Nêu ý kiến về dự án Luật Cảnh vệ tại tổ vào chiều nay, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cho biết, liên quan đến đối tượng được cảnh vệ, đang có nhiều ý kiến khác nhau, trong đó, có người muốn tăng lên nhưng lại có người muốn giảm bớt.
"Đặc biệt là sau vụ Yên Bái, rất nhiều đại biểu muốn tăng lên, thậm chí Bí thư, Chủ tịch tỉnh cũng phải có cảnh vệ. Chúng ta có quan điểm nếu tăng lên thì chưa thiết thực và chưa phù hợp với thực tế kinh tế của nước ta hiện nay.
Nhưng cũng có đại biểu nói giảm đi, tuy nhiên, ở Việt Nam mình đã không có thì thôi, chứ có rồi mà cắt đi thì nguy hiểm, cho nên chúng ta chọn phương án dung hòa là giữ nguyên theo dự thảo", tướng Việt nói.
Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, phải quy định rõ ràng ranh giới cần bắn và không cần bắn, bởi vấn đề này rất dễ lạm quyền.
"Khi trao quyền lớn quá mà không kiểm soát quyền lực ấy thì dễ lạm. Ngược lại anh cũng có thể mất thời cơ, cái này đề nghị đại biểu quan tâm thêm để giải mã quyền nổ súng", ông Việt nêu.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng cho hay, chỉ một số Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh mới có quyền trưng mua, trưng dụng, nhưng không đưa vào luật này thì cảnh vệ không phát huy được công việc của mình.
"Ví dụ như trưng mua, trưng dụng xe này để thực hiện nhiệm vụ lúc nguy cấp mà không được quyền là không được. Tuy nhiên, ta phải nghiên cứu để giải mã cái này không trái với luật trung mua, trưng dụng, nhưng phát huy được nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo Đảng và Nhà nước", tướng Việt chỉ rõ.
Đối với tổ chức của lực lượng cảnh vệ, tướng Việt nhấn mạnh, quan điểm không bố trí ở địa phương mà chỉ bố trí ở Trung ương. Nhưng thực tế khi cảnh vệ huy động cán bộ công an các tỉnh thành tham gia thì lại không được hưởng chế độ như cảnh vệ dù làm việc như vậy.
"Cho nên cũng có một số ý kiến cho rằng, cần tổ chức cảnh vệ ở một số địa phương. Nhưng nếu thế thì biên chế phình ra, điều đó là không được mà ở đây, phải trưng dụng các lực lượng khác như công an, cảnh sát các nơi để tăng cường lực lượng khi có yêu cầu.
Tuy vậy, chế độ chính sách cho anh em như thế nào thì đó là vấn đề các đại biểu cần quan tâm mà theo hướng tập trung ở Trung ương thôi, không phải địa phương", ông nói.
Cùng góp ý vào dự thảo luật này, đại biểu Đặng Duy Phương (Đắk Lắk) đề nghị bổ sung thêm quy định cảnh vệ đối với các vị nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương sau khi nghỉ chế độ, công tác 1 - 2 năm.
Ngoài các sự kiện lớn có cảnh vệ được quy định trong dự thảo luật, ông Phương cho rằng, các sự kiện như Đại hội Đảng bộ Công an nhân dân hay Đại hội Toàn quân có nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự thì cũng cần áp dụng chế độ cảnh vệ.
"Dự thảo có nói đến quyền của Tư lệnh Bộ Tư lệnh cảnh vệ, Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, sỹ quan, hạ sỹ quan, chiến sỹ cảnh vệ... thì theo tôi bên cạnh quyền thì cũng cần quy định trách nhiệm và nghĩa vụ trong thực hiện nhiệm vụ", ông Phương nói.
Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất thêm việc nên có trang phục riêng cho lực lượng cảnh vệ để "tạo uy lực".
Đại biểu Nguyễn Công Hồng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội góp ý thêm về phạm vi điều chỉnh, nên bao gồm toàn bộ hoạt động cảnh vệ trên lãnh thổ Việt Nam và hoạt động của lực lượng cảnh vệ Việt Nam ở nước ngoài.
Theo đại biểu Hồng, quy định như dự thảo chưa bao hàm hết toàn bộ hoạt động của lực lượng này, đặc biệt trong hội nhập quốc tế như hiện nay, sẽ có nhiều nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu các tổ chức quốc tế sang tham dự các sự kiện tại Việt Nam và có lực lượng cảnh vệ của họ đi kèm.
"Ví dụ sự kiện Tổng thống Mỹ Obama đến Việt Nam, có cả một bộ máy sang bảo vệ. Vậy việc sử dụng vũ khí, phương tiện của lực lượng cảnh vệ nước ngoài sẽ do văn bản nào điều chỉnh? Cùng với đó là hoạt động của lực lượng cảnh vệ bảo vệ lãnh đạo đất nước đi công tác nước ngoài hiện cũng chưa có trong phạm vi điều chỉnh của luật", ông Hồng nêu.
Vị đại biểu này cho rằng, có thể quy định các đối tượng này bằng 1 nguyên tắc chung là hoạt động phải tuân thủ các cam kết của Việt Nam với các nước và các văn bản khác liên quan để tránh bỏ lọt.