PV: Kính chào Trung tướng! Nghỉ hưu đã 23 năm, nhưng mọi người vẫn thấy ông làm việc chăm chỉ, cả việc công lẫn việc tư. Ông định bao giờ sẽ nghỉ hưu thật sự?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi chưa có ngày nào thức dậy mà không nghĩ ra việc để làm. Tôi cũng không có ý định dừng lại công việc hay nghỉ hưu nếu như mình vẫn còn đủ sức khỏe.
PV: Ông vừa có cuộc khám sức khỏe định kỳ, hình như kết quả của các chỉ số cho thấy "trẻ như thanh niên"?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo lời khuyên của bác sĩ thì một năm tôi phải đi khám định kỳ ít nhất một lần, nhưng giờ tôi cứ hễ đau ốm, có bệnh là đi khám. Thật may, chỉ số sức khỏe của tôi rất tốt. Được khen là "trẻ như thanh niên" vì mỡ máu không, huyết áp không, tiểu đường không.
Chế độ ăn thì tôi vẫn duy trì ăn đường, nhưng không ăn mỡ nữa vì bây giờ không ăn được thịt. Tôi chỉ có vấn đề về phổi do ngày xưa hút thuốc nhiều. Nhưng biết bệnh rồi nên tôi cố giữ.
Chỉ số tim tốt, khi đi khám, các nữ bác sĩ trêu tôi: Bác ơi, khi nào bác mất đi thì nhường cái chỉ số sức khỏe này cho thanh niên bây giờ, chỉ số của bác tốt quá.
Xuất phát từ nền tảng thể lực tốt, lại thông qua một thời gian dài rèn luyện trong môi trường quân đội, cùng với lối sống lành mạnh và tích cực, nên có được kết quả này khiến tôi rất vui. Tôi cũng cố gắng mỗi ngày để duy trì được những chỉ số ổn như vậy.
PV: Cuộc đời ông đã trải qua tất cả, từ chiến tranh đến hòa bình, và không thể nói là không có những lúc gặp nan nguy. Nhưng ở tuổi 94, ông vẫn duy trì được sự nhanh nhẹn, minh mẫn và khỏe khoắn. Ông có thể chia sẻ bí quyết để có được những điều đó?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi nghĩ rằng, bí quyết sống khỏe theo lý thuyết thì người ta đúc kết nhiều ở chữ "điều độ". Ăn điều độ, ngủ điều độ, làm việc, chơi bời, uống rượu… tất cả mọi thứ đều phải điều độ. Đó là lý thuyết hoàn hảo để có sức khỏe.
Nhưng đối với riêng tôi, cả một đời dài ở trong quân ngũ, hoàn cảnh sống của mình không thể có được chữ "điều độ" như lý thuyết đó.
Trên thực tế, sự cân bằng, điều độ, theo công thức đó, với tôi là số 0.
Nhưng tôi nghĩ, điều kiện sức khỏe của mỗi người có tính cá nhân rất cao, mà chúng ta hay gọi là cơ địa. Cũng cùng một triết lý ấy nhưng hoàn cảnh của mỗi người đều khác nhau, dựa trên điều kiện, lối sống… sẽ dẫn đến những thực trạng sức khỏe khác nhau.
Cá nhân tôi nếu mà dựa vào những triết lý mà người ta nói để đảm bảo cho sự sống lâu, thì không có cái nào trùng với điều kiện thực tế của mình cả. Ví dụ, trong điều kiện sống thời xưa, như bạn đã biết, ăn không cân bằng, ngủ không cân bằng, làm việc không cân bằng, vì cuộc đời của tôi là đi làm cách mạng.
Với hơn 70 năm tuổi Đảng thì có tới hơn 50 năm sống ở chiến trường. Điều kiện sống lúc ấy làm gì được ăn no, thậm chí có những thời điểm bị đói quanh năm.
Do vậy, khi được hỏi, làm sao ông có thể sống tới 94 tuổi với điều kiện sống gian khổ như vậy. Đây là một câu hỏi mà tôi rất khó trả lời.
Trong khoảng 10 năm tham gia chiến trường chống Mỹ, bệnh sốt rét ác tính tấn công, không có thuốc điều trị đặc hiệu, vậy mà vẫn chiến đấu và chiến thắng được bệnh tật. Trong khi điều kiện hiện nay, chỉ cần sổ mũi thôi là có bao nhiêu loại thuốc rồi.
