"Gần đây, Mỹ đã đóng vai trò là "anh cả của thế giới" và sử dụng cái gọi là "ưu thế" và "niềm tự hào" mạnh mẽ của mình để tung tàu sân bay và binh lính đi khắp thế giới. Sau đó là loạt hành động rời khỏi các tổ chức, hủy bỏ hiệp ước, không tuân thủ các quy định, vi phạm các thỏa thuận dường như khiến Mỹ trở thành người phát ngôn không đáng tin cậy", Thiếu tướng Hải quân - chuyên gia quân sự Trung Quốc Trương Thiệu Trung mở đầu bài xã luận chỉ trích Mỹ.
Nhận định của Thiếu tướng Trung Quốc được đưa ra sau khi Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan gián tiếp và trực tiếp Bắc Kinh là đối tượng gây bất ổn ở châu Á tại Đối thoại Shangri La 2019 đang diễn ra ở Singapore. Hai nước Trung-Mỹ cũng đang ở thế đối đầu trong cuộc chiến thương mại rực lửa, chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo ông Trương Thiệu Trung, Mỹ hiện đang gặp rất nhiều áp lực do tranh chấp thương mại liên tục với nhiều quốc gia.
Tướng Trung Quốc Trương Thiệu Trung. Ảnh: Sina
"Mỹ không chỉ áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc mà các hành vi của Washingtơn còn dấy lên sự bất mãn mạnh mẽ ở các nước châu Á, Nam Mỹ và châu Âu. Điều này khiến Mỹ vô cùng xấu hổ và từng bước rơi vào trạng thái bất lực", Trương chỉ trích.
Ông này khẳng định, trước khi nước Mỹ "chăm sóc đặc biệt" Trung Quốc, Nhà Trắng đã lần lượt đối đầu với 5 nền kinh tế từng đứng thứ hai thế giới, gồm Anh, Đức, Liên Xô, Nhật Bản và Liên minh châu Âu - những quốc gia khu vực này đều phải đối mặt với tình hình mà Trung Quốc đang đối mặt. Và hiện nay, nước Mỹ đang đối đầu với Trung Quốc.
Gần đây, theo Báo cáo thường niên về cạnh tranh toàn cầu 2019 do Viện Phát triển Quản lý Lausanne (IMD) của Thụy Sỹ công bố, Singapore đã thay thế Mỹ trở thành nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới; Hồng Kông (Trung Quốc) với nền kinh kế quốc tế tự do cao tiếp tục đứng ở vị trí thứ hai.
Trong khi đó, Thiếu tướng Trung Quốc bày tỏ sự vui mừng khi Mỹ - quốc gia từng xếp vị trí thứ nhất - hiện bị rớt xuống vị trí thứ ba.
Theo IMD, báo cáo xếp hạng năng lực cạnh tranh dựa trên bốn yếu tố cạnh tranh là "hiệu quả kinh tế", "cơ sở hạ tầng", "hiệu quả chính phủ" và "hiệu quả kinh doanh" và mỗi yếu tố được xác định bởi năm yếu tố phụ khác.
Ông Trương Thiệu Trung cho rằng, "là nền kinh tế lớn nhất thế giới, việc Mỹ bị rớt xuống vị trí thứ ba chắc chắn có liên quan đến các chính sách thuế quan và lệnh trừng phạt đối với các quốc gia trên thế giới. Hiện tại, Mỹ đang phải đối mặt với một loạt các "cú đánh" như giá nhiên liệu tăng, xuất khẩu công nghệ cao yếu và biến động của đồng USD".
Ông này cáo buộc, việc Mỹ áp đặt chính sách hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ cao không chỉ tác động đến các công ty Trung Quốc mà còn khiến các công ty Mỹ chịu liên đới.
"Đối với riêng công ty của Huawei, dữ liệu cho thấy trong năm 2018, Huawei đã chi 70 tỷ USD mua sắm linh kiện, trong đó 11 tỷ USD được trả cho các công ty Mỹ, bao gồm Qualcomm, Intel và Micron. Trong cùng năm đó, khoản đầu tư của Huawei vào nghiên cứu và phát triển công nghệ đạt 15,3 tỷ USD, đã vượt qua những gã khổng lồ công nghệ như Apple và Intel.
Trong bối cảnh các lệnh cấm xuất khẩu công nghệ cao, các công ty Mỹ không còn có thể hỗ trợ cho Huawei, tương đương với việc trực tiếp cắt giảm nguồn thu quan trọng của nhiều công ty Mỹ. Điều này chắc chắn sẽ có tác động sâu sắc đến các công ty, nhân viên và thậm chí cả nền kinh tế Mỹ", chuyên gia Trung Quốc nói.
Ông này cũng cho rằng, không chỉ các tập đoàn lớn mà nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như một số lao động tay chân ở Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Sự gia tăng chi phí nguyên liệu khiến lợi nhuận bị giảm, tình trạng thất nghiệp của người dân và chi phí sinh hoạt tăng theo.
Theo thống kê, trong các mặt hàng được bày bán trên thị trường Mỹ thì 72% sản phẩm giày dép, 84% sản phẩm phụ kiện và 41% sản phẩm quần áo đều được sản xuất tại Trung Quốc.
Tướng Trung Quốc cho rằng, các hành động hiện nay của chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ chẳng khác gì hành động "tự đào hố chôn mình".