Vị tướng Mỹ cho biết những bước này được thiết kế để phá hủy các tên lửa đạn đạo đang bay tới cũng như một cuộc tấn công trả đũa.
Ngày 2-7, Tướng Goldfein đã cung cấp cái nhìn sâu hơn về cách đáp trả của Mỹ trong trường hợp lãnh thổ Mỹ bị tấn công hạt nhân.
Lấy Nga làm ví dụ do nước này sở hữu kho vũ khí hạt nhân khổng lồ, ông Goldfein vạch ra ba bước mà ông sẽ thực hiện trong trường hợp khẩn cấp như vậy, theo một báo cáo của kênh Fox News.
Theo ông Goldfein, bước thứ nhất là gọi cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO ).
“Cuộc gọi đầu tiên sẽ là gọi tới Tư lệnh tối cao NATO Tod Wolters, người sẽ cho tôi biết ông ấy cần gì để kết nối các lực lượng NATO nhằm ngăn chặn các hành động của kẻ địch và làm xao nhãng các mục tiêu của chúng”, ông nói.
Phản ứng trước một cuộc tấn công hạt nhân tiềm năng, Mỹ và NATO sẽ mở cuộc phản công trên không ồ ạt, sử dụng tất cả các loại máy bay chiến đấu từ F-35, F-22 cho tới máy bay ném bom B-2.
Theo ông Goldfein, các tiêm kích này có khả năng tấn công các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) khi chúng bay lên ngoài khí quyển của Trái Đất.
Mặt khác, những chiếc tiêm kích F-35 -hứa hẹn được trang bị vũ khí hạt nhân trong vài năm tới - sẽ tấn công các khí tài của kẻ địch, bao gồm các địa điểm phóng hạt nhân. Trong khi đó, tiêm kích F-22 sẽ chủ yếu làm nhiệm vụ phản công máy bay địch.
Còn oanh tạc cơ B-2 sẽ giữ nhiệm vụ phá hủy lưới phòng không của kẻ thù, các địa điểm phóng hạt nhân hoặc nếu có lệnh đặc biệt của Tổng thống Mỹ thì sẽ phá hủy toàn bộ thành phố.
Oanh tạc cơ B-2 Spirits của Mỹ được triển khai từ căn cứ không quân Whiteman, Missouri sau khi thực hiện bài tập huấn luyện tại căn cứ không quân Andersen, Guam năm 2017. Ảnh: Business Insider
Ông Goldfein cho biết Mỹ và NATO có các máy bay và hệ thống phòng thủ tên lửa được đặt ở vị trí tiền phương như Romania, Ba Lan và các khu vực quan trọng chiến lược khác.
NATO dựa vào hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đặt tại châu Âu –hệ thống mà Mỹ nhiều lần tuyên bố là dùng để đối phó mối đe dọa hạt nhân Iran, cũng như các khu trục hạm và tuần dương hạm vốn được bố trí sát lãnh thổ của kẻ địch.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo NATO, Mỹ và NATO cũng sẽ tận dụng tia laser đặt trên tàu chiến, pháo ray điện từ và đạn siêu tốc trong những năm tới.
Bước thứ hai trong kế hoạch của ông Goldfein sẽ là gọi cho Bộ Tư lệnh Phòng không Bắc Mỹ (NORAD).
NORAD có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ Mỹ trước các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Để làm được như vậy, lực lượng này dựa vào các hệ thống đánh chặn phóng từ mặt đất (GBI) vốn có nhiệm vụ phát hiện các đầu đạn thật sự được che giấu trong các vật nghi trang.
Ông Goldfein cho hay Mỹ đã chặn thành công một ICBM bằng GBI trong một vụ thử nghiệm.
Cụ thể, nhà thầu quốc phòng Mỹ Raytheon trước đó trong năm nay đã tung ra vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo ngoài tầng khí quyển EKV (exoatmospheric kill vehicle). EKV đã phá hủy thành công một ICBM mô phỏng trong một cuộc thử nghiệm hồi tháng 3.
Bước thứ ba mà ông Goldfein nêu ra sẽ là gọi cho John Hyten – Tổng tư lệnh Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (STRATCOM) và gửi lệnh tới các tàu ngầm hạt nhân.
Các tàu ngầm hạt nhân được thiết kế cho năng lực tấn công thứ hai quy mô lớn, sẽ đảm bảo tiêu diệt bất kỳ ai thực hiện tấn công hạt nhân vào Mỹ, theo Fox.
Theo ông Goldfein, ba bước trên cần được thực hiện đồng thời theo thứ tự cụ thể, như vậy Mỹ mới có thể bảo vệ tối đa lãnh thổ của mình trước một cuộc tấn công hạt nhân.