Reuters dẫn lời tướng Joseph Votel – người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung ương Mỹ - mô tả Nga vừa là "kẻ đốt nhà", đồng thời là "lính cứu hoả", tức đóng cả 2 vai trong cuộc nội chiến ở Syria.
"Về ngoại giao và quân sự, Moscow đóng vai trò là ‘kẻ đốt nhà và lính cứu hỏa’, gây căng thẳng giữa các bên ở Syria. Sau đó, họ trở thành trọng tài giải quyết các tranh chấp và cố gắng làm suy yếu vị thế đàm phán của các bên" - ông Votel phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ.
Cũng theo ông Votel, Nga cần phải thừa nhận rằng nước này không có khả năng hoặc không muốn đóng vai trò trong việc chấm dứt xung đột ở Syria. Ông Votel nói thêm Moscow đang sử dụng Syria để thử nghiệm các loại vũ khí và chiến thuật quân sự mới. Ngoài ra, Nga còn tăng số lượng tên lửa đất đối không tại khu vực, đe dọa khả năng "thống trị trên không" của Mỹ.
Trong khi đó, ông Votel từ chối bình luận về vụ tấn công nhằm vào lực lượng do Washington hậu thuẫn ở Syria ngày 7-2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết nước ông vẫn chưa tìm ra người chỉ đạo vụ tấn công nói trên, được cho là liên quan đến một nhà thầu quân sự tư nhân Nga.
Reuters trước đó đưa tin khoảng 300 tay súng làm việc cho một nhà thầu quân sự tư nhân Nga có quan hệ với Điện Kremlin đã bị giết hoặc bị thương ở Syria.
Kể từ khi can thiệp vào Syria năm 2015, Moscow đã ủng hộ lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad – đang bao vây khu vực Đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus do phiến quân kiểm soát.
Tuy nhiên, nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn ngắn hạn (kéo dài 5 giờ) của Nga hôm 27-2 bị thất bại sau khi lực lượng chính phủ tiếp tục tấn công vào Đông Ghouta chỉ sau một thời gian ngắn.
Khói bốc lên từ khu vực Đông Ghouta hôm 27-2. Ảnh: Reuters
Moscow và Damascus đổ lỗi cho phe nổi dậy khiến lệnh ngừng bắn sụp đổ, cáo buộc họ nã đạn vào một tuyến đường dành cho dân thường rời khỏi khu vực chiến sự. Tuy nhiên, phe nổi dậy bác bỏ cáo buộc đó.
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ có kế hoạch chấm dứt các cuộc tấn công tương tự để cho phép hàng viện trợ được chuyển tới Đông Ghouta thông qua hành lang nhân đạo.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cũng cho biết họ sẵn sàng tới Đông Ghouta để cung cấp hàng viện trợ nhưng nói rằng lệnh ngừng bắn 5 giờ do Nga đề xuất là quá ngắn ngủi.
Trong khi đó, tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) vừa mở cuộc điều tra về các vụ tấn công ở Đông Ghouta để xác định xem các bên có sử dụng vũ khí bị cấm hay không.