Thăm thú cố đô Huế, du khách không chỉ được tận hưởng không khí yên bình, cổ kính ở nơi đây mà còn được thưởng thức ẩm thực Huế vô cùng đa dạng. Muốn nếm thử hết những món ngon ở đây chắc chắn bạn sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Dạo qua phố phường ở TP Huế, du khách có thể bắt gặp những hộp hoa quả có màu sắc vô cùng bắt mắt. Nếu chỉ lướt qua có lẽ bạn sẽ nhầm tưởng người ta bán… hoa quả giả. Nhưng kỳ thực đó lại là một loại bánh đặc sản Huế.
Đây là bánh đậu xanh trái cây, có nguồn gốc từ ẩm thực cung đình Huế. Người dân ở đây gọi loại bánh này là bánh “quý tộc” bởi trước kia nó chỉ được dùng để dâng lên các buổi yến tiệc của vua chúa. Ngoài ra nó cũng có mặt trong những mâm cỗ của các gia đình quan lại, quý tộc trong các dịp lễ tết.
Để có được những chiếc bánh lộng lẫy này, nghệ nhân phải là những người có kinh nghiệm và tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ. Ngược lại, nguyên liệu để làm bánh đậu xanh trái cây lại khá đơn giản, bao gồm đậu xanh đãi vỏ, bột rau câu cùng một ít rau củ quả tạo màu. Từ những thứ giản dị ấy, nghệ nhân phải vận dụng sự sáng tạo, khéo léo, tỉ mỉ của mình để làm ra những chiếc bánh đẹp mắt như trái cây thật.
Nhiều người có dịp thưởng thức bánh đậu xanh trái cây đều phải trầm trồ với bề ngoài của nó, đôi khi còn chẳng dám ăn vì bánh đẹp quá. Thậm chí có người còn tự hỏi không biết đây là đồ ăn hay đồ chơi vì chiếc bánh giống hệt như những trái cây mini, lại có màu sắc rất bắt mắt. Bánh vừa đẹp mắt, vị ngon, lại mang ý nghĩa giá trị tinh thần lâu đời nên đến tận ngày nay, bánh trái cây đậu xanh vẫn là món ăn quen thuộc đối với người dân xứ Huế nói riêng và miền Trung nói chung.
Công đoạn để làm ra những chiếc bánh đậu xanh phải nói là vô cùng cầu kỳ. Trước tiên phải chọn kỹ đậu xanh thật ngon rồi đem ngâm vào nước nóng, đãi cho bung sạch vỏ lụa, sau đó đem nấu chín rồi xay nhuyễn. Nêm thêm đường vào đậu xanh sao cho vừa ăn, quấy đều tay trong lúc nấu khoảng 4 tiếng đồng hồ. Hỗn hợp cuối cùng phải có độ ẩm vừa phải, không quá khô hay quá nhão để có thể chuyển đến bước tạo hình.
Đậu xanh được nhào nặn rồi vo tròn từng viên, tạo hình thành các loại trái cây tùy ý. Nghệ nhân sẽ dùng các que gỗ xiên vào đầu bánh rồi nhũng vào hỗn hợp rau câu không đường để tạo lớp bảo vệ trước khi tô màu. Lớp rau câu này giúp bánh có thể bảo quản được lâu hơn, đồng thời giúp bánh có vẻ ngoài bóng bẩy, xinh đẹp.
Sau cùng, để cho ra chiếc bánh trái cây hoàn chỉnh thì dùng các phẩm màu tự nhiên tô lên sao cho giống thật như các loại trái cây. Mang mẻ bánh đó đi sấy khô khoảng 5 – 6 tiếng để thuận tiện trong việc lên màu bánh.
Tùy vào mỗi loại trái cây mà người làm bánh có thể phối màu sao cho thật sống động và đẹp mắt. Đó chính là sự pha trộn của nhiều màu sắc. Nếu công đoạn chuẩn bị nguyên liệu và tạo hình mất nhiều thời gian thì việc tạo màu sắc cho bánh đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ.
Để tạo màu sắc bắt mắt mang hương vị trái cây cho bánh, những nghệ nhân tài hoa thời xưa tận dụng một số loại màu có sẵn trong thiên nhiên. Màu hồng tím từ củ dền, sắc cam của cà rốt, xanh cốm từ lá nếp, ánh vàng tươi từ củ nghệ và vô số cách tạo màu tùy vào cảm hứng sáng tạo hay nguyên liệu sẵn có.
Một chiếc bánh đậu xanh trái cây chuẩn vị Huế phải đạt được yêu cầu về thị giác với màu sắc tươi tắn, bóng bẩy và hấp dẫn. Ngoài ra bánh phải có sự hòa quyện giữa vị ngọt ngọt bùi bùi của đậu xanh cùng độ dẻo giòn của lớp rau câu bên ngoài.
Du khách đến Huế có thể tìm mua loại bánh này tại chợ Đông Ba hay không gian văn hoá Lục Bộ với mức giá từ 20.000 - 30.000 đồng. Bánh đậu xanh trái cây Huế rất hợp khi thưởng thức cùng một chén trà mạn. Vị ngọt của bánh sẽ được trung hòa cùng vị đăng đắng, chát chát của trà. Bạn cũng có thể mua loại bánh đẹp mắt này về làm quà, đảm bảo ai cũng rất thích.