Đầu tiên là vấn đề ăn. Hoàn cảnh của tôi lúc đó, ăn đói thường xuyên, không đủ dinh dưỡng. Thực phẩm chính chủ yếu là muông thục, măng rừng, một ít gạo. Đôi lúc cũng không có gạo. Nhưng vẫn phải đảm bảo sự tồn tại.
Theo khoa học thì chúng ta phải có một bữa ăn đủ các thành phần dinh dưỡng với hàm lượng và số lượng cụ thể cho từng người, lượng đạm bao nhiêu, chất béo bao nhiêu… nhưng trong điều kiện chiến tranh, công thức này cũng chỉ là con số 0, biết khoa học nhưng không thể áp dụng được.
Còn về vấn đề ngủ. Làm sao đi đánh giặc mà nói là có thể ngủ theo giờ giấc khoa học được. Có những chiến dịch, chúng tôi phải thức suốt 14-15 ngày đêm, không có thời gian ngủ. Làm cán bộ chỉ huy, ngồi bên bàn chỉ huy, nhìn bản đồ, nghe tiếng chuông báo.
Khi nào không có tiếng chuông reng reng, không có tiếng máy bay thì tranh thủ ngồi tại chỗ ngủ một lát. Tức là phải trong trạng thái vừa ngủ nhưng vẫn vừa phải làm việc, phải tranh thủ ngủ chứ không phải là nằm yên giấc được.
Về chuyện sức khỏe tinh thần. Hồi chiến tranh, cứ hễ 30 phút lại có một đợt bom B52 dội xuống, căng thẳng không thể nào diễn tả nổi. Làm sao mà đảm bảo đầu óc thư giãn thoải mái được, tinh thần vô cùng lo lắng, áp lực. Bom thì dội lên trên nóc hầm. Yếu tố tinh thần thoải mái cũng là con số 0 nốt.
Với hoàn cảnh sống thực tế như vậy. Tất cả các yếu tố để giúp con người sống khỏe hầu như không thể áp dụng được. Ăn không đủ, thuốc chữa bệnh không đủ, ngủ không đủ, tinh thần căng thẳng, thần kinh không lúc nào yên được.
PV: Điều kiện sống khó khăn thiếu thốn, thậm chí có thể nói là khốc liệt như vậy, chắc phải có điều gì đó giúp ông cân bằng lại chứ?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi cho rằng, khi điều kiện sống của chúng ta không hoàn toàn cân bằng, thì bản thân mình phải tự tạo ra những thứ giúp cân bằng trở lại. Đây chính là sự cân bằng chủ động, bạn thiếu hụt ở đâu, bạn cân bằng tại chính điểm đó.
Hoàn cảnh của tôi như vậy lấy đâu ra sự cân bằng, nên phải tạo ra sự cân bằng cho mình bằng tinh thần, bằng tâm lý, bằng ý chí… để mình biết rằng mình buộc phải tồn tại được, để mình biết cách mà hành động.
Tôi ví dụ. Tôi có 2 người quen cùng bị ung thư, cùng mắc một bệnh ung thư ở giai đoạn giống nhau. Một người trong đó thực sự không có bản lĩnh, biết tin xong là tâm lý bị dao động, lúc nào cũng sợ chết. Thế rồi người đó "ra đi" rất nhanh, chỉ một năm tính từ khi phát hiện ra bệnh.
Cùng một số phận, nhưng trường hợp người thứ hai, sau khi biết mình bị ung thư, vẫn rất bình tĩnh, hoạt động mọi thứ bình thường như không có chuyện gì xảy ra, duy trì nhịp sống bình thản như trước khi biết bệnh. Anh này giờ vẫn sống ổn định, 7-8 năm trôi qua rồi.
Do đó, tuy còn nhiều yếu tố khác như sức khoẻ, thể trạng, đáp ứng điều trị của từng người khác nhau... nhưng yếu tố tinh thần cũng rất quan trọng giúp 1 người sống khoẻ mạnh, còn 1 người nhanh chóng gục ngã.
Vậy, chúng ta có nhận thấy sự khác nhau nào giữa hai người trên? Đó chính là yếu tố tâm lý, tinh thần. Trường hợp đó, cũng giống như thời tôi ở trong chiến trường. Yếu tố tinh thần có thể bù đắp cho sự thiếu thốn về vật chất. Sức mạnh tinh thần tạo ra sức mạnh vật chất. Mặc dù cơ địa mỗi người mỗi khác, nhưng tinh thần thì không có gì có thể so sánh và thay thế được.
