Mới đây, ông Ismail Safi, một thành viên cấp cao trong chính phủ của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gây bất ngờ khi tuyên bố việc Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hệ thống phòng thủ S-400 của Nga "không làm giảm năng lực phòng thủ của NATO, mà sẽ gia tăng nó".
"Tuy nhiên, chúng tôi làm vậy không phải là vì lợi ích của NATO mà để tự củng cố phòng không của chính nước mình", ông Safi nói thêm.
Thổ Nhĩ Kỳ ngày 25/11 thử nghiệm hệ thống tên lửa phòng không S-400 mua từ Nga bất chấp sức ép từ Mỹ.
Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thông báo không quân nước này cho chiến đấu cơ F-16 và các máy bay khác bay qua khu vực trong 2 ngày 25-26/11 để thử nghiệm radar của hệ thống S-400.
Thỏa thuận mua S-400 với Moscow đã trở thành một thách thức lớn trong quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ. Washington kêu gọi Ankara phá bỏ thỏa thuận, đồng thời đe dọa sẽ trừng phạt Thổ trong vấn đề này.
Mỹ cũng đã loại bỏ đồng minh NATO khỏi chương trình phi cơ F-35 mà Ankara vừa là bên mua và bên tham gia sản xuất.
Theo Washington, hệ thống phòng thủ tên lửa do Nga sản xuất không tương thích với các tiêu chuẩn an ninh của NATO và có thể ảnh hưởng tới sự vận hành của các phi cơ chiến đấu thế hệ năm của Mỹ.
Đáp trả lại, Ankar cho rằng, hệ thống S-400 không phải là một nguy cơ tới liên minh quân sự , đồng thời khước từ áp lực hủy bỏ thỏa thuận từ Mỹ.
Trước đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ nên loại bỏ hệ thống S-400 nếu không muốn bị Mỹ cấm vận theo đạo luật CAATSA.
CAATSA ủy quyền cho chính quyền Mỹ trừng phạt các bên có giao dịch lớn với những thực thể thuộc chính quyền Nga trong lĩnh vực quốc phòng và tình báo.
Mỹ và NATO cho rằng việc sử dụng đồng thời tổ hợp S-400 và máy bay chiến đấu F-35 sẽ giúp nghiên cứu khả năng của máy bay loại này nhưng Washington không muốn làm như vậy.
Viện sỹ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Nga Sergey Sudakov cho rằng nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ chính là việc Thổ Nhĩ Kỳ mua máy bay chiến đấu F-35 với tư cách thành viên NATO, đồng thời mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga được thiết kế để chiến đấu chống lại các máy bay này.
Ông Sudakov nói với Đài Sputnik: "Mỹ gọi máy bay ném bom và tấn công F-35 là một trong những loại vũ khí tinh vi nhất có khả năng phá hủy các hệ thống phòng không S-300 và S-400. Tuy nhiên, nhìn chung, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này.
Với các tổ hợp của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tạo ra một hệ thống độc đáo có khả năng chống lại các đổi mới được đưa vào F-35. Điều này có nghĩa là trong trường hợp xảy ra xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và NATO, các máy bay Mỹ sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn".
Trong khi đó, quá trình chuẩn bị vận chuyển các hệ thống S-400 sang Thổ Nhĩ Kỳ đang diễn ra theo hạn định. Tổng thống Erdogan đã chỉ thị Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu lựa chọn địa điểm bố trí các hệ thống này.