Hôm 30.1, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria, ông Steffan de Mistura cho biết, các đại biểu tham dự hội nghị 2 ngày ở Sochi đồng ý thành lập ủy ban soạn thảo 150 thành viên bao gồm cả quan chức chính phủ và đối lập.
Ông De Mistura nói, thỏa thuận cuối cùng về ủy ban sẽ đạt được trong tiến trình ngoại giao do Liên Hợp Quốc dẫn đầu ở Geneva dựa trên Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an - cơ chế khung cho việc chuyển đổi chính trị ở Syria.
Nhưng số phận của Tổng thống Bashar al-Assad, một điểm mấu chốt trong nhiều cuộc đàm phán, lại không được nhắc đến trong tuyên bố cuối cùng ở Sochi.
Các nhóm đối lập chính trị lớn của Syria, những người tẩy chay hội nghị, đã bác bỏ đề xuất.
Ủy ban Đàm phán Syria (SNC) - nhóm đối lập chính - cáo buộc ông Assad và Nga - đồng minh chủ chốt của Syria - tiếp tục sử dụng sức mạnh quân sự và không chứng tỏ quan tâm đến việc đàm phán chân thành.
"Chúng tôi từ chối việc thành lập bất cứ ủy ban hiến pháp nào ở giai đoạn này" - tờ Al Jazeera dẫn lời phát ngôn viên Maya Alrahibi của SNC. Thay vào đó, SNC muốn chính phủ và phe đối lập thiết lập một cơ quan quản lý chuyển giao trước đã.
"Trong giai đoạn chuyển tiếp này ở Syria, một ủy ban hiến pháp có thể thành lập bao gồm các thành viên được lựa chọn để đại diện cho tất cả người dân Syria" - bà Alrahibi nói. "Ủy ban hiến pháp sau đó mới soạn thảo hiến pháp mới, và thông qua sau khi đưa ra trưng cầu dân ý một cách công bằng và minh bạch".
Ông Hisham Marwah, luật sư của Liên minh Syria - nhóm đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn - nói rằng "một môi trường an toàn và trung lập" ở Syria là cần thiết cho việc soạn thảo và bỏ phiếu về hiến pháp mới".
Ông này bổ sung rằng, thỏa thuận Sochi vi phạm các nghị quyết trước đây của Liên Hợp Quốc cũng như kế hoạch hòa bình do Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp và một số nước Arab như Iraq, Kuwait và Qatar thống nhất năm 2012, theo đó kêu gọi thành lập một cơ chế quản lý chuyển tiếp để cải cách hiến pháp.
Một số nhà phân tích khác cho rằng, không có sự tham gia của phe đối lập, thỏa thuận Sochi không giúp chấm dứt chiến tranh Syria.
Tuyên bố chung Sochi về Syria gồm 12 điểm nhấn mạnh rằng, Syria phải giữ vững chủ quyền, thống nhất lãnh thổ, tương lai của Syria chỉ do người dân Syria quyết định thông qua bầu cử.