Muốn sống được, sống khỏe, phải có nghị lực sống, phải biết vươn lên từ những khó khăn, những lúc nguy nan nhất.
Điều này liên tưởng đến điều kiện chiến tranh cũng rất rõ. Ta làm sao mạnh hơn đối phương được. Yếu tố tinh thần sẽ tạo ra sức mạnh trong một cuộc chiến đấu. Lấy sức mạnh tinh thần chuyển thành sức mạnh vật chất để thắng lại đối phương.
Trong sức khỏe, trong bệnh tật, trong cuộc sống đều phải như vậy. Đối với cá nhân tôi, đấy là điều quan trọng nhất.
PV: Thời ông làm Đại biểu Quốc hội, câu nói "Nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc" lưu truyền khắp cả nước. Điều đó cho thấy sự tín nhiệm của nhân dân dành cho ông và các vị ĐBQH dám nói, dám hành động lớn như thế nào. Nhưng tôi lại quan tâm đến "mặt trái" của câu nói đó – liệu sự "xung phong đi đầu", "dám nói" có làm cho ông gặp trở ngại, căng thẳng về đời sống tâm lý không? Tôi hỏi điều này vì chúng ta đều biết: Sức khỏe tâm lý cũng vô cùng quan trọng với sức khỏe tổng thể của con người.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đến bây giờ, tôi luôn luôn xác định phải tự rèn luyện, tạo ra sự cân bằng cho chính mình, trong đó tất nhiên có cả chuyện tinh thần, tâm lý như bạn nói.
Chẳng hạn, gần đây có những hôm, sức khỏe của tôi giảm sút tới mức không diễn tả nổi. Ngủ không dậy được, mệt hết sức, cảm giác như kiệt sức vì mình cũng đã già tới 94 tuổi rồi. Nhưng tôi đã phải tự đấu tranh với chính mình. Tự nhủ rằng, mình phải làm việc, mình mà trì trệ thì mình chết, mình phải dậy. Thế rồi tôi ngồi dậy và rời khỏi giường.
Lúc đầu, vừa mới cố dậy để ra ngoài sân tập, rất mệt mỏi. Nhưng đi bộ được một hồi thì cơ thể bắt đầu chuyển sang trạng thái hưng phấn hơn, có sức mạnh hơn. Đi đoạn đầu thì rất mệt, nhưng sau khi tôi đi bộ được 30 phút thì thấy khỏe.
Điều này chứng minh rằng, yếu tố chủ quan của con người tạo ra sức mạnh để cân bằng. Nếu cuộc sống tự nhiên của mình không có sự cân bằng, thì bắt buộc mình phải tự tao ra nó.
Bản lĩnh của mình là không để cho điều kiện khách quan tác động, làm suy sụp tinh thần mình. Cái này là rất quan trọng.
Có những người, khi đấu tranh mà bị người khác phê phán, hễ có vấn đề gì đó mà ai nhắc tới mình, là tâm lý suy sụp. Nhưng tôi thì không. Tôi từng đấu tranh, họ "đánh" tôi là vì không hiểu tôi, nhưng tôi vẫn là tôi. Bản thân tôi như thế nào thì tôi tự biết, người khác làm sao mà hiểu tôi hơn tôi được, nên tôi rất tự tin.
Đó là yếu tố tinh thần. Trong cuộc sống, phải biết tạo ra sự cân bằng. Đừng để những thứ mất cân bằng tác động vào mình.
Ai giận mình, ai ghét mình, ai nói xấu mình cũng kệ họ. Khi họ nói xấu mình, mà mình cũng làm vậy với họ, thì chẳng qua mình cũng như họ mà thôi. Hãy kệ họ. Đó là chuyện khách quan, đừng để chuyện khách quan tác động vào con người mình. Mình phải là mình, làm chủ cảm xúc của mình. Mình biết mình, xấu hay tốt đều biết rõ. Khi mình biết mình xấu ở đâu thì mình sửa, còn khi mình tốt, thì dù ai có nói xấu cũng không được. Cho nên, cuộc sống này, vui vẻ thì giữ lại, còn mệt mỏi căng thẳng thì bỏ ra ngoài.
Nói thì dễ, nhưng làm thì khó. Nên bản thân phải biết cách tự rèn luyện, không còn cách nào khác. Đừng để những thứ xấu đánh gục mình, mà mình phải chủ động đẩy nó ra.
Bản lĩnh là ở chỗ ấy. Cho nên, đời tôi dù cũng có nhiều lần người ta hay gọi là "lên bổng xuống trầm" rồi đấy, nhưng tôi cũng nhanh chóng vượt qua, xem mọi thứ đều là điều bình thường.
Luyện để cân bằng về tinh thần trong cuộc sống thường nhật là điều quan trọng, vì bản thân mỗi người không ai có sẵn sự cân bằng cả. Thật sự không có đâu.
Tôi đã từng chứng kiến không ít, có những người cực giàu, điều kiện sống cực sướng, ngồi ăn chơi đến mức bụng phệ ra, nhưng rồi chết sớm. Trong khi đó, có những người khác, đói nghèo, làm việc cật lực, nhưng vẫn sống đến 90 tuổi.
Cá nhân tôi đây, tham gia chiến đấu như thế, vẫn sống đến nay. Còn những người, hơn 30-40 bụng đã phệ ra, rồi có bệnh, rồi chết. Lẽ ra phải biết cân bằng trong cuộc sống, nhưng lại ăn nhiều quá, chơi nhiều quá. Đây là trường hợp cuộc sống đã tự cân bằng cho bạn rồi nhưng bạn không biết giữ cân bằng, bạn tự đánh mất.
Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa rằng, khi cuộc sống của mình vốn dĩ thiếu đi sự cân bằng, thì mình cần biết cách tạo ra sự cân bằng chủ động. Vậy là đủ. Tôi tự tạo ra cân bằng cho tôi và duy trì cuộc sống.
PV: Nhiều người nghỉ hưu thì nghỉ việc, vui vẻ với điền viên, sum vầy cùng con cháu. Nhưng ông thì không thế. Vẫn hăng say, nhiệt huyết, thậm chí còn nhận trọng trách lớn khi tham gia vào nghị trường. Ông không thấy là thêm việc thì thêm mệt sao?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Theo tôi, làm việc không có nghĩa là mệt mỏi, là áp lực. Mà đôi khi, là sự thoải mái. Cái mà mình cần phải nói, nói để cho người ta hiểu, mà mình nói ra được hết, chính là cách tạo ra sự cân bằng. Nếu mình giữ lại trong người, suy nghĩ nhiều, ấm ức, không nói ra được với ai, thì càng căng thẳng.
Tôi mỗi lần làm việc với Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư, tôi nói rằng cái này là những lời "gan ruột" của tôi, tôi nói ra để các đồng chí biết, tôi thanh thản. Còn khi tôi chưa được nói, giữ lại trong lòng sự ấm ức, sẽ rất khổ sở. Nếu "thả" ra được cái ấm ức đó thì trong lòng sẽ thanh thản.
Cho nên, đấu tranh để phát biểu chính kiến của mình là khi trong người đang ấm ức, được nói ra tất cả, giãi bày tất cả suy nghĩ của mình thì thanh thản. Cái gì đang tích tụ lại thì phải cho ra hết.
Nhiều người hỏi tôi, nói ra thẳng thắn như vậy có sợ không, nhưng tôi nói luôn rằng, sợ thì sẽ không nói. Mình dám nói ra thì mới thanh thản.
Làm sao để có bản lĩnh mà nói ra sự thật ư? Tôi không bắt ai phải khen tôi tốt. Tôi vẫn là tôi. Tôi đang muốn nói gì mà nói được ra thì sẽ giải tỏa được tâm lý, tạo ra sự cân bằng về tâm lý. Chưa được nói là trong đầu óc luôn suy nghĩ, đêm nằm không ngủ được. Nhưng hôm sau gặp Ban Bí thư, nói ra được hết những vấn đề cần nói, thế là về nhà lại ngủ ngon lành.
Ai chưa hiểu mình, hiểu sai mình, đấu tranh với mình, "đánh" mình, thì vẫn kệ họ. Họ đánh cho "tơi bời" nhưng mình vẫn sống đàng hoàng. Càng sống tốt như vậy thì người ta mới thấy rằng mình không phải là người mà như trước đây họ đã nghĩ. Nếu mà tôi đã sống như thế nào đó, thì giờ đây làm gì còn ai đến, bạn bè, người nọ người kia ai còn đến làm gì.
Có nhiều người lúc làm to, người ta rất xun xoe, nhưng khi về hưu rồi, người ta không những không đến, mà khi nhìn thấy người ta còn tránh không muốn chào. Cho nên, sự tử tế mới là thứ ở lại với cuộc đời. Làm gì không quan trọng, làm thế nào mới là quan trọng. Anh là con người như thế nào quan trọng hơn anh là ai.
Ví dụ, một cô công nhân quét rác chẳng có địa vị xã hội gì nhưng được mọi người rất kính trọng, quý mến. Trong khi một anh quan to lại đi tham ô tham nhũng, thế rồi đi tù. Có những người, không đủ tư cách để tôi phục. Có những người thân phận rất thấp, nhưng tôi lại rất quý phục. Dù họ không to hơn tôi, nhưng họ lại có những phẩm chất, những vấn đề họ để lại mà tôi cần phải học tập. Không phải chỉ học trên, mà phải học cả dưới.
PV: Khoa học mà nói, để có một sức khỏe tốt, cần phải có một lối sống lành mạnh, sinh hoạt điều độ. Trong điều kiện hiện nay, ông đã áp dụng được điều này chưa?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Bây giờ tôi đã có điều kiện sống tốt hơn trước. Ngủ thì mỗi đêm 7-8 tiếng, điều độ. Đêm nào mà phải thức để làm việc thì cũng sẽ vui vẻ làm cho xong nhiệm vụ, sau đó mình sẽ chú ý để tạo ra sự cân bằng mới, tức là ngủ bù.
Thật may là hiện nay tôi vẫn có một giấc ngủ rất tốt. Nếu "cho" ngủ thoải mái thì tôi ngủ 9 tiếng cũng được, nhưng vì bản thân phải giữ sức khỏe, biết là không nên ngủ nhiều, tôi đặt chuông đồng hồ, ngủ đủ thời gian thì dậy để tham gia các hoạt động khác.
Tiếp theo đó là tôi tập thể dục đều, chủ yếu là đi bộ, tập thể dục nhẹ nhàng trong nhà, ngoài sân. Mỗi ngày tôi đi bộ khoảng 5 cây số. Tôi đi mấy chục vòng theo chỉ số đo trên điện thoại, đủ 5 cây số thì tôi dừng.
Về ăn uống thì bây giờ không ăn được như trước. Do tuổi cao nên khẩu vị cũng dần dần kém đi, ăn không được ngon miệng. Mỗi bữa ăn chỉ ăn 3 -4 thìa cơm, rồi ăn thêm rau canh. Thịt cũng ăn được rất ít, không muốn ăn.
Ngày xưa điều kiện vật chất không cân bằng thì mình tự tạo ra cho nó sự cân bằng nhờ ý chí. Giờ cuộc sống cân bằng rồi thì mình lại tiếp tục dùng ý chí để cố giữ lấy cái cân bằng đó cho ổn định.
PV: Bia rượu được xem là "vấn đề lớn" ở nam giới, tạo ra bất lợi cho sức khỏe và các vấn đề xã hội. Ông có uống rượu không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Ngày xưa tôi uống rượu cũng "ghê" lắm, nhưng bây giờ thì tôi không uống nữa. Tôi tự bỏ rượu. Quan điểm của tôi xưa nay nhất quán theo triết lý, cái gì có thể làm thì cái đó có thể bỏ. Biết uống rượu thì phải biết bỏ rượu.
Người không biết bỏ cái thứ mình đang làm sai, là do không có bản lĩnh. Tôi tự nghĩ, anh tự uống rượu chứ có ai bắt ép anh uống đâu. Anh đã biết uống thì anh phải biết bỏ.
Ngày xưa tôi đã từng uống nhiều rượu. Mỗi bữa ăn tôi uống tới 1 cốc rượu trắng (ông chỉ tay vào chiếc cốc to trên bàn - pv), nhưng giờ thì tôi không uống nữa.
Tuy nhiên, bây giờ tôi có uống mỗi ngày 2 ly nhỏ (chén mắt trâu) rượu thuốc. Mỗi bữa một ly, trong bữa ăn trưa và tối. Đây là rượu thuốc tự làm gồm rượu cao, rượu sâm và rượu thuốc bắc mua theo đơn của bác sĩ Đông y.
PV: Với kinh nghiệm "cai rượu" thành công, ông có lời khuyên nào dành cho những người đang bị phụ thuộc vào bia rượu?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Tôi không khuyên ai được! Không có ai cai rượu thay họ được. Bản thân họ không muốn bỏ rượu thì không ai bắt họ được cả.
Con người phải biết làm chủ chính mình. Mình phải điều khiển được hành động của mình. Được mời rượu là yếu tố khách quan, nhưng về chủ quan, có tiếp nhận hay không, có uống hay không là do mình. Mình không kiên quyết "đẩy ra" thì nó sẽ "lao vào" mình thôi.
Không giấu gì bạn, tôi cũng đã từng hút thuốc, bởi trong điều kiện chiến tranh, ngồi thức đêm triền miên như vậy, không có thuốc thì rất khó chịu.
Thời gian đó hút thuốc nhiều, tôi từng nói rằng, khi nào giải phóng, đất nước hòa bình rồi thì tôi sẽ bỏ thuốc. Phụ thuộc vào việc hút thuốc cũng là cái "nhục". Hồi trên chiến trường không có thuốc, chúng tôi lấy những chiếc lá khô cuốn vào rồi hút, lá gì cũng cuốn vào hút rất khổ.
Sau ngày giải phóng năm 1975 thì tôi chính thức bỏ thuốc, không hút lại thêm một điếu nào nữa. Không có cảm giác thèm nữa.
PV: Tháng trước khi tôi hỏi thăm, ông đang nằm viện. Vậy mà chỉ sau 1 tháng, ông đã "phơi phới" thế này, còn đi được cả Châu Âu lẫn Châu Á với những chuyến bay dài. Xem ra đến người trẻ cũng khó theo kịp, ông có lời khuyên gì cho họ không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Đúng là vừa qua, phải mất một tháng rưỡi tôi nằm trong viện, phải cấp cứu do viêm phổi, tắc nghẽn phổi. Tuổi già rồi rất nhiều bệnh, sức khỏe rất kém mà mình lúc đó lại hơi chủ quan. Tưởng là "đi" rồi! Nhưng may mắn lại hồi sức được trở lại như hôm nay. Khi sức khỏe ổn định thì tôi có việc phải đi Nga, sau đó đi Nhật, mới về.
Tôi không khuyên được ai, kể cả con cháu trong nhà. Tôi hay nói đùa với mấy đứa con, cả dâu rể, rằng các con khả năng không thể sống được đến tuổi của cha đâu. Con trai gì mà giờ bụng đã to rồi, làm sao mà sống lâu được (cười).
Cho nên, muốn khỏe mạnh thì phải rèn luyện. Ham mê công việc là tốt rồi, nhưng cũng phải biết dành thời gian cho thể dục thể thao.
Quan trọng nữa là vấn đề ăn uống. Mặc dù bây giờ điều kiện ăn uống rất tốt, nhưng lại sinh ra thói quen ăn nhiều, thậm chí là quá nhiều. Ăn uống không điều độ, làm việc cũng không điều độ.
Tôi nghĩ rằng, bây giờ bệnh tật nhiều cũng là do lối sống và sinh hoạt, ăn uống sai lầm.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ về bí quyết sống khỏe
PV: Những thứ mà người đời xưa nay gọi là "thói hư tật xấu" của đàn ông, xin hỏi thật, ông có bị "dính" cái nào không?
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: Cũng không có gì mà không nói thẳng. Tôi có uống rượu chè, nhưng không cờ bạc, không gái gú.
Thực tế thì trong điều kiện chiến tranh, làm gì có những "thứ đó". Nếu mà có thì cũng không ai dám nghĩ đến. Sự sống và cái chết đang kề cận trước mắt, chỉ có lo làm thế nào đánh cho thắng để tồn tại thôi. Không để tâm đến những điều gì khác.
Cho nên, thói hư tật xấu là do con người ta tự buông thả mình thôi. Khi mình đã buông thả rồi thì không ai có thể chữa cho mình được.
Cuối cùng thì, tôi nghĩ rằng mình có thể khỏe mạnh bao nhiêu, ngoài nền tảng sức khỏe, thì sự rèn luyện hàng ngày và ý chí quyết tâm chống chọi với hoàn cảnh chính là chìa khóa quan trọng giúp bản thân trở nên khỏe mạnh hơn.
Xin trân trọng cảm ơn Trung Tướng!