Trong những năm gần đây, tình hình biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan leo thang căng thẳng: Trung Quốc tăng cường sự hiện diện trong khu vực bằng các cuộc tuần tra của các nhóm tàu sân bay, chiến đấu cơ; Nhật Bản và Đài Loan nâng cao cảnh giác, nhiều lần cử tàu chiến, máy bay chiến đấu giám sát hoặc ngăn chặn hành động của quân đội Trung Quốc.
Theo công bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 18/7, tính riêng quý 2 năm 2018 (từ tháng đến tháng 6), các chiến đấu cơ của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã cất cánh khẩn cấp 271 lần, trong đó có 173 lần đối đầu với Trung Quốc, tăng 72 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Trước bối cảnh này, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương (Mỹ) - Thượng tướng Dennis Blair cho rằng, Đài Loan, Nhật Bản nên nhân cơ hội này "trả đũa" Bắc Kinh.
Ông này cho rằng, hành động quân sự của Trung Quốc là "ngoại giao tàu chiến", mục đích là để đe dọa đối phương, theo đó, ông kiến nghị, quân đội Đài-Nhật nên lợi dụng cơ hội cuộc tuần tra của nhóm tàu sân bay Liêu Ninh để tiến hành các cuộc tấn công mô phỏng.
"Nếu trong tương lai, tàu sân bay Liêu Ninh lại tiến hành hành động tương tự, Đài Loan nên phát động cuộc tấn công mô phỏng đối với nhóm tàu này, một mặt giúp Đài Loan nâng cao năng lực sẵn sàng chiến đấu, mặt khác chứng minh, tàu sân bay Liêu Ninh rất dễ bị tấn công trong thời chiến", ông nói.
Tuy nhiên, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cũng cho hay, phản ứng hiện nay của Nhật Bản và Đài Loan trước các cuộc tuần tra của PLA đã giúp Bắc Kinh thuận lợi thu thập các thông tin tình báo, giúp Bắc Kinh "hiểu sâu sắc hơn khả năng trinh sát và phản ứng của Tokyo và Đài Bắc", tạo thêm ưu thế cho hàng động tác chiến trong tương lai của PLA.
Trước phát biểu của tướng Mỹ, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, đây là chiêu khích tướng nhằm đẩy Nhật Bản và Đài Loan lên tuyến đầu trong cuộc xung đột (nếu xảy ra) với Trung Quốc.
Ông này cho rằng, đề nghị Nhật, Đài tấn công mô phỏng tàu Liêu Ninh sẽ khiến cục diện eo biển Đài Loan va quan hệ Trung-Nhật trở nên căng thẳng.
"Thực chất, [Dennis Blair] muốn đẩy Đài Loan và Nhật Bản trở thành bia đỡ đạn, vật hy sinh trên tuyến đầu trong cuộc đối đầu với PLA.
Trong khi đó, Mỹ ở phía sau không những có thể lợi dụng mối quan hệ với Nhật, Đài để nhận được thông tin tình báo về PLA mà còn có thể tăng cường liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Đài để bù đắp cho sự thiếu hụt sức mạnh của quân đội Mỹ", chuyên gia Trung Quốc nói.