Tướng Mỹ: Trước viễn cảnh bốc hỏa vì Iran, "đế chế Biden" sẽ tung chiêu hiểm khuất phục?

Hoài Giang |

Theo Tướng Joseph Rank và nhà phân tích Richard Baffa, nếu ông Biden thắng cử trong năm 2020, vấn đề Iran vẫn sẽ là nguyên nhân gây "nóng trong người" đối với tân tổng thống Mỹ.

Ngày 29/7, Viện Trung Đông (MEI) đăng tải bài viết nhan đề: "What a Biden Iran strategy might look like" (tạm dịch: Chiến thuật của (ứng cử viên tổng thống) Biden đối với Iran) của các nhà phân tích Joseph Rank và Richard Baffa.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan và dự đoán của một tổ chức phân tích có uy tín, về căng thẳng Mỹ - Iran trong tương lai hậu bầu cử tổng thống 2020, chúng tôi xin lược dịch bài viết.

Chính sách Trung Đông của ông Biden có gì khác so với 2 người tiền nhiệm?

Nếu đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020, ứng cử viên Joe Biden và những người dưới quyền ông sẽ đối mặt với một loạt các thách thức về chính sách đối ngoại. Và có lẽ không quốc gia nào có thể gây "nóng trong người" cho họ hơn Iran.

Căn cứ vào tuyên bố của ông Biden năm 2019, cựu phó tổng thống có thể sẽ tái khởi động Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), thứ mà Tổng thống Donald Trump đã đơn phương rút bỏ năm 2018 và thay bằng một chiến dịch "gây áp lực tối đa" nhằm ép Tehran trở lại bàn đàm phán.

Ông Biden cho rằng chính quyền Mỹ đứng đầu bởi ông sẽ hợp tác với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu để mở rộng các "ràng buộc hạt nhân" trong JCPOA và sẽ hiệu quả hơn trong việc hạn chế các "hành vi nguy hiểm của Iran trong khu vực".

Có thể thấy rằng cả chiến thuật gây áp lực dưới thời Obama - Biden với kết quả là JCPOA và của ông Trump hiện tại đã đi quá xa so với mục tiêu ban đầu, đó là kêu gọi Iran giải quyết các "vấn đề hạt nhân".

Các biện pháp này đã khiến căng thẳng giữa Mỹ và Iran tăng cao và trở thành "ngòi nổ" cho một cuộc chiến mà không có giải pháp ngoại giao song hành. Xét một cách toàn diện, cả hai phương pháp tiếp cận Tehran này đều thiếu sót và căn cứ vào các giả định sai lầm.

Tướng Mỹ: Trước viễn cảnh bốc hỏa vì Iran, đế chế Biden sẽ tung chiêu hiểm khuất phục? - Ảnh 1.

Vụ ám sát Tướng Iran Qassem Soleimani ở Baghdad, Iraq được cho là một tính toán sai lầm của chính quyền Trump.

Điểm khác biệt duy nhất là một số cố vấn của ông Obama tin rằng việc ký kết JCPOA không chỉ để hạn chế chương trình hạt nhân mà còn giúp cải thiện quan hệ Mỹ - Iran, còn chính quyền của ông Trump thì cho rằng trừng phạt kinh tế sẽ buộc Tehran đàm phán hoặc bị lật đổ.

Chính quyền của ông Biden phải học được những "bài học xương máu" từ cả hai chính sách và tìm ra cách tiếp cận cân bằng, tức là người Mỹ phải "chống mắt" để nhận ra rằng trong nhiều thập kỷ qua, cái gọi là "tương quan sức mạnh" trong khu vực đã thay đổi.

"Uy tín" của Mỹ ở Trung Đông hiện đang ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Đó không chỉ vì phản ứng thiếu nhất quán của ông Trump đối với Iran hay nỗ lực vội vã rút quân khỏi Syria (bỏ mặc đồng minh người Kurd) mà còn vì lính Mỹ dưới thời Obama-Biden đã rút khỏi Iraq và không đưa phản ứng tương xứng với cáo buộc vũ khí hóa học ở Syria.

Chính sách hậu thuẫn "nửa vời" phe đối lập ở Syria dưới thời Obama-Biden đã khiến cho "lá cờ đầu" của lực lượng này rơi vào tay các nhóm vũ trang có liên kết với al-Qaeda, cuối cùng là sự trỗi dậy của nhóm khủng bố IS, một "cơ hội vàng" cho can thiệp quân sự của Nga và Iran.

Những hành động này đã khiến các đối tác trong khu vực kết luận rằng Washington tỏ ra "kém tin cậy" và chỉ quan tâm đến việc "ghi điểm" đối với chính trị trong nước.

Các hoạt động quân sự của Lầu Năm Góc ở Trung Đông ngày càng phi thực tế, sẽ chỉ dẫn đến kết quả cuối cùng là "cuốn gói" hơn là bảo vệ lợi ích của Mỹ và sát cánh cùng các đồng minh trong thời kỳ hỗn loạn chưa từng có.

Một cuộc tập trận của hải quân Nga - Iran tại biển Caspian đầu năm 2019

Mỹ đã hơn một lần bỏ qua mong muốn của đồng minh ở Trung Đông?

Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA) đã thống nhất rằng bằng cách Mỹ và cộng đồng quốc tế nới lỏng bao vây đối với Iran, Tehran sẽ tạm dừng chương trình hạt nhân, điều mà họ đã thực hiện.

Tuy nhiên JCPOA không giải quyết được hoạt động của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khu vực, chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như các hoạt động quân sự nhằm vào đồng minh của Mỹ - thường là thông qua các lực lượng ủy nhiệm.

Điều quan trọng nhất đối với các đồng minh vùng Vịnh của Mỹ đó là JCPOA đã không giải quyết được "con voi trong phòng", sự mở rộng ảnh hưởng của Iran.

Những người "nhẹ dạ cả tin" đã cho rằng khi trừng phạt được dỡ bỏ, các giáo sĩ ở Tehran sẽ quyết định giảm thiểu các hoạt động trong khu vực nhằm cải thiện nền kinh tế. Nhưng thực tế là Iran đã làm điều ngược lại.

Iran đã "đổ dầu vào lửa" ở Yemen, gửi cố vấn và vũ khí tối tân, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay không người lái vũ trang (UCAV) cho lực lượng Houthi, tạo điều kiện cho nhóm vũ trang Yemen này "chuyển lửa" vào lãnh thổ Arab Saudi, đối thủ của Iran trong khu vực.

Tướng Mỹ: Trước viễn cảnh bốc hỏa vì Iran, đế chế Biden sẽ tung chiêu hiểm khuất phục? - Ảnh 3.

Việc các căn cứ Mỹ tại Iraq bị tên lửa đạn đạo Iran tấn công vào tháng 1/2020 là điều chưa từng có trong lịch sử.

Tehran cũng tham gia sâu hơn vào chiến sự Syria dưới hình thức các đoàn dân quân Hồi giáo Shia Iraq và Afghanistan, cung cấp vũ khí hiện đại cho lực lượng Hezbollah ở Lebanon và đe dọa tấn công Israel từ biên giới Syria.

Chính quyền của ông Trump đã kiên trì theo đuổi chiến dịch gây áp lực về cơ bản là đẩy Tehran "vào chân tường" và không có giải pháp nào khác ngoài việc leo thang căng thẳng hoặc chịu đầu hàng.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cho rằng không nên rút khỏi JCPOA mà nên "sửa đổi" để nó có thể giải quyết những thiếu sót bao gồm việc Iran gây bất ổn trong khu vực và chương trình tên lửa tầm xa ngày càng trở nên chính xác của Tehran.

Nhưng ông Mattis đã thua trận trước cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và những người khác trong chính quyền Trump, những người có vẻ chỉ quan tâm đến việc lật đổ thể chế Cộng hòa Hồi giáo ở Iran.

Hãy tưởng tượng rằng trong khi chính quyền Obama-Biden nhìn sự việc qua lăng kính "màu hồng", thì ông Trump rõ ràng đã bỏ kính để nhìn nhận một sự vật một cách méo mó. Cả hai cách tiếp cận đều không dẫn đến sự ổn định khu vực.

Đoạn phim tuyên truyền của Iran nhằm "kỷ niệm" 1 năm ngày hệ thống Khodad 3 của IRGC bắn rơi UAV RQ-4A Global Hawk vào ngày 20/6/2019.

"Phương pháp tiếp cận cân bằng"?

Điều ông Biden, hoặc bất kỳ ai đắc cử vào năm 2020 cần làm là một chính sách giúp hồi sinh JCPOA nhưng tăng cường nó để giải quyết 3 thiếu sót:

Đầu tiên là các hoạt động gây bất ổn trong khu vực của Iran, thứ hai là chương trình tên lửa đạn đạo và cuối cùng là củng cố các chế tài liên quan tới chương trình hạt nhân Iran ở giai đoạn sau năm 2025.

Tuy vậy, việc đưa Iran trở lại bàn đàm phán của JCPOA 2.0 chắc chắn sẽ cần duy trì một số biện pháp trừng phạt - có thể tương đương với 20% các lệnh trừng phạt đang "chất chồng lên nhau" dưới thời ông Trump.

Về phần mình, chắc chắn Tehran sẽ yêu cầu tái tham gia thị trường dầu mỏ thế giới mà không bị áp đặt bất kỳ hạn chế nào trong tương lai.

Trong khi các chính sách khu vực của chính quyền Obama-Biden dường như đã thất bại, một số cố vấn chính sách đối ngoại cao cấp của ông Biden, như Tony Blinken, Jake Sullivan... có kiến thức nhất định đối với Trung Đông.

Một số cố vấn gần đây đã tuyên bố rằng một chính quyền Mỹ dưới thời Biden sẽ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Iran nếu không có sửa đổi lớn trong JCPOA.

Vì vậy, mặc dù quan điểm của phe Biden trong chiến dịch tranh cử gắn liền với chính trị trong nước hơn là lợi ích quốc gia của nước Mỹ ở Trung Đông, các cố vấn của ông dường như nhìn rõ các nhà lãnh đạo Iran như họ vốn có, chứ không phải cái người Mỹ hy vọng sẽ trở thành.

Ngoài ra, việc tham khảo ý kiến ​​với các đồng minh trong khu vực đối với JCPOA 2.0 được cho là vô cùng quan trọng - điều chưa từng được thực hiện với JCPOA năm 2015 và khiến cho hầu hết các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông cảm thấy bị "bán rẻ".

Middle East Institude (MEI - Viện Trung Đông) được tuyên bố là một tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ đặt tại Washington DC. Tuy nhiên MEI nhận được tài trợ từ các quỹ của UAE, Arab Saudi và các công ty khai thác dầu khí và sản xuất quốc phòng Hoa Kỳ.

Thiếu tướng Joseph Rank là cựu chỉ huy Lục quân Hoa Kỳ, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về chính sách Trung Đông (2017-18) và là một nhà phân tích trực thuộc MEI. Ông hiện cũng là giám đốc điều hành của Lockheed Martin tại Arab Saudi.

Richard Baffa là phó giám đốc phụ trách mảng phân tích tại Circinus, một công ty phân tích quốc phòng có trụ sở tại UAE.

Ông từng là một nhà phân tích cao cấp về chính sách quốc tế - quốc phòng tại tổ chức RAND và đã từng công tác tại các vị trí trong lực lượng tình báo thuộc Lầu Năm Góc.

Cảnh quay cuộc tập trận hải quân của IRGC gần eo biển Hormuz (Nguồn: RT).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại