Theo các y bác sĩ, trong 7 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vài ngày qua thì có 5 người uống rượu chứa cồn công nghiệp mà không biết, 2 người uống cồn y tế. Từ đó, các y bác sĩ đã đưa ra cảnh báo khẩn thiết tới cộng đồng: cần hạn chế uống rượu, nếu phải uống không nên uống nhiều, và rượu phải rõ nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm an toàn.
Một trường hợp điển hình là bệnh nhân Lê Văn T., sinh năm 1969, quê Hà Tĩnh trú tại Phúc Thọ, Hà Nội. Bệnh nhân này nhập viện ngày 27/2.
Bệnh nhân ngộ độc rượu đang cấp cứu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai (Ảnh: Soha.vn)
Theo vợ bệnh nhân, anh T. làm ở Hà Nội hai tuần về nhà một lần. Thứ Bảy vừa rồi (25/2), anh Tiến về nhà vẫn bình thường, nhưng đến sáng Chủ nhật thấy mờ mắt thậm chí không đi được dép. Gia đình lập tức đưa anh vào Bệnh viện 105 Sơn Tây, rồi chuyển lên Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Đặng Thị Xuân - Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân Tiến bị ngộ độc rất nặng khi vào viện bệnh nhân đã không nhìn rõ gì. Bác sĩ đã tiến hành cấp cứu vì kinh nghiệm của khoa gặp rất nhiều bệnh nhân như thế này.
Kết quả xét nghiệm methanol trong cơ thể bệnh nhân này lên tới 47,6 mg/dL, trong khi bình thường 20 mg/dL đã là rất nặng phải lọc máu.
Bác sĩ CKII Đặng Thị Xuân, Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai nói về bệnh nhân Tiến và phát ra cảnh báo tới cộng đồng.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, quyền phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết, 7 bệnh nhân đang điều trị tại viện Bạch Mai đều trong tình trạng nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, đa phần bệnh nhân có mờ mắt, giảm thị lực hoặc mù, hôn mê, tụt huyết áp, thậm chí có bệnh nhân đã ngừng tuần hoàn 1 lần.
Các bệnh nhân đều có nồng độ cồn trong máu rất cao, nhưng không có ethanol mà toàn là cồn công nghiệp methanol, có những người lên đến hơn 500mg/dL (cao hơn liều nghi tử vong đến hàng chục lần).
Phỏng vấn Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, quyền phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai.
BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, người dân không thể phân biệt được rượu bình thường và rượu có methanol bằng mắt thường, chỉ biết đó là loại rượu trắng, không có nhãn mác, giá rẻ bán trôi nổi ngoài thị trường.
Một số ít uống cồn y tế vì người ta nghĩ rằng cồn y tế dùng được trong y tế thì an toàn cho người. Tuy nhiên, đó là quan niệm sai lầm vì rất nhiều trường hợp uống cồn y tế vào bị ngộ độc rất nặng, thậm chí tử vong. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần thông tin cảnh báo cho người dân nguy cơ của loại sinh phẩm sát trùng này để họ biết là không nên uống vì không an toàn.
BS Nguyên cho biết, vấn đề rất nghiêm trọng trong ngộ độc methanol là khi methanol vào cơ thể lại được chuyển hóa thành chất độc hơn nhưng lại phát tác rất chậm, phải sau 1 đến 2,3 ngày các biểu hiện mới rõ hơn. Tức là bệnh nhân có thể uống rượu trước đó 2,3 ngày, thậm chí hàng tuần, lượng methanol cứ tích lũy dần dẫn tới một liều lượng nhất định gây tổn thương quá rõ bên ngoài.
Thế nhưng những gì chúng ta không cảm thấy không có nghĩa là cơ thể không bị tổn thương. Khi đã đủ gây ra những biểu hiện bên ngoài khi đấy có nghĩa là đã uống quá nhiều. Đa phần các trường hợp đến muộn 1,2 ngày sau khi uống, khi ấy là quá muộn.
Các trường hợp này hầu hết gặp các tổn thương mắt, mờ mắt. hôn mê, rối loạn chuyển hóa nặng, tổn thương não, hoại tử trên não, thậm chí nặng hơn cả những trường hợp tai biến mạch máu não.
Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề ngộ độc methanol, BS Nguyên cho rằng chúng ta không thể đợi những vụ ngộ độc hàng loạt đáng tiếc xảy ra mà ngay bây giờ đã cần có sự tham gia của các cơ quan chức năng một cách tích cực, mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này.