Tướng Nguyễn Chuông: "Chờ xe tăng lên đã!" - Quyết định không dễ dàng nhưng chính xác

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

"Sở chỉ huy càng căng thẳng, im lặng, chẳng ai đồng tình thái độ của tôi cả. Đồng chí tác chiến bỗng nói to: "Xe tăng lên rồi!".

Là lực lượng đột kích quan trọng của Lục quân, xe tăng Việt Nam mặc dù tham chiến chưa nhiều song đã chiếm được niềm tin trong lòng người chỉ huy binh chủng hợp thành (BCHT) cũng như đồng đội các binh chủng khác.

Chính vì vậy, vào những thời khắc quyết định của trận đánh, khi pháo hỏa chuẩn bị đã chuyển làn, cửa mở đã thông... song có những chỉ huy BCHT vẫn kiên quyết: "Chờ tăng lên đã!".

Đó là chuyện xảy ra trong trận tiến công căn cứ Phú Lợi của Sư đoàn 312 do Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông chỉ huy.

Hướng thứ yếu nhưng có vị trí vô cùng quan trọng

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975, Quân đoàn I chịu trách nhiệm tiến công Sài Gòn- Gia Định từ hướng Bắc. Căn cứ vào tình hình nhiệm vụ, tình hình địch và các mặt khác, Bộ Tư lệnh quân đoàn hạ quyết tâm chiến đấu tiến công trên 2 hướng:

Hướng chủ yếu: Là hướng thọc sâu vào nội đô Sài Gòn, đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu và Bộ Tư lệnh các binh chủng quân đội Sài Gòn... do Sư đoàn 320B được tăng cường một số đơn vị binh chủng đảm nhiệm.

Tướng Nguyễn Chuông: Chờ xe tăng lên đã! - Quyết định không dễ dàng nhưng chính xác - Ảnh 1.

Hướng thứ yếu: có nhiệm vụ bao vây, tiêu diệt Sư đoàn 5 quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH), kiên quyết ngăn chặn không cho quân địch chạy về Sài Gòn do Sư đoàn 312 được tăng cường một số đơn vị binh chủng, trong đó có 1 đại đội xe tăng đảm nhiệm.

Mặc dù là hướng thứ yếu song hướng tiến công do Sư đoàn 312 đảm nhiệm có vị trí hết sức quan trọng. Sở dĩ như vậy bởi vì cho đến thời điểm đó, Sư đoàn 5 VNCH vẫn còn nguyên vẹn lực lượng. Nếu để chúng rút về Sài Gòn thiết lập tuyến phòng ngự mới ở ven đô sẽ gây khó khăn rất lớn cho hướng thọc sâu.

Nhận thức rõ tầm quan trọng đó, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông quyết định sử dung Trung đoàn 209 tổ chức "chốt chặn" trên đường 13, kiên quyết không để bất kỳ tên địch nào chạy về Sài gòn; sử dụng trung đoàn 165 cùng Tiểu đoàn 1 Trung đoàn 141 được tăng cường 1 đại đội xe tăng tiến công Tiểu khu Phú Lợi.

Tướng Nguyễn Chuông: Chờ xe tăng lên đã! - Quyết định không dễ dàng nhưng chính xác - Ảnh 2.

Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu.

Nếu tiêu diệt được tiểu khu Phú Lợi sẽ tạo áp lực vô cùng lớn lên thị xã Bình Dương và Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 VNCH đóng ở Lai Khê. Bởi vậy, Sư đoàn trưởng Nguyễn Chuông quyết định tập trung lực lượng tiêu diệt mục tiêu này. Trận đánh do đích thân ông chỉ huy.

Tiểu khu Phú Lợi trước đây là căn cứ của Sư đoàn 1 Mỹ, diện tích lên đến 32 ha, chia làm 7 phân khu.

Đây là một căn cứ có vị trí hết sức quan trọng ở phía Bắc Bình Dương nên được xây dựng rất kiên cố và có hệ thống vật cản rất vững chắc. Lực lượng đồn trú khoảng hơn 1 tiểu đoàn do 1 đại tá chỉ huy.

"Chờ Tăng lên đã!" - Một quyết định không dễ dàng nhưng chính xác

Đúng 6 giờ sáng ngày 30.4.1975, trận tiến công Tiểu khu quân sự Phú Lợi bắt đầu. Các trận địa pháo bắn trước. Các loại súng bắn theo như đổ đạn vào căn cứ. Đồn giặc trong căn cứ bốc cháy, khói lửa, bụi đất mù mịt trong căn cứ Phú Lợi.

Trước hỏa lực chế áp mạnh mẽ, địch trong căn cứ phản ứng rất yếu ớt. Bộ đội ta chớp thời cơ thực hành mở cửa mở. Sau 20 phút, hướng Trung đoàn 165 chỉ còn 2 hàng rào, hướng Trung đoàn 141 còn 3. Các trận địa pháo trong đồn im bặt.

Tướng Nguyễn Chuông: Chờ xe tăng lên đã! - Quyết định không dễ dàng nhưng chính xác - Ảnh 4.

Thiếu tướng Nguyễn Chuông.

Theo hợp đồng, thời điểm này xe tăng phải có mặt ở tuyến triển khai, phát huy hỏa lực tiêu diệt địch và dẫn dắt bộ binh xung phong. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà vẫn chưa có mặt theo hợp đồng.

Pháo binh tiếp tục cấp tập lần hai. Lúc này chiến hào 1 địch sập từng đoạn. Trung đoàn 165 phá rào, phá hết lô cất ở chiến hào 1, đoạn cửa mở. Địch phải co vào chiến hào 2. Trung đoàn 141 phá còn một hàng rào, chỉ chờ tăng lên là bộ binh cùng xe tăng xung phong.

Tướng Chuông kể: "Tôi hỏi tác chiến xem vì sao tiểu đoàn tăng tiến lên lại chậm thế, mới biết hai chiếc đi đầu bị sa lầy, các chiếc sau không lên được, đơn vị đang khắc phục".

"Lúc này, các chiến sĩ Đại đội 1 Trung đoàn 165 thấy địch chạy vào chiến hào 2 lập tức lên chiếm đoạn chiến hào 1. Trung đoàn trưởng Trần Măng đề nghị sư đoàn cho Trung đoàn 165 xung phong. Tôi trả lời phải chờ tăng lên".

"Lúc này, tôi rất suy nghĩ. Thời cơ đến không có tăng cũng đánh thắng. Nhưng chiến sĩ ta phải đổ máu nhiều hơn. Thực chất Trung đoàn 165 mới chỉ chiếm lĩnh một góc trận địa mà căn cứ Phú Lợi thì rất rộng lớn, rất nhiều khu, mà chúng lại còn đông quân".

Ông suy nghĩ: "Ta đang có sức mạnh hỏa lực rất lớn. Có tăng phải giáng một đòn thật mạnh, phá hủy vũ khí khí tài và làm mất tinh thần địch khiến cho chúng chỉ còn xác không hồn, tôi mới cho xung phong".

"Không ngờ tăng ta khắc phục gần một tiếng vẫn chưa lên được. Trung đoàn trưởng Trần Măng lại đề nghị lần thứ hai cho Trung đoàn 165 xung phong. Trong sở chỉ huy, các cán bộ cũng đề nghị tôi, thời cơ đến rồi. Tôi trả lời không được, phải chờ tăng lên".

Ông kể: "Rất nhiều ý kiến xì xào tôi chỉ huy chẳng ra sao cả. Mất thời cơ rồi. Tôi rất suy nghĩ và chịu đựng hơn viên gạch quá lửa, song cũng không trách anh em. Ngược lại tôi còn khen thầm. Đội ngũ cán bộ như thế là rất quý, có trình độ phân tích được thời cơ trận đánh".

Tướng Nguyễn Chuông: Chờ xe tăng lên đã! - Quyết định không dễ dàng nhưng chính xác - Ảnh 5.

Bộ đội xe tăng huấn luyện chiến đấu.

"Nhưng anh em chưa hiểu được tôi phải chờ tăng lên để chiến sĩ ta đỡ tốn máu. Anh em chưa biết quân ta đã vào Sài Gòn rồi. Sư đoàn 320 của quân đoàn ta đánh Bộ tổng tham mưu. Trung đoàn 209 đã chặn được đại bộ phận sư đoàn 5 nguy, chúng đang chạy ra hàng, không về được thị xã để ta đánh nữa đâu".

"Phải chờ tăng lên để đánh trận hiệp đồng binh chúng đẹp nhất còn để nâng trình độ chỉ huy của cán bộ sư đoàn lên một bước nữa. Không còn thời cơ nào để sư đoàn có một trận đánh lịch sử như trận này nữa đâu".

Tôi đang suy nghĩ và nhìn cán bộ chiến sĩ trong sở chỉ huy xem vẻ khá căng thì đồng chí tác chiến lại đề nghị cho sư đoàn xung phong, không thì mất thời cơ rồi. Tôi trả lời: "Thời cơ nào, Ở đâu, im ngay?"

"Sở chỉ huy càng căng thẳng, im lặng, chẳng ai đồng tình thái độ của tôi cả. Đồng chí tác chiến bỗng nói to: "Tăng lên rồi!"

Không khí sở chỉ huy trở lại bình thường, còn rất vui nữa. Tôi lệnh cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 165: "Cho Đại đội 1 rút ra khỏi đoạn chiến hào 1. Sư đoàn sẽ cấp tập pháo lớn mười phút. Tăng lên, trung đoàn xung phong theo xe tăng vào đánh chiếm".

"Hạ lệnh xong cho tất cả đơn vị tôi thực sự phấn khởi. Trong sở chỉ huy, tiếng cười nói ồn ào, tôi cũng không ngăn cản mặc cho anh em hò reo khi xe tăng ta lên.

Tôi theo dõi xe tăng lao vào căn cứ, một chiếc rồi hai chiếc và chỉ mười phút sau, Trung đoàn 165 báo cáo đã chiếm khu trận địa tăng, bắt sống 50 tên, đang đánh sang khu chỉ huy sở".

Đúng 10.30, Trung đoàn 165 hoàn toàn làm chủ Tiểu khu Phú Lợi, tiêu diệt 44 tên địch, bắt sống 550 tên (có cả đại tá tiểu khu trưởng), thu 6 khẩu pháo có 1 "vua chiến trường 175mm, 2 khẩu cối 106,7mm... Về phía ta thương vong không đáng kể.

Lòng tin được đặt đúng chỗ cùng sự kiên quyết của người chỉ huy đã giúp cho trận đánh kết thúc nhanh chóng và điều quan trọng nhất là xương máu của chiến sĩ đỡ tổn thất rất nhiều.

(Bài viết có sử dụng một số đoạn và chi tiết trong cuốn "Đường binh nghiệp của tôi" của Thiếu tướng Nguyễn Chuông, NXB Thanh niên 2005)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại