Một phiên thảo luận tại diễn đàn An ninh Sức mạnh Vũ trụ Thường niên lần thứ 2. Ảnh: Air & Space Forces Magazine
Theo trang mitchellaerospacepower.org, trong bài phát biểu tại diễn đàn An ninh Sức mạnh Vũ trụ Thường niên đầu tháng 4 do Viện Nghiên cứu Hàng không Vũ trụ Mitchell tổ chức, ông Saltzman cho biết Nga có các tia laser trên Trái đất có khả năng tấn công vệ tinh, thiết bị gây nhiễu điện tử và tên lửa diệt vệ tinh.
Tướng Saltzman nói: "Họ không hề tỏ ra e ngại khi thử nghiệm các hệ thống này. Họ có mọi ý định sử dụng vũ khí không gian trong cuộc xung đột, như chúng ta thấy trong cuộc xung đột ở Ukraine. Chúng tôi đã chứng kiến các cuộc tấn công mạng nhằm vào các nhà cung cấp internet vệ tinh cũng như gây nhiễu liên tục cho hệ thống SATCOM và GPS".
Nga đã nhằm vào hệ thống GPS Navstar mà Lực lượng Vũ trụ Mỹ vận hành và cung cấp cho một số quốc gia khác.
Ông Saltzman bình luận: "Không thể phủ nhận rằng vũ trụ là một khu vực chiến tranh gây tranh cãi".
Kênh NBC nói Lực lượng Vũ trụ Mỹ đã biết về vụ gây nhiễu ít nhất là từ tháng 4/2022. Tướng David Thompson tại Lực lượng Vũ trụ Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại thời điểm đó: "Ukraine có thể không sử dụng được GPS vì có các thiết bị gây nhiễu xung quanh khiến họ không nhận được bất kỳ tín hiệu nào".
Theo Giám đốc điều hành của SpaceX, ông Elon Musk, tín hiệu từ hệ thống Starlink của SpaceX cũng đã bị nhiễu. Ông Musk viết trên Twitter vào tháng 3/2022: "Một số thiết bị của Starlink gần các khu vực xung đột đã bị nhiễu trong vài giờ liền. Bản cập nhật phần mềm mới nhất của chúng tôi đã khắc phục được tình trạng nhiễu".
Phía Nga đã tiến hành một cuộc thử nghiệm lớn về vũ khí diệt vệ tinh vào tháng 11/2021 nhưng cho đến nay vẫn chưa có động thái phá hủy vệ tinh. Theo bà Anne Maruin, nhà nghiên cứu địa chính trị thuộc Không quân Pháp, sự thận trọng đó có thể là do tính toán rủi ro. Bà nói: "Từ cuộc xung đột ở Ukraine, kết quả trong vũ trụ cho thấy Nga đang tuân thủ một hình thức chủ nghĩa thực tế, xem xét cẩn thận các rủi ro leo thang trong trường hợp phá hủy tàu vũ trụ của Mỹ hoặc châu Âu gián tiếp hỗ trợ lực lượng Ukraine".
Bà Maruin nói rằng động thái như vậy có thể bị coi là nguyên nhân gây ra chiến tranh, điều mà Nga khó có thể mạo hiểm thực hiện.
Theo bà Maurin, Nga có ít tài sản trong vũ trụ hơn Mỹ hoặc Trung Quốc. Bà trích dẫn một tuyên bố năm 2022 của giám đốc cơ quan hàng không vũ trụ Nga cho biết: "Trong tình huống cần hỗ trợ các lực lượng vũ trang của chúng tôi, chúng tôi có những nguồn lực khá khiêm tốn. Điều này khiến cá nhân tôi lo lắng".
Phía Nga chưa có bình luận gì về tuyên bố của Tướng B. Chance Saltzman.
Theo trang Business Insider, hiện nay, quân đội Ukraine vẫn dùng mạng Internet do vệ tinh Starlink cung cấp để liên lạc và phối hợp tấn công với nhau. Tuy nhiên, một binh sĩ Ukraine cho biết họ đang phải chạy đua trong việc sử dụng dịch vụ Internet của Starlink vì sợ phía Nga sẽ phát hiện ra họ.
Binh sĩ Ukraine nói trên cho biết mình và các đồng đội chỉ sử dụng dịch vụ liên lạc Starlink khi thực sự cần thiết để tránh bị lực lượng Nga định vị hoặc gây nhiễu.
Trước tình hình đó, quân đội Ukraine đã nghĩ ra một số cách để ngăn lực lượng Nga gây gián đoạn dịch vụ, như đặt thiết bị Starlink phía sau hàng rào bằng đất hoặc bê tông để ngăn tín hiệu gây nhiễu. Một số người gợi ý đặt thiết bị tiếp nhận Internet vào trong một cái hố cũng giảm thiểu được tình trạng bị phát hiện.
SpaceX đã gửi tặng các thiết bị thu phát tín hiệu Starlink trị giá 80 triệu USD cho Ukraine khi xung đột bắt đầu bùng nổ vào tháng 2/2022.
Ông Elon Musk từng cảnh báo Nga liên tục muốn vô hiệu hóa Starlink và SpaceX buộc phải dùng nhiều nguồn lực để bảo vệ dịch vụ này khỏi bị gián đoạn và tiếp tục hoạt động.