Nội dung chính
- Chiều nay, tòa tuyên án vụ Tập đoàn FLC
- VKS nhận định các bị cáo khắc phục chỉ 5% tổng thiệt hại
- 2 em gái Trịnh Văn Quyết khai không hưởng lợi gì ngoài tiền lương
Sau 9 ngày xét xử và 1 tuần nghị án, hôm nay, ngày 5/8, TAND TP Hà Nội sẽ tuyên phạt 50 bị cáo trong vụ “Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) và 2 em gái bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga cùng bị truy tố về 2 tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Trong 9 ngày xét xử, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và các bị cáo được nhận định đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối cải, tự nguyện khắc phục hậu quả, xin giảm nhẹ hình phạt…
Trong phần bào chữa, có ý kiến từ luật sư và bị cáo cho rằng cáo trạng của VKS chưa có cơ sở xác định bị cáo Trịnh Văn Quyết có ý thức chiếm đoạt tài sản và chưa có cơ sở xác định số tiền chiếm đoạt là hơn 3.621 tỷ đồng... Trên TTXVN dẫn lời đại diện VKS khẳng định bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu trong vụ án, chuẩn bị mọi điều kiện để tổ chức, chỉ đạo, phân công, giao việc hoặc nhờ các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ thông qua một chuỗi hành vi gian dối, có chủ động, được thực hiện một cách bài bản trong nhiều năm với nhiều lần nâng vốn góp khống.
VKS đã dẫn ra hàng loạt các hành vi như mua Công ty Green Belt, đổi tên thành Công ty FAROS, sau đó 5 lần nâng khống vốn góp chủ hữu từ 1,5 tỷ đồng lên thành 4.300 tỷ đồng, niêm yết trên sàn chứng khoán.
Các bị cáo đã thu hơn 4.818 tỷ đồng, chiếm đoạt số tiền hơn 3.621 tỷ đồng của các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Về phần chịu trách nhiệm dân sự lên đến 4.300 tỷ đồng cho hai tội, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định, nếu HĐXX tuyên án phải bồi thường, bị cáo xin được dùng tài sản cá nhân trị giá khoảng 5.000 tỷ đồng của mình đang bị phong tỏa để khắc phục.
Số tiền khắc phục "không đáng kể" so với thiệt hại
Báo Tiền Phong dẫn lời bị cáo tại toà cho hay, ngoài các tài sản đang phong tỏa, bị cáo Trịnh Văn Quyết không còn thêm tài sản nào khác. Mới đây, ông được cơ quan tố tụng cho phép bán hãng hàng không Bamboo Airways và trước mắt đã thu gần 200 tỷ đồng. Số tiền này đã chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra.
Còn khoảng 500 tỷ đồng nữa, sau khi nhận ông Quyết sẵn sàng nộp để hoàn thành nghĩa vụ dân sự. Bên cạnh đó, cựu chủ tịch FLC cũng cho biết đang nhờ gia đình huy động thêm từ bạn bè, người thân. "Từ trong trại tạm giam, bị cáo luôn nỗ lực, đau đáu về việc khắc phục hậu quả", báo Tuổi Trẻ dẫn lời bị cáo Trịnh Văn Quyết nói tại toà hôm 25/7.
Đại diện Viện kiểm sát ghi nhận ông Quyết có thái độ hợp tác, có nguyện vọng khắc phục hậu quả tuy nhiên, trên thực tế đến thời điểm ngày 26/7, bị cáo mới khắc phục được hơn 200 tỷ đồng và các bị cáo khác là hơn 6 tỷ đồng.
"Tổng số tiền chỉ khoảng 5% tổng thiệt hại, không đáng kể so với thiệt hại mà hành vi đặc biệt lớn các bị cáo gây ra, hơn 4.300 tỷ đồng ", VnExpress dẫn lời VKS đối đáp và cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc với cựu Chủ tịch FLC.
Sau 5 ngày xét xử, đến chiều ngày 26/7, đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án với các bị cáo. Trong đó, ông Trịnh Văn Quyết bị đề nghị 5 - 6 năm tù về tội thao túng thị trường chứng khoán và 19 - 20 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng mức hình phạt viện kiểm sát đề nghị đối với ông Quyết là 24 - 26 năm tù.
