"Trong khi Nhật Bản và Hàn Quốc muốn chúng tôi quay trở lại TPP, tôi lại không thích thỏa thuận này cho nước Mỹ", hãng tin Bloomberg dẫn dòng trạng thái mà ông Trump viết trên mạng xã hội Twitter.
"Có quá nhiều điều khoản dự phòng và chẳng thể nào thoát ra được nếu thỏa thuận không mang lại hiệu quả. Các thỏa thuận song phương hiệu quả hơn nhiều, mang lại lợi ích lớn hơn nhiều, và tốt hơn nhiều cho công nhân của chúng tôi. Hãy xem WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới) tệ như thế nào đối với Mỹ".
Mới tuần trước, ông Trump yêu cầu quan chức Chính phủ Mỹ xem xét khả năng quay lại TPP, rồi lại nói sẽ chỉ quay lại thỏa thuận này nếu có những điều khoản có lợi hơn cho Mỹ.
Tuyên bố muốn quay lại TPP của ông Trump đã nhận được sự hoan nghênh của một số nước trong TPP, nhưng bộ trưởng bộ thương mại một số nước như Nhật Bản, Australia và Malaysia nói rằng họ phản đối việc đàm phán lại thỏa thuận cho phù hợp với sự trở lại của Mỹ.
"Tôi không cho rằng 11 nước muốn đàm phán lại thỏa thuận", ông Tommy Koh, đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Singapore, nhận định trong một cuộc trao đổi ngày 18/4 với hãng tin CNBC.
Thủ tướng Abe, người đang có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Trump ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, Florida, là một người ủng hộ mạnh TPP. Trước khi rời Tokyo để bay tới Mỹ cho cuộc gặp này, ông Abe nói rằng Nhật Bản và Mỹ nên "đi đầu trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương thông qua thương mại và đầu tư tự do và bình đẳng".
TPP hiện đang được các nghị sỹ Nhật Bản thảo luận để chuẩn bị cho một cuộc bỏ phiếu phên chuẩn tại Quốc hội nước này.
Thương mại là một chủ đề quan trọng trong cuộc gặp lần này giữa ông Trump và ông Abe, trong bối cảnh chính quyền Trump đẩy mạnh chính sách bảo hộ thương mại, dẫn tới mâu thuẫn gia tăng giữa Washington với Bắc Kinh. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng sẽ bàn về vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc ngày 18/4 tuyên bố có nhiều kế hoạch và chính sách dự phóng khác nhau để giải quyết mâu thuẫn thương mại với Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra bởi ông Yan Pengcheng, phát ngôn viên Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia Trung Quốc (NDRC), tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Ông Yan cũng nói rằng ảnh hưởng của mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ đối với kinh tế vĩ mô của Trung Quốc chỉ ở mức hạn chế và trong tầm kiểm soát.
Ông Trump rút Mỹ khỏi TPP ngay trong tuần đầu tiên làm Tổng thống, cho rằng thỏa thuận này sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất và việc làm của Mỹ. Thỏa thuận - được coi là một đối trọng đối với sự nổi lên về kinh tế của Trung Quốc trong khu vực - đã được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama nhưng chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn.
Sau khi Mỹ rút đi, 11 quốc gia còn lại, chiếm 13% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, Nhật Bản và Canada, đã hoàn tất phiên bản điều chỉnh của thỏa thuận vào tháng trước.
Trong một cuộc họp báo vào ngày 17/4, cố vấn kinh tế cao nhất của Nhà Trắng Larry Kudlow nói "đang diễn ra những thảo luận và cân nhắc" giữa các quan chức thương mại Mỹ và Nhật Bản về TPP. Khi được hỏi liệu Washington có muốn đàm phán một thỏa thuận TPP khác, ông Kudlow nói nếu Mỹ tìm cách "cải thiện" thỏa thuận, thì "chúng tôi cần phải được thuyết phục rằng thỏa thuận mới sẽ đáng giá với thời gian chúng tôi bỏ ra".
"Tôi không cho rằng Tổng thống đã bị thuyết phục như vậy, thực lòng mà nói", ông Kudlow nói thêm.