt ở tốc độ siêu thanh và những khó khăn trong kiểm soát hoạt động di chuyển. Thật khó để có thể tin rằng Triều Tiên đã đạt được bất cứ bước tiến quan trọng trong quá phát triển loại vũ khí có thể làm thay đổi cuộc chơi này”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Yang.
Chuyên gia nghiên cứu tên lửa tại Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc, ông Chang Young-keun cho biết HGV của Triều Tiên khả năng đã thử nghiệm thất bại và tốc độ bay là Mach 2.5 nghĩa là bay nhanh hơn tốc độ âm thanh 2,5 lần. Trong khi đó, các HGV của những cường quốc hạt nhân trên thế giới có thể bay với tốc độ nhanh gấp 20 lần tốc độ âm thanh, tương đương gần 24.000 km/h.
“Công nghệ HGV của Triều Tiên hiện không thể so sánh với Mỹ, Nga hay Trung Quốc và hiện tại Bình Nhưỡng dường như tập trung vào phát triển tên lửa có tầm bắn ngắn hơn để tấn công mục tiêu trên lãnh thổ Hàn Quốc hoặc Nhật Bản”, ông Chang nhận định.
Cũng theo ông Chang, HGV của Triều Tiên được lắp trên rocket một tầng, nhưng HGV của Mỹ, Nga hay Trung Quốc lại được tích hợp trên các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiều tầng.
“Cái mà Triều Tiên thử nghiệm không thể được gọi là HGV. Nhưng tên lửa mới của Triều Tiên có thể đe dọa Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi tên lửa này khó có thể theo dõi và đánh chặn”, ông Chang nói thêm.
Ông Chan nhấn mạnh, “ngay cả khi Triều Tiên muốn phát triển ICBM trang bị HGV, họ cũng sẽ gặp khó trong việc tiến hành các vụ phóng thử nghiệm bởi hành động này sẽ vấp phải sự chỉ trích của quốc tế, do tên lửa sẽ bay vượt ngoài phạm vi bán đảo Triều Tiên và Nhật Bản cũng như tới gần lãnh thổ Mỹ”.
Trong khi đó, KCNA nhấn mạnh vụ phóng tên lửa siêu thanh được thực hiện từ tỉnh Jagang. Vụ phóng đã xác nhận khả năng kiểm soát điều hướng và sự ổn định của tên lửa. Triều Tiên cho rằng vụ thử nghiệm đã chứng minh kết quả tốt trong việc kiểm soát quá trình dẫn đường, cơ động và tách đầu đạn ra khỏi thân tên lửa ở giai đoạn cuối.
Tên lửa được Triều Tiên phóng mang tên Hwasong-8. Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un không giám sát vụ thử nghiệm mà là ông Pak Jong-chon.
Đáng nói, ông Pak là cũng người đã giám sát cả 2 vụ thử nghiệm tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào các ngày 15/9 và 12/9. Ông Pak mới được bầu làm ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Ông được xem là "ngôi sao đang lên" khi được thăng cấp tướng quân đội 4 sao và lãnh đạo lực lượng vũ trang với tư cách là Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên.
Chạy đua vũ trang
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, hôm 28/9, Hàn Quốc đã đưa ra thông báo nhưng không nói cụ thể tên lửa Triều Tiên phóng là loại gì và tầm bắn là bao nhiêu. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã yêu cầu cần có một cuộc “phân tích toàn diện” về vụ phóng.
Cho tới nay, Triều Tiên vẫn đang phải hứng chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ cộng đồng quốc tế liên quan tới các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng. Hồi đầu tháng này, Triều Tiên còn cho phóng thử một tên lửa hành trình tầm xa.
Hàn Quốc chi hàng tỉ USD để nâng cấp sức mạnh quân sự. (Ảnh: Pars Today)
Theo KCNA, phát triển tên lửa siêu thanh là 1 trong 5 “ưu tiên hàng đầu” trong kế hoạch phát triển vũ khí giai đoạn 5 năm của Triều Tiên.
Trong 10 năm lãnh đạo, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã đẩy nhanh tiến trình tăng cường năng lực cho kho vũ khí quốc gia bao gồm sự ra đời của các ICBM có tầm bắn bao trùm toàn lãnh thổ Mỹ.
Hồi tháng Một, trong cuộc họp của đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim đã công bố danh sách các mục tiêu cần thực hiện bao gồm phát triển tên lửa siêu thanh, tàu ngầm hạt nhân, vệ tinh trinh sát quân sự và ICBM sử dụng nhiên liệu rắn.
Thông thường, tên lửa siêu thanh đạt tốc độ bay Mach 5 nghĩa là nhanh hơn 5 lần tốc độ âm thanh. Tốc độ bay này khiến các hệ thống phòng thủ tên lửa đang được sử dụng trên thế giới trở nên bất lực.
Giáo sư Kim Dong-yup tại Đại học Kyungnam cho rằng, HGV bay ở quỹ đạo thấp hơn và phẳng hơn nhiều so với các tên lửa đạn đạo truyền thống. Do đó, HGV rất khó để đánh chặn.
Vụ phóng thử tên lửa siêu thanh của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh cuộc đua vũ trang trong khu vực ngày càng nóng.
Điển hình, Hàn Quốc đang chi hàng tỉ USD cho hoạt động phát triển quân sự. Trong tháng Chín, Hàn Quốc đã lần đầu tiên thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), giúp nước này đứng vào danh sách số ít các quốc gia trên thế giới sở hữu công nghệ vũ khí tối tân.
Còn vào ngày 28/9, Hàn Quốc cũng đã tổ chức lễ kỷ niệm hạ thủy tàu ngầm thứ 3 có khả năng mang theo các SLBM.
Washington và Seoul hiện là đồng minh an ninh của nhau và khoảng 28.500 lính Mỹ cũng đang đồn trú ở Hàn Quốc. Giữa lúc các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ - Triều bị ngưng trệ từ năm 2019, Washington gần đây liên tiếp có tuyên bố ám chỉ sẵn sàng gặp mặt giới chức Triều Tiên để nối lại đàm phán, Nhưng cho tới nay, Triều Tiên vẫn tỏ ra không mấy mặn mà với đề xuất của Mỹ.
Ông Lim Eul-chul, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông thuộc Đại học Kyungnam, nhận định Triều Tiên dường như muốn tận dụng chương trình phát triển vũ khí là “phương thức để mở lối đàm phán ngoại giao, cũng như tăng cường vị thế quân sự”.
Do đó, theo ông Lim, trong thời gian tới, Triều Tiên sẽ còn tiến hành thêm các vụ thử nghiệm vũ khí.
“Hành động gần đây của Triều Tiên hoàn toàn có thể đoán trước được. Họ từng bắn tín hiệu về việc sẽ có các hành động quân sự và hiện thời họ đang thi hành từng bước một”, ông Lim kết luận.