Khi được nói lời sau cùng hôm 29/7, cựu Chủ tịch FLC nghẹn ngào bày tỏ sự hối hận, ăn năn lớn. Ông nói rằng từng có ước mơ, hoài bão phát triển các khu vực như sân golf, khu nghỉ dưỡng, bất động sản, hàng không và đã có những thành tựu nhất định, đã thay da đổi thịt một số vùng đất, đem lại việc làm cho người lao động.
"Tại cùng một thời điểm để làm được nhiều việc cùng một lúc như trên, bị cáo đã làm một số việc vượt quá giới hạn pháp luật cho phép dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay", báo BVPL dẫn lời bị cáo Trịnh Văn Quyết thừa nhận.
Bị cáo nói rằng rất ân hận vì trong suốt quãng đời làm doanh nhân hơn 20 năm của mình, dù đã luôn cố gắng, nỗ lực nhưng làm cho rất nhiều người thân, bạn bè, đồng nghiệp đã vì quá tin tưởng bị cáo mà họ phải rơi vào vòng lao lý.
2 em gái ông Trịnh Văn Quyết khai không hưởng lợi gì ngoài tiền lương hàng tháng
Trong vụ án này, 2 em gái ruột của bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng bị truy tố 2 tội danh giống anh là "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Thao túng thị trường chứng khoán".
Trong đó, bị cáo: Trịnh Thị Minh Huế (SN 1981, cán bộ ban kế toán Tập đoàn FLC) bị đề nghị 17 - 19 năm tù và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979, phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán BOS) bị đề nghị 10 - 12 năm tù.
Tại phần xét hỏi trước đó, các bị cáo Huế và Nga đều thừa nhận các hành vi liên quan đến việc nâng khống vốn điều lệ của Công ty CP xây dựng FLC Faros (Công ty Faros) cũng như thao túng giá các mã cổ phiếu thuộc "hệ sinh thái" FLC. Báo Thanh Niên dẫn lời 2 nữ bị cáo khai tại toà rằng đều làm theo chỉ đạo của anh trai là bị cáo Trịnh Văn Quyết, cá nhân các bị cáo không hưởng lợi gì ngoài tiền lương hàng tháng.
Luật sư bào chữa của bị cáo Trịnh Minh Huế nói trong gia đình, bị cáo Quyết là anh, bị cáo Huế là em còn trong công ty, bị cáo Quyết là chủ tịch, người có quyền quyết định cao nhất. Bởi vậy, việc bị cáo Huế nghe theo chỉ đạo của anh trai cũng là một phần của công việc. Trong vụ án này, bị cáo Huế cũng chỉ là người thực hành, đóng vai trò một phần trong chuỗi các hành vi sai phạm.
Còn luật sư của bị cáo Trịnh Thị Thuý Nga cho rằng mức án đề nghị cho thân thủ mình đến 12 năm tù là quá nghiêm khắc và dẫn những tình tiết giảm nhẹ. Luật sư nêu thêm, gia đình bị cáo Nga có 3 anh em đều vướng lao lý, nay không còn ai phụng dưỡng cha mẹ già. Phía gia đình chồng bị cáo cũng có đến 4 người con trai, gái, dâu, rể bị truy tố và xét xử. Vì vậy, luật sư mong HĐXX xem xét cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng đặc biệt, có cơ hội trở về sau phiên tòa.
Trong khoảng 10 phút nói lời sau cùng hôm 29/7, bị cáo Nga vừa khóc, vừa nói không thành lời. Nữ bị cáo cho biết, những ngày bị tạm giam là những ngày không bao giờ quên, đó là nỗi đau đi theo cả đời bị cáo.
"Bị cáo có anh, em, bạn bè, đồng nghiệp và cả chồng của bị cáo cũng phạm tội trong vụ án này. Ngoài 3 con nhỏ của bị cáo đang bơ vơ, cha chồng bị cáo vì không chịu được cảnh chồng và em chồng bị cáo vướng vòng lao lý đã qua đời cách đây ba tháng. Cha chết mà con không được nhìn mặt lần cuối. Bị cáo rất mong sau phiên tòa này được về làm tròn chữ hiếu với cha", CAND dẫn lời bị cáo Nga khóc nức nở nói.
(Tổng hợp)