Sáng 20/11, bên lề kỳ họp Quốc hội, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2 cho biết, sau khi ông phát biểu trước Quốc hội về một số vấn đề nóng như tham nhũng, cán bộ thì nhận được nhiều tin nhắn, cuộc gọi chia sẻ, động viên, đánh giá cao của cử tri, nhân dân.
PV: Sau các phát biểu trên diễn đàn Quốc hội, ngoài tin nhắn chia sẻ, động viên thì ông có gặp phải áp lực gì không?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Cái đó tôi chưa phát hiện được, nhưng tôi nghĩ trong việc này cũng như trong "cuộc chiến" phải có cái được, cái không.
Trong một số vụ việc, cơ quan chức năng kiểm tra kết luận tài sản của cán bộ không rõ nguồn gốc nhưng lại không thu hồi được. Nhiều người cho rằng, chúng ta đang bất lực trước các tài sản bất minh. Là người từng nêu ý kiến mạnh về vấn đề kê khai tài sản của cán bộ, ý kiến của ông về việc này như thế nào?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Kê khai tài sản là một vấn đề, nhưng kê khai xong thì cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm thẩm định lại.
Việc kê khai đó phải được xác minh ở địa phương mà cán bộ đó cư trú hay cơ quan mà cán bộ đó làm việc xem đúng hay chưa thì mới chính xác.
Về tài sản bất minh cần quá trình điều tra, xác minh. Kết luận về một con người không hề đơn giản, bởi còn liên quan đến sinh mệnh chính trị, nghề nghiệp của người ta, không thể nói linh tinh mà phải chính xác.
Còn thu hồi tài sản chủ yếu là do mình chưa cương quyết thôi. Anh đã tham nhũng tài sản thì những thứ đó chẳng nhẽ có cánh mà bay? Nó chỉ có vào những người thân, người quen, vào những chỗ quen biết chứ chả đi đâu.
Cá nhân ông có hiến kế gì trong việc thu hồi tài sản được xác định là bất minh, không rõ nguồn gốc, tham nhũng của cán bộ?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Hiến kế không có gì khó khăn, nhưng cơ bản là cơ quan chức năng đi thực hiện nhiệm vụ thẩm định, kiểm tra, xác minh các tài sản bị tham nhũng phải là những người thực sự liêm chính, chí công, vô tư mới làm được. Nếu nặng về mục đích gì đó sẽ không làm được.
Ủy ban Tư pháp đã chỉ ra có tham nhũng trong chính cơ quan chống tham nhũng, vậy chúng ta phải làm thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Đó là điều không tránh khỏi. Bởi cái gì cũng có 2 mặt tích cực và tiêu cực, nhưng cố gắng làm sao để mặt tích cực phải chủ đạo, tiêu cực giảm bớt đi thì mới làm được.
Giả sử phát hiện lực lượng chống tham nhũng có biểu hiện tham nhũng thì xử lý như thế nào, thưa ông?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Như tôi đã nói, lực lượng đi xác minh tài sản thực sự phải rất có bản lĩnh, liêm khiết.
Ví dụ ngày xưa ở đơn vị, các đoàn kiểm toán, thanh tra đến, tôi nói: "Các anh cứ làm nghiêm túc, sai ở đâu cứ xử lý, nhưng không được đòi hỏi cái gì, nếu đòi hỏi tôi sẽ xử lý". Vậy là hai bên thông cảm, hiểu nhau nên qua các lần thanh kiểm tra, đưa ra tập thể, cán bộ chiến sỹ công khai thì thừa nhận không có vấn đề và nếu có thì xử lý ngay.
Còn nếu phát hiện những trường hợp tiêu cực thì theo chủ trương của Đảng, Nhà nước phải thay thế ngay, cho nghỉ việc, không thể dùng được.
Cá nhân ông nếu phát hiện lực lượng chống tham nhũng có biểu hiện tham nhũng, sách nhiễu thì có dám tố cáo không?
Thiếu tướng Sùng Thìn Cò: Tôi nghĩ với tất cả các vấn đề tiêu cực nếu tôi biết được thì sẽ phát biểu. Đầu tiên mình phải liêm khiết, còn mình đã không liêm khiết thì nói sao được chống tham nhũng.