Tường thành bí ẩn nhất châu Phi

Ninh Hạ |

Tọa lạc ở Đông Nam Zimbabwe (châu Phi) là di tích thành cổ kỳ vĩ Đại Zimbabwe.

Tường thành bí ẩn nhất châu Phi- Ảnh 1.

Tàn tích thành cổ Đại Zimbabwe. Ảnh: Nationalgeographic.org

Theo mô tả từ đội trưởng đồn trú Sofala, Vicente Pegado của Bồ Đào Nha vào năm 1531, nơi này là pháo đài bằng đá không cần vữa, to lớn và bền chắc ngoài sức tưởng tượng.

Tàn tích của nó ngày nay vẫn là tường đá vững vàng và dù mất khá nhiều thời gian cũng như công sức, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nó là công trình của ai, xây dựng vì mục đích gì.

Thành đá khổng lồ

Đại Zimbabwe nằm gần Mutirikwe và thị trấn Masvingo, có tổng diện tích 7,22km2 và sức chứa 18 nghìn người. Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ, nó được xây dựng từ thế kỷ IX, liên tục sử dụng đến thế kỷ XIII và cuối cùng bị bỏ hoang hoàn toàn vào thế kỷ XVI.

Cấu trúc của Đại Zimbabwe bao gồm 3 khóm kiến trúc riêng biệt là Khu phức hợp trên đỉnh đồi, Khu phức hợp trong thung lũng và Tường bao. Khu phức hợp trên đỉnh đồi được xây dựng đầu tiên, dài 100m, rộng 45m và kiểu kiến trúc có khả năng là dạng nhà daga châu Phi (nhà được đắp bằng đất sét hoặc bùn). Theo suy đoán của các nhà nghiên cứu, Khu phức hợp trên đỉnh đồi là trung tâm tín ngưỡng, phục vụ cho thực hành tôn giáo.

Bao quanh Khu phức hợp trên đỉnh đồi là Tường bao kỳ vĩ được xếp bằng đá granit. Nó được thiết kế theo đường tròn, chu vi rộng 250m, chiều cao tối đa 11m, độ dày 6m và đặc biệt không hề cần đến chút vôi vữa hay chất kết dính nào.

Bên trong Tường bao còn một bức tường dài 55m, chạy song song tạo thành lối đi hẹp dẫn đến ngọn tháp hình nón. Ngọn tháp này cao 10m, rộng 5m, có khả năng là thùng đựng ngũ cốc khổng lồ hoặc kiến trúc mang tính biểu tượng nào đó.

Khu phức hợp trong thung lũng được xây dựng sau cùng, có khả năng là khu dân cư vì sức chứa lớn. Theo suy đoán, Tường bao của Đại Zimbabwe là bức tường phân cách giữa khu vực dành cho dân thường, những người sống trong Khu phức hợp trong thung lũng và khu vực dành cho tầng lớp thượng lưu, những vua chúa, thủ lĩnh tôn giáo sống trong Khu phức hợp trên đỉnh đồi.

Thách thức thú vị

Tường thành bí ẩn nhất châu Phi- Ảnh 2.

Tường bao của Đại Zimbabwe vẫn còn rất vững chãi dù không hề có vôi vữa. Ảnh: Sacredsites.com

Tư liệu lịch sử đầu tiên nhắc đến sự tồn tại của Đại Zimbabwe là ghi chép của Vicente Pegado, đội trưởng đồn trú Sofala (ngày nay là Mozambique): “Trong các mỏ vàng của vùng đồng bằng nội địa giữa sông Limpopo và Zambezi, có một pháo đài bằng đá kích thước kỳ vĩ và hình như không cần đến vôi vữa... Bên trong nó có một tòa tháp cao 22m, người bản xứ gọi đó là Symbaoe, tức Tòa án”.

Mặc dù là người để lại ghi chép nhưng ông Pegado chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy Đại Zimbabwe. Hơn 300 năm sau, các nhà thám hiểm châu Âu mới tới đây khám phá và lúc này, Đại Zimbabwe đã bị bỏ hoang rất lâu, chỉ còn là tàn tích.

