Ở tuổi 92, nhưng thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh không quân còn rất minh mẫn.
Gần đến ngày Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều tổ chức ở Hà Nội, tướng Hy đã có những chia sẻ về những năm tháng oanh liệt của người lính Triều Tiên chiến đấu trên chiến trường Việt Nam.
Phi công Triều Tiên là những người quả cảm
"Đó là bài ca không quên được, sống mãi trong ký ức của tôi. Những người lính Triều Tiên thật ngoan cường, quả cảm, chiến đấu anh dũng trên chiến trường", ông Hy lật mở ký ức.
Theo ông, Triều Tiên là một trong những nước thiết lập quan hệ ngoại giao sớm nhất với Việt Nam. Giai đoạn 1950 - 1960, cả hai nước đều bị chia cắt, cùng đang chiến đấu chống đế quốc Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ các nước như Trung Quốc và Liên Xô.
Việt Nam lúc đó đã được Liên Xô hỗ trợ nhiều loại máy bay chiến đấu. Bằng sự kiên trì học hỏi, nên không quân ta làm chủ kĩ thuật, chiến đấu oanh liệt, hạ nhiều máy bay Mỹ trên bầu trời miền Bắc.
Khi đó, được sự thỏa thuận giữa hai chính phủ Việt Nam - Triều Tiên, nước bạn đã cử sang Việt Nam đoàn không quân khoảng 100 người tham gia chiến đấu cùng Việt Nam để rút kinh nghiệm, xây dựng không quân.
Đoàn lính này được Bộ Tư lệnh không quân giao cho Trung đoàn 923 đóng ở sân bay Kép quản lý. Mọi điều kiện ăn ở, phương tiện chiến đấu đều do phía chúng ta phụ trách.
Tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh không quân.
"Hồi đó, cuộc chiến đấu của quân ta và Triều Tiên với đến quốc Mỹ chủ yếu diễn ra vùng trời ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hải Hưng, Hà Bắc. Các chiến sĩ Triều Tiên là những phi công giỏi, có kiến thức.
Tuy khác biệt về văn hóa, ngôn ngữ nhưng họ rất nhanh hiểu, nắm vững kĩ thuật lái máy bay chiến đấu, hòa nhập với quân đội Việt Nam. Nhân dân ta chăm sóc họ như con trong một nhà, miếng gì ngon cũng san sẻ cùng nhau", tướng Hy kể.
Cũng theo tướng Huy, ngoài trận chiến, phi công Triều Tiên là những người quả cảm, kiên cường. Họ là những người chấp hành mệnh lệnh, nhiệm vụ rất tốt. Lòng tự hào dân tộc của họ rất cao.
Trong thời gian ở Việt Nam, họ đã được gặp Bác Hồ, ấn tượng trong lòng về đức tính giản dị của Bác.
"Có lần Bác Hồ đến thăm chúc Tết đơi vị chúng tôi. Thấy Bác Hồ đến, các bạn Triều Tiên đã vây quanh mong muốn chụp hình cùng Bác để làm kỷ niệm. Thấy rất đông nên Bác Hồ đã ngồi bệt xuống đất để chụp với tất cả mọi người rất giản dị. Sau đó Bác thăm hỏi, động viên các chiến sĩ Triều Tiên xa nhà.
Tướng Hy (bên phải) chụp hình cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những người lính Triều Tiên sau đó đã viết thư gửi về gia đình tâm sự là rất vui mừng và họ nói rằng rất tự hào khi được vị lãnh tụ Việt Nam đến thăm hỏi", tướng Hy bồi hồi kể lại.
Tổng kết giai đoạn 3 năm 1966 - 1969, các chiến sĩ Việt Nam bắn rơi tổng 222 máy bay Mỹ, trong đó các chiến sĩ Triều Tiên đã bắn rơi 26 máy bay.
Theo nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh không quân, đó là kết quả tự hào, "bài ca không quên" về tinh thần chiến đấu diệt kẻ thù của "anh em" Việt Nam – Triều Tiên.
Thế nhưng, trận chiến nào không đau thương, mất mát. Con số 14 chiến sĩ Triều Tiên hi sinh trên chiến trường Việt Nam khiến tướng Hy rưng rưng nước mắt…
"Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Việt Nam là hợp lý, sẽ đạt kết quả tốt!"
Tướng Hy kể: "Lúc đó do hoàn cảnh chiến tranh, phía Triều Tiên có đề nghị chôn các chiến sĩ hi sinh tại Việt Nam. Đại sứ quán Triều Tiên sau đó chọn địa điểm chôn cất các chiến sĩ tại xã Tân Dĩnh, huyện Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang).
14 ngôi mộ được chôn cất rất đàng hoàng, khang trang. Năm 2002, phía Triều Tiên đã cử đoàn sang Việt Nam ta cất bốc hài cốt đưa các chiến sĩ hi sinh về đất mẹ.
Khi hài cốt được đưa đi, Việt Nam ta đã cho làm khu tưởng niệm với 14 mô hình ngôi mộ. Hàng ngày, nơi tưởng niệm được chăm lo hương khói, quét dọn sạch sẽ thể hiện tấm lòng biết ơn, tình nghĩa sâu sắc với nước bạn Triều Tiên trong công cuộc giải phóng đất nước Việt Nam.
Tướng Hy chụp ảnh kỷ niệm với các chiến sĩ không quân Triều Tiên
Tướng Hy cho biết, ông thường xuyên theo dõi qua báo đài và biết được việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngày 27-28/2 tới tại TP Hà Nội.
"Như tôi đã nói, Việt Nam và Triều Tiên vốn có quan hệ hữu nghị truyền thống lâu dài, đặc biệt trong khói lửa của cuộc kháng chiến bảo vệ dân tộc. Chính vì vậy tôi nghĩ Việt Nam được chọn làm địa điểm tổ chức cuộc gặp Thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un là rất hợp tình, hợp lý.
Đây là sự kiến được cả thế giới chú ý, giúp Việt Nam quảng bá hình ảnh đất nước. Tôi mong sẽ đạt được những thỏa hiệp, kết quả tốt", tướng Hy nói.
Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh ngày 1/1/1927 tại làng Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Trong cuộc đời hoạt động của mình, ông đã trải qua các cương vị như Chủ nhiệm Chính trị Ban Nghiên cứu sân bay (tiền thân của Quân chủng Không quân); Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân; Phó Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn.
Sau năm 1975, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế; Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần. Năm 1980. Ông được phong quân hàm thiếu tướng, là đại biểu Quốc hội khóa VIII (1987-1992).
Năm 1993, tướng Hy ông nghỉ hưu. Ông hiện là Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.