Trong một hội nghị do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Mỹ (CSIS) tổ chức gần đây, ông Goldfein đã phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau, một số phóng viên đã đặt câu hỏi về vai trò của F-35 tại khu vực Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang phát triển quân sự nhanh chóng trong thời gian gần đây.
Máy bay F-35 sẽ không hoạt động đơn lẻ
Khi được hỏi cụ thể rằng F-35 sẽ làm gì khi đối đầu với J-31 của Trung Quốc, ông Goldfein tỏ ra do dự.
“Tôi hi vọng rằng theo thời gian chúng ta sẽ không còn so sánh các loại khí tài quân sự với nhau, mà sẽ đánh giá tương quan giữa các lực lượng quân sự”, ông Goldfein nói và phủ nhận rằng máy bay Trung Quốc sẽ đối đầu trực tiếp với phi cơ Mỹ.
“Máy bay Mỹ hay Trung Quốc sẽ thắng khi đấu tay đôi với nhau không quan trọng. Chúng tôi sẽ không bao giờ chỉ triển khai một mình F-35 mà nó sẽ đi kèm với các loại phi cơ khác”, vị tướng Mỹ nói thêm.
Khi được hỏi liệu F-35 sẽ có thể phát huy khả năng của mình tại khu vực Thái Bình Dương hay không, ông Goldfein nói rằng trận chiến không còn bắt đầu khi máy bay của hai bên phát hiện ra nhau như trong quá khứ nữa.
Vị tướng Mỹ khẳng định rằng phi công lái F-35 sẽ nắm được tình hình chiến trường trước khi có mặt. Khi F-35 xuất hiện “trước hệ thống phòng không tinh vi nhất hiện nay”, máy bay đã có thể tiếp cận trận chiến theo cách mà phi công muốn.
F-35 có chức năng tấn công các mục tiêu quan trọng, đồng thời phối hợp với các máy bay khác để tìm kiếm các phi cơ bị bắn rơi, đồng thời gây sức ép đối với các hệ thống phòng không của đối phương.
Trong một cuộc diễn tập quân sự gần nhất, máy bay F-35 đã đạt được kết quả chiến đấu ấn tượng khi có tỉ lệ bắn rơi 15 máy bay của đối phương trước khi bị bắn hạ và tăng cường khả năng chiến đấu của các phi cơ khác.
Hiện máy bay F-35B, phiên bản dành cho Lực lượng Thủy quân Lục chiến Mỹ, đã được triển khai đến Nhật Bản, và F-35A của Không quân Mỹ sẽ có mặt tại đây trong năm nay. Tại Úc, Mỹ đã điều động một số máy bay F-22 cùng khoảng 2.500 lính Mỹ.