Khai quật Đại Zimbabwe phát hiện nhiều hiện vật bằng gốm, sắt, đồng, ngà voi… Phần lớn các hiện vật đều được chế tác, chạm khắc tinh xảo, cho thấy người dân sống tại đây đã có một cuộc sống khá sung túc. Bên cạnh những đồ vật địa phương, người ta còn tìm thấy một số vật thể lạ như hạt thủy tinh, đồ sứ… đến từ Trung Quốc, Ba Tư và Syria.

Năm 1871, nhà thám hiểm và địa lý học người Đức - Karl Mauch tuyên bố, Đại Zimbabwe là cung điện của Nữ hoàng Sheba ở Jerusalem (Trung Đông) và vật liệu xây dựng Tường bao được nhập khẩu từ Lebanon. Năm 1905, đoàn thám hiểm làm việc cho Anh do thám hiểm gia David Randall-MacIver dẫn dắt phản bác, cho rằng Đại Zimbabwe có từ thời Trung cổ và thuộc về người Shona bản địa.

Suốt nhiều thập kỷ thuộc thời kỳ thuộc địa (1888 – 1965), các cuộc khai quật và nghiên cứu về Đại Zimbabwe bị chính quyền thuộc địa Zimbabwe là Anh can thiệp. Họ phản bác và che giấu bất cứ bằng chứng, luận điểm nào cho rằng đây là công trình của người châu Phi. Mãi đến khi Zimbabwe giành được độc lập, các tư liệu thật sự về Đại Zimbabwe mới được công khai.

Ngày nay, nhiều người tin Đại Zimbabwe là công trình xây dựng của người Gokomere bản địa. Đây là bộ lạc đã sống quanh Đại Zimbabwe từ thế kỷ IV, rất giỏi chế tác đồ gốm và thích tạo tác nghệ thuật với đá.

Chưa hết, người Gokomere còn thành thạo buôn bán. Họ đã xây dựng được mạng lưới thương mại rộng lớn, trải dài đến tận bờ biển Mozambique và từng trao đổi hàng hóa với các thương thuyền của người Trung Quốc, Ả Rập...

Vào thời kỳ cực thịnh, Đại Zimbabwe có thể là trung tâm thương mại lớn, kinh doanh gần như tất cả các loại hàng hóa có trên thế giới lúc này. Chính vì vậy mà trong các hiện vật được tìm thấy ở nó mới có cả những món đồ thuộc về nền văn hóa Trung Đông, châu Á…

Nửa cuối thế kỷ XV, trung tâm mạng lưới buôn bán của người Gokomere rời dần xuống phía Bắc. Rất có thể, đây chính là nguyên nhân khiến Đại Zimbabwe bị bỏ hoang. Thiếu bàn tay của con người chăm sóc, các công trình nhà cửa bằng bùn đất sụp đổ, lâu ngày hóa thành đất vụn, chỉ còn lại những công trình bằng đá.

Một số người khác thì cho rằng, Đại Zimbabwe là trạm buôn bán của người Bồ Đào Nha hoặc người Phoenicia. Họ xây dựng nó để làm chỗ tạm nghỉ chân và trao đổi, mua bán hàng hóa, khi không dùng đến nữa thì bỏ mặc nên công trình này mới trở thành phế tích.

Tuy chỉ còn là tàn tích, Đại Zimbabwe vẫn đóng vai trò quan trọng là biểu tượng của nền văn minh châu Phi. Năm 1986, UNESCO công nhận nó là Di sản Thế giới với tư cách “công trình kiến trúc bằng đá thời Trung cổ lớn nhất ở châu Phi cận Sahara”. Vì tất cả những kết luận về thành cổ bằng đá kỳ vĩ này đều chỉ dựa trên lập luận nên, đối với các nhà khảo cổ tương lai, đây vẫn còn là thách thức thú vị chờ họ tìm ra câu trả lời.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại